Quyết liệt thực hiện chuyển đổi số
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Lai Châu và công tác chuyển đổi số 6 tháng đầu năm 2024, tổ chức vào chiều 1/8, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Lai Châu cho biết, công tác chuyển đổi số của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 đã đạt được những kết quả tích cực.
Tỉnh đã ban hành 5 kế hoạch để tạo hành lang pháp lý cho thực hiện chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số của tỉnh. Các văn bản triển khai, cụ thể hóa các văn bản của Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông đã được ban hành.
Hạ tầng mạng truyền số liệu chuyên dùng đã kết nối tới 100% các sở, ban, ngành và UBND các cấp; tốc độ trung bình 20 Mbs. Toàn tỉnh Lai Châu có 22 cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành và địa phương. Các cơ sở dữ liệu đang được duy trì và kết nối với các hệ thống thông tin của bộ, ngành và của tỉnh để phục vụ hoạt động chỉ đạo điều hành của tỉnh.
Lai Châu đã hoàn thiện và vận hành nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP) với 10 kết nối đã hoàn thành, 8 kết nối đang cập nhật. Các nền tảng khác, như nền tảng khám chữa bệnh, giao dịch thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt… được tỉnh triển khai đưa vào sử dụng.
Bảo đảm an toàn, an ninh mạng, tỉ lệ máy tính được cài đặt phần mềm tại các cơ quan Nhà nước của Lai Châu là 87,4%. Tỉnh đã hoàn thành mô hình đảm bảo an toàn thông tin "4 lớp" theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Cũng trong 6 tháng đầu năm 2024, 540 học viên trên địa bàn tỉnh đã tham gia khóa bồi dưỡng được tổ chức trên nền tảng MOOCs. 70 hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo, tập huấn kỹ năng số…
Thực hiện chính quyền số, tỉ lệ hồ sơ tiếp nhận, xử lý trực tuyến một phần là 16.597/21.755 đạt 76,3%; tỉ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến toàn trình là 23.490/27.000 đạt 87%. Dịch vụ công trực tuyến được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia 857 dịch vụ, trong đó một phần là 579 dịch vụ, toàn trình là 278 dịch vụ.
Đến nay, đã có 315.015/495.000 người dân được tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử (đạt khoảng 63,6% tổng dân số toàn tỉnh); đã triển khai thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu về giáo dục và đào tạo (đã kết nối 148.287/149.499, đạt 99.19% học sinh, 10.696/11.298, đạt 94.67% giáo viên kết nối, xác thực, chia sẻ thành công)...
Sau khi nghe các báo cáo, thảo luận của các đại biểu, cũng như các đề xuất nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả chuyển đổi số trong thời tới… Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lai Châu Tống Thanh Hải, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Lai Châu yêu cầu các cơ quan đơn vị cần quyết liệt trong chỉ đạo về chuyển đổi số, đảm bảo hiệu quả thiết thực.
Song song với đó là triển khai nâng cao chất lượng dịch vụ, có lộ trình đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt; có giải pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin trên môi trường mạng.
Các nhà mạng đẩy nhanh tốc độ phủ mạng cáp quang, mạng di động băng thông rộng đến tất cả các tổ dân phố, khu vực dân sinh; tăng nhanh tỉ lệ người dùng internet, đặc biệt ở khu vực vùng sâu vùng xa; nâng cao dung lượng kết nối và chất lượng dịch vụ mạng, phủ sóng chất lượng ở các vùng trắng, vùng lõm về kết nối mạng băng thông rộng…
Chuyển đổi số: Động lực để phát triển bền vững
Huyện Than Uyên là địa phương đi đầu trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền điện tử ở Lai Châu. Nhờ được quan tâm đầu tư đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật số, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể thực hiện số hóa dữ liệu số, nền tảng số, kinh tế số.
Đặc biệt, địa phương đã đẩy mạnh công tác cải cách hành chính với hệ thống dịch vụ công trực tuyến, một cửa liên thông, góp phần nâng cao chất lượng giải quyết công việc.
