Hà Nội: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục

(PNTĐ) - Hà Nội được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các hoạt động chuyển đổi số (CĐS) trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo (GD-ĐT), những năm qua, Sở GD-ĐT Hà Nội đã triển khai nhiều mô hình ứng dụng CNTT và CĐS trong dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo tiền đề quan trọng để ngành giáo dục có sự phát triển vững chắc trong xu thế “số hóa” hiện nay.

Tin liên quan

Chuyển đổi số trong trường học: Góc nhìn, phương pháp và cách làm mới cho giáo viên

Nâng cao chất lượng giáo dục Thủ đô qua Ngày hội chuyển đổi số

Hà Nội: Thúc đẩy chuyển đổi số ngành Giáo dục- đào tạo

Nhiều mô hình sáng tạo, hiệu quả

Năm học 2023-2024, Trường Tiểu học Đông Ngạc A áp dụng đề tài “Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả giảng dạy và công tác quản lý xây dựng trang web khotulieuai-thdna.edu.vn” của cô giáo Phạm Thị Ánh Nguyệt (Phó Hiệu trưởng Trường TH Đông Ngạc A) vào giảng dạy. Đề tài này vinh dự đạt giải Nhất cuộc thi Nhà giáo Bắc Từ Liêm tâm huyết, sáng tạo lần thứ VIII năm 2024. Theo chia sẻ của cô Ánh Nguyệt, trang web khotulieuai-thdna.edu.vn có 3 mảng tư liệu chính (Thư viện video; tranh, ảnh và câu lệnh), chứa trên 200 video công nghệ 2D, 3D; trên 100 tư liệu tranh ảnh AI; trên 650 câu lệnh Chatbot AI - Chat GPT; thuộc các môn học, hoạt động giáo dục từ lớp 1 đến lớp 5 và công tác quản lý.

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục - ảnh 1
Cô giáo Phạm Thị Ánh Nguyệt, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đông Ngạc A (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) trình bày đề tài “Ứng dụng CNTT nâng cao hiệu quả giảng dạy và công tác quản lý xây dựng trang web khotulieuai-thdna.edu.vn” tại cuộc thi “Nhà giáo Bắc Từ Liêm tâm huyết, sáng tạo” năm 2024.

Cô Nguyệt cho biết, trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018, nguồn tư liệu video tham khảo của các bộ sách còn hạn chế. Giáo viên gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng tư liệu video, thiết kế bài giảng sinh động tạo hứng thú cho học sinh. Từ đó, cô mong muốn xây dựng thư viện video tư liệu minh họa cho các bài học trong chương trình GDPT 2018.

Đến nay, trang web có gần 200 video cho các khối lớp (từ lớp 1 đến lớp 5) công nghệ 2D, 3D sắc nét, sinh động với thời lượng từ khoảng 20 giây đến 2 phút phù hợp với mục tiêu bài học, bất cứ giáo viên nào vào trang web cũng dễ dàng tải xuống tham khảo, không mất nhiều thời gian xây dựng, tiết kiệm thời gian, công sức và dạy học hiệu quả hơn.

Không chỉ vậy, cô Nguyệt đã sử dụng công nghệ AI tạo tranh, ảnh làm tư liệu dạy học để học sinh dễ hình dung bài học hơn. Cô đã thiết kế hơn 100 tranh tương ứng với các bài học thuộc các môn: Tiếng Việt, Tự nhiên và xã hội, Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm ở các khối lớp 1,2,3,4,5 với các bức tranh minh họa sống động phù hợp với nội dung bài học. Đặc biệt, kho câu lệnh gồm trên 650 câu lệnh Chatbot AI - Chat GPT thuộc các lĩnh vực, giúp nhiều giáo viên, cán bộ quản lý tiết kiệm đáng kể thời gian, công sức để thiết kế các bài học thú vị, bổ ích cho học sinh.

“Kho tư liệu AI đã tiết kiệm chi phí cho nhà trường khoảng gần 50 triệu đồng, đồng thời tiết kiệm thời gian lên tới 70% (tùy công việc). Với tư liệu sinh động, trang web giúp thầy cô mang đến cho các em sự hào hứng, thích thú với các bài học” - cô Nguyệt đánh giá.

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục - ảnh 2
Một tiết học ứng dụng CĐS tại Trường Tiểu học Đông Ngạc A (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

Bên cạnh đó, Trường Tiểu học Đông Ngạc A cũng đã triển khai một số đề án ứng dụng CNTT vào dạy và học, tập huấn chữ ký số, phần mềm quản lý hồ sơ sổ sách điện tử, phần mềm bồi dưỡng thường xuyên LMS; Ứng dụng công nghệ AI trong dạy học và quản lý, học bạ số,… Đến nay, 100% giáo viên biết cách truy cập, khai thác và sử dụng phần mềm, ứng dụng vào quản lý và giảng dạy theo nhiều hình thức như tập trung, online, offline...; hệ thống quản lý hành chính điện tử, hệ thống điểm danh thông minh, hệ thống xin phép nghỉ thông minh được triển khai hiệu quả; 100% các tiết dạy trên lớp đều ứng dụng CNTT…

