Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa

(PNTĐ) - Tại hội nghị quốc tế "Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với Công nghiệp văn hóa" diễn ra sáng ngày 5/8 tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có bài tham luận nhấn mạnh Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa.

Báo Phụ nữ Thủ đô xin trích đăng tham luận của đồng chí Nguyễn Tuấn Anh:

"Lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã cho thấy, thời kỳ nào con người và văn hóa được coi trọng thì quốc gia hưng thịnh, toàn dân trên dưới đồng lòng, sẵn sàng đối đầu với mọi “sóng gió” và vượt qua mọi thử thách; ngược lại, khi văn hóa xuống cấp, bị coi nhẹ, con người không được đặt vào vị trí trung tâm của mọi quyết sách phát triển đất nước thì đất nước suy yếu, rơi vào cảnh lầm than.

Tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Mệnh đề “Văn hóa còn thì dân tộc còn” đã khẳng định tầm quan trọng và vai trò to lớn của văn hóa có ý nghĩa “sống còn” đối với sự tồn tại và phát triển bền vững của một quốc gia, dân tộc. Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 đã nói lên bản chất quan trọng của văn hóa là “hình thành nên tinh thần cho quốc gia”– yếu tố “then chốt” để xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa - ảnh 1
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đai biểu Quốc hội khóa XV

Có thể thấy, bên cạnh chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được ghi trong Hiến pháp và cụ thể hóa trong nhiều chính sách, pháp luật, Quốc hội vẫn luôn nỗ lực bám sát, để thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về văn hóa, tháo gỡ điểm nghẽn về chính sách, pháp luật; Quốc hội cũng thông qua các quyết sách quan trọng nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thúc đẩy công nghiệp văn hóa phát triển xứng tầm với tiềm năng, lợi thế.

Từ năm 2018 đến nay, Quốc hội thông qua việc sửa đổi, bổ sung 4 luật liên quan, gồm: Luật Điện ảnh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật Kiến trúc.

Tại kỳ họp thứ 7 vừa Quốc hội cũng đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); cho ý kiến về chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035.

Công nghiệp văn hóa là một khái niệm không còn xa lạ trên thế giới, dù vậy, ở nước ta công nghiệp văn hóa vẫn đang ở giai đoạn đầu của sự phát triển. Công nghiệp văn hóa ở Việt Nam được xác định trong 12 lĩnh vực như nghệ thuật, phim ảnh, âm nhạc, xuất bản, quảng cáo, trò chơi điện tử và nhiều hình thức sáng tạo khác. Đây là những lĩnh vực không chỉ tạo ra giá trị kinh tế mà còn góp phần quan trọng trong việc xây dựng, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.

Trước hết, cần khẳng định rằng công nghiệp văn hóa có một vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế và xã hội. Theo số liệu thống kê, lĩnh vực công nghiệp văn hóa và sáng tạo đang đóng góp khoảng 3% GDP toàn cầu và tạo ra hàng triệu việc làm trên toàn thế giới. Điều này chứng tỏ, nếu được đầu tư và phát triển đúng hướng, công nghiệp văn hóa có thể trở thành một nguồn lực mạnh mẽ cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong những năm gần đây, công nghiệp văn hóa tại Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể. Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đạt hơn 1 triệu tỷ đồng (khoảng 44 tỷ USD). Trong đó, giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp vào nền kinh tế năm 2018 đạt 5,82%; năm 2019 đạt 6,02%; năm 2020 và 2021, do ảnh hưởng của Covid-19, nên có sự sụt giảm, còn khoảng 4,32% và 3,92%. Đến năm 2022, các ngành bắt đầu phục hồi, giá trị đóng góp gia tăng, đạt khoảng 4,04%.

Việt Nam có khá nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển công nghiệp văn hóa. Vì vậy, chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đưa ra chỉ tiêu phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.

Để thực hiện mục tiêu này, có rất nhiều giải pháp được đưa ra, trong đó, Hội nghị quốc tế “Vai trò và đóng góp của Phong trào UNESCO đối với công nghiệp văn hóa” có ý nghĩa rất quan trọng, qua đó, chia sẻ kinh nghiệm và thảo luận về vai trò của công nghiệp văn hóa và nền kinh tế sáng tạo trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo sinh kế và bảo tồn di sản văn hóa.

Tôi tin rằng, với sự nỗ lực và quyết tâm của tất cả các bên liên quan đang hiện diện trong khán phòng, lĩnh vực công nghiệp văn hóa tại Việt Nam sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế và xã hội của đất nước. Với nền tảng văn hóa phong phú, đa dạng, nhiều giá trị truyền thống đan xen với hiện đại, đây chính là nguồn cảm hứng vô tận cho các nghệ sĩ và nhà sáng tạo, cũng như là một lợi thế lớn để chúng ta phát triển công nghiệp văn hóa".

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viet-nam-co-nhieu-tiem-nang-loi-the-de-phat-trien-cong-nghiep-van-hoa-a176620.html