Để công tác chuyển đổi số đạt kết quả cao, huyện Than Uyên đã chú trọng đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về công nghệ thông tin, an toàn thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND huyện Than Uyên cho biết, đến nay, địa phương đã chuẩn hóa được quy trình báo cáo điện tử và tích hợp chữ ký số trong các cơ quan quản lý Nhà nước. Chính quyền các địa phương trên địa bàn đã khai thác, sử dụng hiệu quả nền tảng số trong công tác quản lý xã hội và nhiều lĩnh vực khác.
Đối với công tác chuyển đổi số, thực hiện kế hoạch chỉ thị của Tỉnh uỷ và kế hoạch của UBND tỉnh, các cấp, các ngành, huyện Than Uyên tích cực phối hợp với các sở, ban ngành đoàn thể tỉnh. Trong năm qua, địa phương cũng đã xây dựng kế hoạch để tổ chức thực hiện, đảm bảo các nội dung như kế hoạch của UBND tỉnh đã đề ra. Hiện nay các nội dung như phòng họp không giấy, địa phương cũng đang tổ chức thực hiện. Hai nữa là hệ thống hoá, số hoá một số nội dung của ngành giáo dục, quản lý đất đai, bảo hiểm…
Không chỉ các ban, ngành, đoàn thể, địa phương… những năm gần đây, nhiều HTX của tỉnh Lai Châu chủ động đầu tư trang thiết bị hiện đại, tích cực ứng dụng nền tảng công nghệ số để tra cứu, trao đổi thông tin, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; xây dựng website quảng bá, giới thiệu, bán sản phẩm trên không gian mạng, sàn thương mại điện tử… từ đó, tạo đòn bẩy quan trọng, cơ hội cho HTX phát triển.
Ông Bùi Xuân Thu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Lai Châu cho biết, những năm gần đây, Liên minh HTX tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động các HTX ứng dụng các nền tảng số, công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; truy xuất nguồn gốc, thông tin sản phẩm; sử dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm.
Hằng năm, đơn vị tổ chức cho các HTX tham gia hội chợ xúc tiến thương mại trong nước; phối hợp với các đơn vị liên quan mở lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyển đổi số cho cán bộ quản lý, thành viên HTX. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các HTX tham gia Chương trình OCOP.
Từ năm 2023 đến nay, Liên minh HTX tỉnh phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ, Viện Kinh tế hợp tác tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyển đổi số cho cán bộ quản lý HTX và thành viên trong HTX; hỗ trợ cho 48 lượt HTX tham gia hội chợ trong nước. Qua đó, giúp các HTX tìm kiếm, kết nối với bạn hàng, đối tác để tiêu thụ sản phẩm.
Từ hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh, các HTX trên địa bàn chủ động hơn trong đầu tư máy móc hiện đại để giảm sức lao động, chi phí và tăng năng suất lao động, nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm. Nhiều HTX nông nghiệp áp dụng công nghệ cao làm nhà màng, nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt phát triển các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo ra sản phẩm chất lượng đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Tỉnh Lai Châu hiện có 413 HTX và 2 quỹ tín dụng nhân dân. Đa số các HTX đã trang bị máy tính để bàn, laptop, điện thoại thông minh, máy tính bảng và được kết nối mạng internet. 70% HTX sử dụng mạng xã hội, như Facebook, Zalo… tra cứu thông tin, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm. Nhờ đó, năng suất và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các HTX tăng rõ rệt. Hiện tại, doanh thu bình quân của 1 HTX đạt trên 1,2 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 39 HTX sở hữu 78/204 sản phẩm OCOP được công nhận; các HTX thu hút, tạo việc làm thường xuyên cho 3.765 lao động với mức thu nhập khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng.
HA
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/lai-chau-quyet-liet-thuc-hien-chuyen-doi-so-de-phat-trien-ben-vung-va-hoi-nhap-a176541.html