Bất an vì nhà máy xử lý rác thải gây ô nhiễm môi trường kéo dài

(Chinhphu.vn) – Một nhà máy xử lý rác thải nhưng lại là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường ở Đồng Nai. Người dân sinh sống gần đó đang rất lo lắng, bất an vì ảnh hưởng tới sinh hoạt và sản xuất.

Chôn lấp hàng nghìn tấn rác thải trái phép

Những ngày gần đây, người dân xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai liên tục bày tỏ sự lo lắng, bất an khi phải sống chung với tình trạng ô nhiễm môi trường của một nhà máy xử lý rác thải nguy hại trên địa bàn.

Trước hình ảnh vườn chuối với hàng nghìn cây bị khô héo, giảm năng suất của gia đình, anh Nguyễn Văn Hòa (xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) cho rằng nguyên nhân do tái chế chì của nhà máy phát tán ra bám vào lá cây gây nên hiện tượng này.

Được biết, trước sự phản ánh của người dân, các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai và Bộ TN&MT đã vào cuộc kiểm tra và phát hiện ra nhà máy xử lý rác thải nguy hại tại xã Vĩnh Tân có nhiều vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường - Bộ Công an cũng đã phối hợp các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai kiểm tra, phát hiện Công ty cổ phần Môi trường Thiên Thanh, địa chỉ tại Tổ 12, Ấp 4, xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai có hành vi chôn lấp hàng nghìn tấn rác thải trái phép.

Khi cơ quan chức năng yêu cầu công ty múc lớp đất bề mặt kiểm tra, đã phát hiện rác thải có mùi hôi thối nồng nặc, màu đen sẫm được chôn lấp thủ công. Cạnh đó, còn một số hố sâu khác đã được bỏ rác xuống và đang chuẩn bị lấp đất để phi tang. Để che giấu, công ty này đã cho công nhân xây dựng tường gạch cao kiên cố khoảng 4 m, biệt lập hoàn toàn với khu vực xung quanh. Phía cổng luôn đóng cửa và có lực lượng canh giữ, thậm chí còn đặt biển cấm quay phim, chụp hình.

Nhiều người dân phản ánh, mỗi khi có gió thì mùi hôi thối bốc lên nồng nặc rất khó chịu. Thực trạng này đã tồn tại nhiều năm nay, người dân cũng nhiều lần phản ánh lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết triệt để.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cũng như Chi cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường miền Nam, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, Bộ TN&MT xác định Công ty Thiên Thanh đã có những vi phạm như: Vận hành thử nghiệm hệ thống xử lý nước thải nhưng chưa có văn bản thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm, phối hợp với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh, nơi triển khai dự án để được kiểm tra, giám sát quá trình vận hành thử nghiệm theo quy định.

Công ty chưa lắp đặt các đồng hồ đo lưu lượng đầu ra, đầu vào; chưa tổng hợp lượng chất thải lỏng đã thu gom về hệ thống xử lý các chất thải lỏng nguy hại phát sinh trong quá trình sản xuất đưa về hệ thống xử lý nước thải.

Điều này dẫn đến việc chưa kiểm soát được lượng nước thải đầu vào phải xử lý và lượng nước thải tuần hoàn tái sử dụng trong quá trình sản xuất.

Ở hệ thống xử lý nước thải, Công ty Thiên Thanh đang tồn dư 5 bể chứa nước thải nguy hại chưa xử lý, trong đó có 4 bể là nước thải nhiễm dầu, 1 bể là nước thải axit và kim loại.

Quy trình hệ thống xử lý doanh nghiệp không có bể tuần hoàn, chưa tuần hoàn lượng nước thải sau xử lý. Nước thải sau xử lý được đưa về bể giải nhiệt của hệ thống xử lý khí thải để tái sử dụng, công ty không có bể ứng phó sự cố 40 m3, chưa có sổ theo dõi, nhật ký vận hành xử lý; chưa tiến hành niêm yết các quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Với hệ thống xử lý khí thải của lò đốt chất thải số 2 và hệ thống xử lý khí thải của hệ thống tái chế chì chưa vận hành thử nghiệm, công ty chưa có sổ nhật ký vận hành, ghi chép đầy đủ thông tin của quá trình vận hành thử nghiệm công trình xử lý khí thải; hệ thống xử lý khí thải tái chế chì đã lắp đặt các chụp hút cho 2 lò nấu chì đang vận hành nhưng việc thu gom khí thải chưa triệt để; chưa có hệ thống xử lý khí thải, phá dỡ ắc quy chì thải.

Riêng hệ thống hóa rắn doanh nghiệp này cũng chưa cung cấp được hồ sơ kèm theo để minh chứng cho việc hợp chuẩn, hợp quy đối với gạch sản xuất ra.

Với hệ thống tái chế chì, công ty này chưa có nhà xưởng chì thô và có hệ thống tái chế bã chì, hiện mới chỉ có 1 nhà xưởng tận thu chì, nhưng không có trong hồ sơ môi trường. Vụ việc đang tiếp tục được điều tra.

Cần xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm

Theo Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, mà còn là nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cá nhân. Các doanh nghiệp xử lý chất thải lại vi phạm quy định pháp luật về xả thải, về bảo vệ môi trường càng cần phải bị xử lý nghiêm để nâng cao tính răn đe.

Pháp luật hiện hành quy định các hành vi chôn lấp, đổ chất thải rắn công nghiệp sẽ bị phạt đến 2,5 triệu đồng với cá nhân, 500 triệu đồng với tổ chức.

Mức phạt tùy vào loại chất thải và ở khung cao nhất lên tới hàng tỷ đồng, buộc khắc phục hậu quả, khởi tố hình sự, tuy nhiên việc xử lý vi phạm chưa thật sự đạt hiệu quả, bởi còn gặp nhiều khó khăn trong phát hiện và xử lý vi phạm.

Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho rằng, để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm trong lĩnh vực này, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nâng cao công tác phối hợp; đặc biệt là cần được bổ sung trang thiết bị hỗ trợ công tác giám sát, quản lý, đấu tranh phòng, chống các hành vi đổ trộm, xả thải trộm.

Đồng thời, cần quy trách nhiệm cho người đứng đầu đơn vị, địa phương khi để xảy ra các sai phạm nghiêm trọng về môi trường.

Ở trường hợp cụ thể như trên, người dân xã Vĩnh Tân, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai đang mong chờ cơ quan chức năng sớm có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng này, không thể để nhà máy xử lý rác thải nguy hại lại gây ô nhiễm môi trường liên tục kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là đối với sức khỏe thế hệ tương lai.

Linh Anh


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/bat-an-vi-nha-may-xu-ly-rac-thai-gay-o-nhiem-moi-truong-keo-dai-a176421.html