Để phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục, Trường THCS Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội) đã đầu tư cơ sở vật chất, trong đó, có màn hình led rộng 26m2 để tăng cường tương tác trong các hoạt động ngoài trời và phòng học của nhà trường. Bên cạnh đó,  tại phòng hội đồng của nhà trường cũng được lắp đặt màn hình led rộng khoảng 6m2 và nhà thể chất cũng có màn hình led rộng khoảng 14m2 phục vụ cho việc dạy và học. Các màn hình led phục vụ cho các hoạt động tập thể và một số hoạt động trải nghiệm, chuyên đề, bồi dưỡng cho học sinh với nhiều hình ảnh hấp dẫn, linh hoạt.

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục - ảnh 3
Màn hình led rộng 26m2 được lắp đặt tại sân Trường THCS Mai Dịch (Cầu Giấy, Hà Nội), giúp tăng tương tác trong các hoạt động ngoài trời và phòng học của nhà trường.

Là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi số trong giáo dục tại quận Ba Đình, thời gian qua, Trường Tiểu học Thành Công B đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong ứng dụng CĐS vào giảng dạy. Cụ thể, nhà trường đã đồng bộ hạ tầng CNTT hiện đại, gồm: màn hình LED sân trường, hệ thống hạ tầng Internet với cáp quang, wifi, cùng hệ thống cơ sở vật chất về CNTT, hỗ trợ công tác quản lí, dạy học, kiểm tra, đánh giá. Các lớp học đều được trang bị màn hình lớn giúp bài giảng của giáo viên sinh động hơn tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học.

Ban giám hiệu và giáo viên nhà trường đã cài đặt, sử dụng, sắp xếp toàn bộ hồ sơ một cách khoa học trong không gian bộ nhớ dùng chung driver đảm bảo khoa học; đảm bảo tính công khai, dân chủ, có phân quyền quản lý. Các tài liệu được số hóa, bảo đảm tinh gọn và hiệu quả; phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử. Đặc biệt, nhà trường chú trọng đào tạo, nâng cao năng lực CNTT cho giáo viên, đảm bảo các giáo viên có thể áp dụng công nghệ một cách hiệu quả trong giảng dạy…

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục - ảnh 4
Trường Tiểu học Thành Công B (quận Ba Đình, Hà Nội) ứng dụng CĐS trong dạy học.

Tại Trường THCS Thành Công (Ba Đình, Hà Nội), để thực hiện CĐS, nhà trường đã triển khai mô hình “Điểm danh học sinh qua thẻ từ”. Nhà trường lắp đặt 9 máy quét ở những vị trí thuận lợi từ cổng trường cho đến các hành lang lớp học để thực hiện quản lý chuyên cần của học sinh bằng phương pháp quét thẻ từ. Việc sử dụng công nghệ vào điểm danh trong trường học là một giải pháp tối ưu và hiệu quả, đặc biệt trong giai đoạn CĐS hiện nay. Với phương pháp này, Trường THCS Thành Công sẽ dễ dàng tổng hợp, báo cáo chi tiết thời gian ra, vào của học sinh. Từ đó, việc quản lý học sinh của ban giám hiệu và giáo viên chủ nhiệm dễ dàng hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, các em học sinh sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị khi đến trường...

Quyết tâm tiên phong trong thực hiện chuyển đổi

Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, ngành GD-ĐT quận Ba Đình luôn xác định CĐS là quá trình lâu dài, bền bỉ, cần chú trọng nâng cao nhận thức, tư duy đúng đắn về CĐS, đồng thời cải thiện khả năng tiếp cận cho tất cả mọi người, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục. Do đó, các trường học trên địa bàn quận không chỉ ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, mà còn áp dụng sáng tạo vào trong việc giảng dạy.

Hiện, 100% trường học trực thuộc quận được kết nối internet, được trang bị hệ thống camera giám sát nhằm đảm bảo sẵn sàng cho việc liên thông hệ thống quản lý điều hành. Các cơ sở giáo dục trực thuộc quận đều ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý thư viện, đồ dùng thiết bị nhà trường. Bên cạnh đó, các lớp học đều được trang bị màn hình lớn, giúp bài giảng của giáo viên được thể hiện sinh động hơn, tạo hứng thú cho học sinh trong giờ học.

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục - ảnh 5
Ông Lê Đức Thuận, Trưởng phòng GD-ĐT quận Ba Đình (Hà Nội) chia sẻ về công tác CĐS trong dạy và học tại quận Ba Đình.

