Để nền nông sản thoát cảnh e dè
Trong 6 tháng đầu năm 2024, thông báo thay đổi và dự thảo các biện pháp vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động thực vật (SPS) của EU trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Ngược lại, một số thị trường như Trung Quốc gần như không có thông báo nào.
Đây là những thông tin được ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cung cấp tại Hội nghị "Tăng cường thực thi các quy định và cam kết về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật trong Hiệp định EVFTA, Hiệp định RCEP và các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh động thực vật trong thương mại nông sản thực phẩm" sáng 2/8.
Theo ông Nam, tính từ năm 2000, các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có xu hướng tăng thông báo, từ chưa đến 250 thông báo (năm 2000) đã tăng lên hơn 1.100 thông báo (năm 2022).
Ngoài ra, các đối tác chính về thương mại xuất khẩu nông, lâm, thủy sản và thực phẩm của Việt Nam như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc là nơi có nhiều thông báo nhất, chiếm hơn 60%.
"Điều đáng ngại là trong 6 tháng đầu năm là số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường. Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo. Trong số này, Tp.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo", ông Nam nói.
Việc EU tăng số lượng cảnh báo góp phần khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. "Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời", ông Nam chia sẻ.
Phân tích nguyên nhân về sự tăng bất thường số lượng cảnh báo, Phó Giám đốc Văn phòng SPS cho biết, có cả lý do chủ quan lẫn khách quan. Về phía chủ quan, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu vì mức MRL đối với mỗi hoạt chất của mỗi nước là khác nhau. Việc này đòi hỏi phải có sự nghiên cứu chuyên sâu và am hiểu khoa học, kỹ thuật.
Ngoài ra, theo thói quen từ trước, người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn.
Bên cạnh đó, ông Nam nhận định, tỉ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt. Ví dụ sầu riêng chỉ giám sát 52% vùng trồng và 47% cơ sở đóng gói.
"Không cách nào khác phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu", ông Nam nhấn mạnh.
Sân chơi rộng lớn từ các hiệp định thương mại tự do
Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết: "Việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEF… đã tạo ra sân chơi công bằng và rộng lớn hơn trước đó với các đối tác lớn như Đông Á và các nước châu Âu".
Ông Hòa nhận định, các hiệp định thương mại tự do tạo ra thuận lợi về thuế, đặc biệt là giảm dòng thuế về 0% đối với nông sản tươi và qua chế biến, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt phù hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông sản thực phẩm chế biến sâu.
Ông Lương Ngọc Quang - Phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông Cục Bảo vệ thực vật (BVTV), Bộ NN&PTNT cho biết, các quy định SPS trong Hiệp định RCEP dựa trên 6 tiêu chí, gồm: Tuân thủ quy định quốc tế, đánh giá rủi ro dựa trên khoa học, minh bạch, khuyến khích các phương pháp công nhận lẫn nhau, hợp tác và ứng dụng công nghệ trong chứng nhận.
Các biện pháp kiểm dịch được quốc gia đưa ra nhằm ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc nguy về an toàn thực phẩm, đồng thời tránh rủi ro tại cảng ở quốc gia nhập khẩu, thúc đẩy tốc độ thông quan.
"Mỗi quốc gia có quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn và kiểm dịch thực vật. Việc tuân thủ giúp hàng hóa xuất khẩu được chấp nhận tại nước nhập khẩu, phòng tránh việc bị cảnh báo, hoặc hạn chế nhập khẩu", ông Quang nói.
Với lĩnh vực BVTV, việc tuân thủ mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói là quan trọng nhất. Đây là yêu cầu bắt buộc khi đưa hàng hóa xuất khẩu nhưng không bắt buộc với sản phẩm nội tiêu.
Trong thị trường RCEP, số lượng sản phẩm được phép xuất khẩu sang Trung Quốc lớn nhất, hiện là 12 sản phẩm, thêm vào đó là dừa, chanh leo và ớt được xuất tạm thời. Xếp kế tiếp là New Zealand có 5 sản phẩm. Mới nhất, Hàn Quốc chính thức cấp phép cho mặt hàng bưởi tươi.
Ông Quang nhấn mạnh, dựa trên phân tích dịch hại, từng nước nhập khẩu sẽ áp dụng xử lý kiểm dịch thực vật riêng, các phương pháp chính gồm hơi nước nóng, xử lý lạnh, hoặc chiếu xạ.
Trong khi EU, dù được giảm thuế quan theo EVFTA, đặc biệt quan tâm đến mức dư lượng. Nếu một thuốc BVTV chưa được EU thiết lập MRL và không có trong cơ sở dữ liệu thì sẽ được áp dụng mức mặc định là 0,01 mg/kg.
Đại diện tiếng nói doanh nghiệp, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam nhận định: "Giá trị xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang Hàn Quốc, Nhật Bản ngày càng có xu hướng tăng. Bên cạnh xây dựng thương hiệu, vị thế tại thị trường truyền thống Trung Quốc, ngành rau quả nói riêng và nông sản Việt nói chung cần đa dạng hơn nữa thị trường".
Ông Nguyên cho rằng, Nhật Bản và Hàn Quốc cùng là thành viên của Hiệp định RCEP. Doanh nghiệp xuất khẩu không chỉ hưởng lợi từ thuế quan mà còn giảm chi phí vận chuyển, logistics khi xuất sang những thị trường xa như EU, Hoa Kỳ.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/so-luong-canh-bao-voi-nong-san-viet-nam-tu-eu-tang-bat-thuong-a176044.html