Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa

(PNTĐ) - Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa và hội nhập ở nước ta diễn ra nhanh chóng. Là một thiết chế xã hội đặc biệt, gia đình vừa mang tính ổn định, bền vững, nhưng cũng mang tính linh hoạt, vận động để thích ứng với sự đổi thay của xã hội. Điển hình như tại Thủ đô Hà Nội, thời gian qua đã ghi nhận nhiều sự thay đổi rõ rệt của các hình thái gia đình.

Bài 2: Những biến đổi của gia đình trong thời kỳ hiện đại hóa - ảnh 1
Các thành viên CLB Nam giới tiên phong thảo luận về vai trò của nam giới trong xây dựng gia đình Thủ đô văn minh, tiến bộ, hạnh phúc.

Quy mô gia đình có xu hướng nhỏ gọn
Sinh ra, lớn lên và gắn bó gần như cả cuộc đời trong khu phố cổ, bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Tổ trưởng Tổ dân phố số 5, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm đã chứng kiến nhiều sự thay đổi trong gia đình của người Hà Nội từ thời ông bà, cha mẹ và tới nay là đời các con, cháu mình. Vẫn tại ngôi nhà số 33 Hàng Bạc, nhiều chục năm trước, đại gia đình tam, tứ đại đồng đường của bà đã sống quây quần đầm ấm. Thế rồi qua thời gian, thế hệ cao niên mất đi, các con bà Bích lớn lên, lập gia đình, dọn ra ở riêng chứ không chọn sống chung. Ngôi nhà của tổ tiên để lại giờ đây trở nên rộng rãi vì chỉ còn lại hai vợ chồng bà Bích. 

Chỉ tay sang nhiều ngôi nhà cổ lợp mái đỏ xung quanh, bà Bích cho biết: Bề ngoài, những ngôi nhà ấy có tuổi đời cả trăm năm, nhưng nếp sinh hoạt bên trong thì đã hiện đại hóa ít nhiều. Ở phường Hàng Bạc, gần như chẳng còn nhà nào sống chung đa thế hệ. “Trước đây, điều kiện khó khăn, việc thoát ly ra khỏi tổ ấm rất ít, con cái lớn lên, lập gia đình rồi sinh con vẫn cố gắng ở bên cha mẹ. Ngày nay, thế hệ trẻ nghĩ nhiều đến mô hình gia đình nhỏ chỉ có hai thế hệ”- bà Bích chia sẻ trong sự luyến tiếc vì nếu nhìn ở góc độ tích cực, việc sống cùng ông bà sẽ giúp con cháu hấp thụ nền nếp, gia phong của gia đình, đồng thời được giáo dục lễ nghĩa, kính trên, nhường dưới.

 Tuy nhiên, bà cũng thừa nhận, sự biến đổi quy mô gia đình là tất yếu trong xã hội hiện đại, khi mà con người ngày một đề cao tính tự chủ, độc lập, quyền riêng tư. Thay vì cố gắng níu giữ gia đình đông người, vợ chồng bà Bích đã thích nghi, hỗ trợ các con mua nhà riêng, đổi lại, cuối tuần, ông bà đến thăm các cháu hoặc các con cháu đưa nhau về thăm, quây quần bên ông bà. Các thế hệ đều có không gian riêng, các con được tự do và ông bà cũng thảnh thơi với tuổi già.

Theo GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Giới và Gia đình, trong nền kinh tế thị trường và đô thị hóa, những gia đình đa thế hệ “tam đại đồng đường”, “tứ đại đồng đường” quen thuộc dường như đã không còn phù hợp với lối sống công nghiệp hiện đại. Thay vào đó là mô hình gia đình hạt nhân gồm hai thế hệ cha mẹ và con cái để tiện cho cuộc sống, làm việc, sinh hoạt... Họ gồm đủ các tầng lớp, nhóm xã hội từ công nhân, công chức, viên chức Nhà nước tới những người buôn bán, lao động tự do, làm việc trong lĩnh vực dịch vụ…

Kết quả điều tra, khảo sát trên gần 900 phụ nữ và cán bộ Hội Phụ nữ ở 8 phường/xã thuộc các quận Hoàn Kiếm, Thanh Xuân, huyện Đan Phượng, Đông Anh do Hội LHPN TP Hà Nội tiến hành năm 2022 cũng đưa ra kết quả, có tới 62% người được hỏi lựa chọn hình thức gia đình hạt nhân, chỉ có 38% người chọn mô hình sống chung 3-4 thế hệ.
Bổ sung và phát triển những giá trị mới 
Ghi nhận cho thấy, bước sang thời kỳ mới, gia đình của những con người Thủ đô đương đại một mặt vẫn tiếp nối các giá trị tốt đẹp của gia đình truyền thống, của người Hà Nội thanh lịch như vợ chồng chung thủy, cha hiền con hiếu, anh em hòa thuận…; nhưng cũng đã có nhiều biến đổi so với gia đình truyền thống thông qua việc bổ sung nhiều giá trị mới phù hợp và tiến bộ. 

Chẳng hạn trước đây, nam giới (đặc biệt là người gia trưởng) được công nhận là người kiếm sống nuôi gia đình, còn phụ nữ làm các công việc chăm sóc không lương, thì nay ngày một nhiều chị em đã tham gia các hình thức lao động phong phú, đóng góp phần thu nhập quan trọng cho gia đình. Tiếng nói, quá trình ra quyết định và cống hiến của phụ nữ ngày càng được tôn trọng trong gia đình và cộng đồng. Đó chính là biểu hiện của giá trị bình đẳng và tôn trọng.