Phòng GD&ĐT quận Ba Đình cũng thường xuyên tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các trường mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn quận. Cùng với kho học liệu dùng chung do phòng GD-ĐT khởi tạo, đến nay, các trường tiểu học và THCS đã tạo được hơn 20.000 học liệu số…

Tuy nhiên, theo ông Lê Đức Thuận, việc triển khai dạy - học trực tuyến trong thời gian qua mới chỉ giai đoạn đầu; cần từng bước hướng tới xây dựng trường học trực tuyến, nơi có thể tổ chức hoạt động học, quản lý lớp, giao bài tập, kiểm tra, đánh giá trên hệ thống. Qua đó, học sinh chủ động tiếp cận và lĩnh hội kiến thức với môi trường số phong phú, đa dạng và hấp dẫn.

Hiện ngành Giáo dục Hà Nội hiện có quy mô lớn nhất với hơn 2.800 trường học, hơn 2,2 triệu học sinh. Một trong những công cụ để quản lý tốt là ứng dụng CNTT, CĐS. Thời gian qua, các trường học thuộc TP Hà Nội đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả tích cực trong ứng dụng CNTT, CĐS.

Sở GD-ĐT đã triển khai xây dựng trung tâm Điều hành giáo dục thông minh (IOC) phục vụ công tác quản trị, điều hành các hoạt động giáo dục trên toàn thành phố. IOC bao gồm có các chức năng: Xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thuộc phạm vi của Sở bằng công cụ hiện đại, thông minh, trực quan; tích hợp hệ thống Hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành bằng các bảng điều khiển thông minh, tùy theo thời điểm; quản lý và tổ chức các cuộc họp trực tuyến; hệ thống giám sát thời gian thực qua camera tới cổng, sân trường của các trường học; cập nhật các thông tin mới nhất về ngành GD-ĐT trên cổng thông tin điện tử, giám sát thông tin trên môi trường mạng.

Hà Nội: Nâng cao hiệu quả chuyển đổi số trong giáo dục - ảnh 6
Trường THCS Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) triển khai tuyển sinh trực tuyến trong năm học 2024-2025.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai có hiệu quả cơ sở dữ liệu ngành giáo dục về giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên tại địa chỉ csdl.moet.gov.vn; kế thừa hệ thống cơ sở dữ liệu ngành để xây dựng và sử dụng có hiệu quả hệ thống ôn tập trực tuyến Hanoi Study giúp giáo viên và học sinh tự ôn luyện, làm bài kiểm tra, khảo sát chất lượng bằng hình thức trực tuyến. Chuyển đổi hình thức gửi, nhận báo cáo số liệu sang hình thức trực tuyến. Thực hiện quản lý trường học tới 100% cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên trên nên tảng cơ sở dữ liệu ngành giáo dục (do Bộ GD-ĐT quản lý); đẩy mạnh sử dụng sổ điểm điện tử, học bạ điện tử; triển khai ứng dụng CNTT để kết nối, tương tác, trao đổi thông tin giữa phụ huynh với nhà trường. Tích cực trao đổi, cập nhật văn bản trên môi trường số nhằm giảm thời gian, tiết kiệm văn phòng phẩm và đảm bảo cập nhật nhanh, chính xác, hiệu quả.

Tiếp tục triển khai Hệ thống quản lý tuyển sinh trực tuyến trên trang http://tsdaucap.hanoi.gov.vn, đáp ứng nhu cầu thông tin quản lý giáo dục một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời đối với tất cả các cấp học, từ trường học, phòng GD-ĐT, Sở GD-ĐT, UBND Thành phố và Bộ GD-ĐT.

Trong năm học qua, các trường học trên địa bàn Hà Nội đều tăng cường công tác truyền thông, vận động, hỗ trợ phụ huynh đăng ký tuyển sinh trực tuyến. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp dạy học, thi và kiểm tra đánh giá trong tất cả các môn học; triển khai phương thức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình… Năm nay Hà Nội tiếp tục triển khai hỗ trợ tuyển sinh trực tuyến vào mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 trên trang http://tsdaucap.hanoi.gov.vn, được cha mẹ học sinh và nhân dân quan tâm tin tưởng và đánh giá cao.

Theo ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GD-ĐT, Sở cũng đã quán triệt đẩy mạnh việc thanh toán không dùng tiền mặt với yêu cầu các đơn vị khi triển khai chuyển đổi số trong quản lý các khoản thu không sử dụng tiền mặt tại các cơ sở giáo dục tại các nhà trường, sẽ đa dạng các kênh thanh toán và miễn phí giao dịch, bảo đảm thuận lợi nhất cho phụ huynh học sinh.

Sở GD-ĐT đã đề nghị tất cả nhà trường căn cứ bộ chỉ số về CĐS của Bộ GD-ĐT để rà soát các điều kiện hiện có; tham mưu chính quyền địa phương tăng cường điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị; triển khai hiệu quả hệ sinh thái CĐS về dạy học, kiểm tra, đánh giá; cập nhật thông tin thường xuyên lên trung tâm điều hành thông minh của ngành… Các nhà trường cũng cần tăng cường xây dựng, đóng góp vào kho học liệu số; tiếp tục bổ sung, khai thác kho học liệu điện tử https://study.hanoi.edu.vn...

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ha-noi-nang-cao-hieu-qua-chuyen-doi-so-trong-giao-duc-a176017.html