Ngày 2/8, trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đặng Quốc Toàn, Chánh Văn phòng UBND Tp.HCM cho biết, sau cuộc họp vào tối 1/8, Ban Cán sự Đảng UBND Tp.HCM quyết định chưa áp dụng bảng giá đất mới như công bố của Sở Tài nguyên và Môi trường.
Cụ thể, UBND Tp.HCM sẽ nghiên cứu điều chỉnh bảng giá đất hiện hành theo quy định của Luật Đất đai có hiệu lực từ ngày 1/8. Tp.HCM cũng đang khẩn trương nghiên cứu bảng giá đất để áp dụng từ ngày 1/1/2026.
Cùng ngày, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đã có công văn hoan nghênh quyết định của UBND Tp.HCM về việc chưa ban hành, áp dụng bảng giá đất mới từ ngày 1/8 mà tập trung xây dựng bảng giá đất lần đầu và áp dụng từ ngày 1/1/2026.
Theo HoREA, các mức giá của dự thảo bảng giá đất phổ biến tăng từ 10 - 20 lần so với bảng giá đất hiện hành, nhưng nhìn chung vẫn thấp hơn giá thị trường.
Ví dụ giá đất của 3 tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Nguyễn Huệ tại quận 1 là 810 triệu đồng/m2 nhưng tại khu vực này hầu như không có giao dịch mua bán chuyển nhượng, mà bất động sản tại đây thuộc loại tích sản chủ yếu dùng để cho thuê và cất giữ tài sản.
Bên cạnh đó, mức giá của dự thảo sẽ có tác động rất lớn đến rất nhiều cá nhân, hộ gia đình khi đề xuất cấp sổ hồng do phải nộp tiền sử dụng đất theo bảng giá đất cao hơn trước đây.
Mặc dù Luật Đất đai 2024 có quy định trường hợp người sử dụng đất được ghi nợ nghĩa vụ tài chính, nhưng trong thời gian còn nợ tiền sử dụng đất thì người sử dụng đất bị hạn chế nhiều quyền như không được thế chấp, không được mua bán chuyển nhượng cho đến khi trả xong khoản "nợ tiền sử dụng đất".
Trao đổi thêm với Người Đưa Tin, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM đánh giá, mức giá của dự thảo sẽ có tác động đến chi phí đầu vào của nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, trước hết là chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng sẽ bị đẩy lên cao hơn.
"Điều này sẽ tác động dây chuyền làm tăng giá nhà, giá thuê nhà, tăng chi phí tiền thuê đất, thuê nhà xưởng trong các khu công nghiệp và tại các dự án đầu tư kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch dẫn đến việc có thể làm tăng giá cả hàng hóa nói chung", ông Châu nói.
Nhìn chung, Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM cho rằng, việc ban hành dự thảo bảng giá đất mới là chưa thật cần thiết tại thời điểm hiện nay.
Bởi lẽ, Tp.HCM có đầy đủ các quy định về bảng giá đất, hệ số điều chỉnh giá đất nên bảng giá đất do UBND Tp.HCM ban hành theo quy định của Luật Đất đai 2013 hoàn toàn có thể được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 31/12/2025 theo quy định của Luật Đất đai 2024.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 7/2024 về kinh tế xã hội vào chiều 1/8, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM cho biết: "Người dân và dư luận rất quan tâm đến việc bảng giá đất mới. Thông tin này sẽ tác động đến nhiều đối tượng nên cần bàn thảo, xem xét kỹ".
Báo cáo tại phiên họp, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM cho hay, trong số các nội dung triển khai Luật Đất đai sửa đổi, UBND cấp tỉnh được xem xét, sử dụng bảng giá đất cũ hoặc điều chỉnh bảng giá đất.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Tp.HCM thông tin thêm, bảng giá điều chỉnh hiện nay là điều chỉnh lại bảng giá cũ, cập nhật giá đất giao dịch hiện hành. Theo đó, giá bồi thường đã được phê duyệt, giá cụ thể của thị trường để đảm bảo không gây thất thoát trong bối cảnh bảng giá cũ quá thấp.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, trong tháng 7/2024, số lượng hồ sơ đất đai của Tp.HCM tiếp tục tăng. Cụ thể, toàn địa bàn tiếp nhận gần 40.000 hồ sơ đất đai trong tháng 7, nhiều nhất vẫn là các hồ sơ mua bán, thế chấp. "Do hồ sơ nhà đất tăng nên nguồn thu liên quan đất đai của Thành phố là hơn 12.000 tỷ trong 7 tháng qua. Điều này cho thấy người dân có nhu cầu cao về lĩnh vực giao dịch bất động sản, thế chấp bất động sản", ông Thắng nhìn nhận.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vi-sao-tphcm-chua-ap-dung-bang-gia-dat-moi-tu-ngay-18-a176054.html