Việc bổ sung giá trị bình đẳng, tôn trọng với phụ nữ đồng nghĩa với gia tăng vai trò của nam giới ở Hà Nội. Biểu hiện là ngày một nhiều người chồng tham gia vào công việc nội trợ, dọn dẹp nhà cửa, chăm sóc con cái… Họ trở thành hình mẫu xây dựng mối quan hệ lành mạnh và bình đẳng trong gia đình, không sử dụng bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Mối quan hệ bình đẳng giữa vợ và chồng đang trở thành một nét tiêu biểu của văn hóa gia đình Thủ đô mới: Bình đẳng về quyền lợi nghĩa vụ, yêu thương đùm bọc nhau, cùng nhau chia sẻ trách nhiệm với gia đình, tạo điều kiện cho nhau cùng phát triển.

CLB Nam giới tiên phong là mô hình đang được triển khai hiệu quả tại xã Ngọc Hòa, huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Ông Nguyễn Cửu Nâng, Chủ nhiệm CLB Nam giới tiên phong xã Ngọc Hoà, huyện Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, trước đây, nhiều nam giới ở Ngọc Hòa vẫn giữ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, gia trưởng. Song, đến nay, nhiều nam giới là thành viên trong CLB tiên phong đã trở thành tấm gương tham gia xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc, tiến bộ. Tiêu biểu như anh Quốc, từ một người rất ít khi xắn tay làm việc nhà thì nay đã cùng vợ làm nội trợ… Anh Dũng sau khi sinh con gái một bề từng muốn vợ đẻ thêm con trai nay cũng đã nhận ra con trai hay con gái đều là con, quan trọng là nuôi dạy sao cho tốt. Nhờ đó, những năm gần đây, các vụ mâu thuẫn, xung đột xảy ra trong các gia đình trên địa bàn xã Ngọc Hòa đã giảm đi đáng kể.

GS.TS Lê Thị Quý chia sẻ: “Dưới ánh sáng của khoa học về giới, vai trò và vị trí của phụ nữ trong gia đình, đặc biệt là trong gia đình Thủ đô đã thay đổi sâu sắc. Tiếng nói của phụ nữ được coi trọng. Vợ chồng bình đẳng cùng thảo luận và quyết định những vấn đề lớn nhỏ trong gia đình. Nghĩa vụ, trách nhiệm của phụ nữ cũng được chia sẻ với người chồng và họ có thể dành thời gian cho việc học tập để theo kịp sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, để tái tạo năng lực sản xuất và nuôi dạy con cái. Sự thay đổi to lớn này trong các Thủ đô đã giúp cho việc khai thác sử dụng đúng đắn nguồn nhân lực to lớn là phụ nữ”.

Cùng với tiếp thu các giá trị tiến bộ, gia đình Thủ đô trong thời kỳ mới cũng đang dần loại bỏ những yếu tố mang tính lạc hậu, không còn phù hợp với xã hội và gia đình hiện đại. Chẳng hạn, nhiều gia đình ở Thủ đô không còn coi con cái là nguồn của cải và sức lao động, coi trọng con trai hơn con gái… Đây là những giá trị mang dấu ấn đặc trưng của gia đình trong nền văn minh nông nghiệp, ở đó gia đình nào có đông người, nhiều thế hệ, nhiều con trai là có sức mạnh. Trong gia đình Thủ đô hiện nay, cá nhân đã được coi trọng; chất lượng con quan trọng hơn số lượng con. Các gia đình ở Hà Nội cũng đứng đầu trong việc cho con trai và con gái đi học bình đẳng. Sự thay đổi này đã loại bỏ quan điểm “nam ngoại, nữ nội” trong gia đình xưa, chỉ dành mọi điều kiện tốt nhất về học vấn cho con trai. 

Ngoài giá trị bình đẳng vợ chồng, bình đẳng con trai con gái, bình đẳng thế hệ, quyền của trẻ em trong gia đình Hà Nội cũng được tôn trọng. Đây là điều rất quan trọng bởi đây chính là thế hệ tương lai sẽ kế thừa, tiếp nối các giá trị của gia đình. Cũng theo kết quả khảo sát của Hội LHPN Hà Nội, đa số phụ nữ Hà Nội cho rằng cách ứng xử theo hướng con cháu nhất nhất phải nghe lời ông bà/cha mẹ đã không còn phù hợp. Thay vào đó “các thành viên gia đình được bình đẳng trong bày tỏ ý kiến, quan điểm” trở thành giá trị phổ biến hơn với 90,8% người lựa chọn. Bên cạnh đó, 74,1% phụ nữ Hà Nội cũng cho rằng “các cá nhân không nhất thiết phải làm theo mong đợi của gia đình”.

 Tại xã Vân Hà, Đông Anh, Hà Nội, nhiều ông bố bà mẹ cho biết, họ sẵn sàng tạo cơ hội cho các con được tự do nói lên suy nghĩ, tham gia đóng góp ý kiến, quan điểm về các việc trong gia đình. Sự thay đổi rất tiến bộ bởi quan niệm hiếu thảo trong gia đình Việt Nam, theo giá trị truyền thống là yêu quý, kính trọng và tuyệt đối nghe lời cha mẹ. 

Có thể thấy rằng, gia đình Thủ đô thời kỳ mới là sự tiếp nối của gia đình Hà Nội truyền thống nhưng đã loại bỏ, cải tạo những giá trị không còn phù hợp và tiếp nhận nhiều giá trị nhân văn mới của xã hội hiện đại. Song, bên cạnh mặt tích cực, trong “vòng xoáy” của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gia đình Thủ đô cũng đang phải đối diện với nhiều vấn đề mới phức tạp nảy sinh, ảnh hưởng lớn đến việc giáo dục, trao truyền văn hóa cũng như giáo dục nhân cách con người.

(Còn nữa)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bai-2-nhung-bien-doi-cua-gia-dinh-trong-thoi-ky-hien-dai-hoa-a175917.html