Dữ liệu cho thấy, tỷ lệ trẻ em không được tiêm chủng cao nhất tại những quốc gia đang có chiến tranh, xung đột. Theo đó, các cuộc nội chiến liên tiếp diễn ra ở Sudan đã khiến số lượng trẻ em chưa được tiêm vắc-xin tăng từ 110.000 trẻ trong năm 2021 lên tới 701.000 trẻ trong năm 2023. Yemen tăng từ 424.000 trẻ cách đây 3 năm lên 580.000 trẻ em chưa được tiêm vắc-xin.
Theo WHO, ngay cả với những trẻ được cho là đã tiêm vắc-xin thì vẫn còn tồn tại con số đáng báo động, lên tới 6,5 triệu trẻ em "được tiêm chủng nhưng không đủ liều". Giám đốc bộ phận tiêm chủng và vắc-xin của WHO, tiến sĩ Katherine O'Brien cho biết, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình là những nơi bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Ấn Độ, Nigeria, Indonesia, Ethiopia và Philippines là những quốc gia có số lượng trẻ em không được tiêm chủng cao nhất.
Bà Katherine O'Brien cho rằng, việc không được tiêm chủng đầy đủ sẽ khiến trẻ em dễ mắc các bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa được như bạch hầu, uốn ván, ho gà, và sởi. Theo báo cáo của UNICEF, trong năm 2023, có tới hơn 30 triệu trẻ em trên toàn cầu đã bỏ lỡ một hoặc nhiều liều vắc-xin thiết yếu. Điều này không chỉ đe dọa sức khỏe của trẻ em mà còn tạo áp lực lớn lên hệ thống y tế vốn đã căng thẳng sau đại dịch Covid-19, đây cũng được xem là nguyên nhân chính cho việc quay trở lại của những căn bệnh vốn đã được "thanh toán" tại nhiều quốc gia.
UNICEF đã đưa ra những cảnh báo về hậu quả khi trẻ không tiêm chủng. Theo đó, trẻ dễ mắc các bệnh hiểm nghèo do biến chứng của viêm gan, lao, ho gà, bạch hầu, ví dụ sởi biến chứng có thể gây tiêu chảy, viêm phổi, mù lòa, suy dinh dưỡng. Đồng thời trẻ có thể trở thành nguyên nhân gây bùng phát dịch bệnh trong cộng đồng. Chất lượng cuộc sống và tuổi thọ cũng bị giảm sút. Tổ chức này trích một nghiên cứu tại Brazil, cho thấy tuổi thọ trung bình của nước này tăng khoảng 30 năm (tính từ 1940 đến 1998), chủ yếu nhờ giảm tỷ lệ tử vong do các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin phòng ngừa. Việc tiêm chủng cho trẻ đã giảm số ca mắc và sự lây lan của mầm bệnh trong cộng đồng, tác động đặc biệt tích cực đến sức khỏe của những đối tượng yếu thế như trẻ em và người già.
Theo UNICEF để giải quyết vấn đề này, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các tổ chức y tế quốc tế, chính phủ các quốc gia và cộng đồng. Các chiến dịch tiêm chủng cần được tăng cường, đặc biệt là ở những khu vực khó tiếp cận. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm chủng.
Việc tiêm chủng cho trẻ em ở các vùng chiến tranh là một thách thức lớn, nhưng không phải là không thể vượt qua. Các tổ chức quốc tế như UNICEF, WHO và Gavi đã đề xuất nhiều giải pháp để đảm bảo trẻ em ở những khu vực này được tiêm chủng đầy đủ. Theo đó, bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ giữa các tổ chức quốc tế với chính phủ và các tổ chức phi chính phủ để cung cấp hỗ trợ nhân đạo, bao gồm vắc-xin và trang thiết bị y tế, thì cần tăng cường triển khai các đội y tế di động có thể giúp tiếp cận các khu vực khó khăn, đảm bảo rằng trẻ em ở những nơi này vẫn được tiêm chủng. Đặc biệt, các chiến dịch tiêm chủng cần được bảo vệ bởi các lực lượng an ninh để đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế và người dân.
Việc gần 15 triệu trẻ em không được tiêm các loại vắc-xin thiết yếu là một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu cần được giải quyết ngay lập tức. Những giải pháp này, nếu được thực hiện đồng bộ và hiệu quả, có thể giúp bảo vệ hàng triệu trẻ em khỏi các bệnh nguy hiểm, ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Chỉ có sự nỗ lực chung của toàn xã hội mới có thể đảm bảo rằng mọi trẻ em đều được bảo vệ trước các bệnh nguy hiểm có thể phòng ngừa được.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bao-dong-tinh-trang-tre-em-khong-duoc-tiem-cac-loai-vac-xin-thiet-yeu-a176173.html