Câu chuyện thứ nhất
Sau khi làm dâu, chị sống chung trong gia đình chồng với bố mẹ chồng và gia đình anh chồng. Mẹ chồng chị hiền lành nhưng cam chịu và chỉ biết nghe theo những gì bố chồng chị chỉ đạo. Trái lại, bố chồng chị là mẫu đàn ông gia trưởng, thích điều hành và yêu ghét theo cảm tính. Trong hai cô con dâu, bố chồng chị yêu quý chị dâu ra mặt, vì cho rằng con dâu cả xuất thân trong gia đình môn đăng hộ đối, lại đang làm vị trí quản lý. Còn chị thì học không tới nơi tới chốn, rồi chỉ làm việc kinh doanh online, không ổn định. Bố chồng chị luôn áp đặt chị không đi làm Nhà nước thì nhàn nhã nên có nhiều thời gian làm việc nhà. Thế là, chị luôn ở trong tình trạng, một tay vừa trông con, vừa bán hàng, lại vừa tề gia nội trợ. Nhiều lúc, vì mải chốt đơn hàng mà chị nấu cơm muộn liền bị bố chồng nổi giận, quát tháo vì cho rằng chị không làm tròn bổn phận dâu con.
So sánh giữa hai nhà, đúng là kinh tế của vợ chồng anh chị có phần rủng rỉnh hơn. Thi thoảng, anh chị lại biếu bố mẹ món lớn, món bé, rồi đưa ông bà đi du lịch. Về phần chị, thu nhập không cao, nhưng chị nghĩ, việc chị chăm lo nhà cửa, đảm đương việc nhà cũng đáng được ghi nhận. Nhưng, thi thoảng, chị lại thấy bố chồng bóng gió, kể về con trai chị dâu cả với sự mãn nguyện, rồi như ngầm chê trách vợ chồng chị kém cỏi, chả biết bao giờ mới cho ông bà nở mày, nở mặt. Tình cảnh ấy khiến chị càng khép mình với gia đình chồng. Chị ngại trò chuyện với bố mẹ, thường lẫm lũi đi lại trong nhà khiến cho bố chồng lại càng thêm giận, đánh giá chị chẳng được nết ăn ở.
Chuyện thứ Hai
Chị Thanh, ở quận Thanh Xuân kể: Chị cũng cảm thấy khó khăn khi sống chung cùng bố mẹ chồng. Bố mẹ chồng Thanh rất khó tính, lại thích can thiệp với cuộc sống của các con. Trong nhà, mọi đồ đạc đều phải sắp xếp theo ý của bố mẹ chồng Thanh, ngay cả đồ đạc trong phòng riêng của hai vợ chồng, nếu tự tiện mua mà không hỏi ý kiến ông bà trước thì sẽ không được mang vào nhà. Thanh nhớ lần đó, cô mua về một chiếc máy lọc không khí, định để trong phòng dùng cho con. Nào ngờ, bố chồng Thanh lại cho rằng, do Thanh ăn ở không sạch sẽ mới phải dùng tới máy lọc. Nếu ngày nào Thanh cũng chăm chỉ lau dọn, vệ sinh phòng thì không việc gì phải lệ thuộc vào máy móc, vừa tốn tiền, lại vừa ỉ lại vào máy móc. Bố mẹ Thanh là vậy, bảo thủ và không chịu thích nghi với cái mới. Ông bà hoàn toàn xa lại với các máy móc hiện đại như robot lau nhà, lò vi sóng, lò nướng... Còn Thanh lại cho rằng, công nghệ giúp giải phóng sức sức lao động của con người. Tuy nhiên, bố mẹ chồng Thanh lúc nào cũng có “bài ca”: “Đây là nhà của ông bà, con cháu nào ở chung thì phải tuân thủ nội quy, nguyên tắc sống do ông bà đề ra” nên Thanh chẳng thể làm gì hơn.
Bố chồng khó tính, còn mẹ chồng Thanh luôn nghĩ các con còn nhỏ dại, chưa thể rời khỏi vòng tay của bố mẹ. Từ việc chăm sóc, dạy dỗ con, Thanh cũng hay bị mẹ chồng can thiệp, dạy Thanh phải làm thế này, thế kia mới tốt cho trẻ. Ở công ty, Thanh làm ở vị trí chăm sóc khách hàng nên phải quan tâm tới bề ngoài. Vì vậy, Thanh hay phải mua sắm quần áo mới, trước khi ra khỏi nhà thì dành nhiều thời gian để trang điểm, làm đẹp. Nhưng, mẹ chồng lại cho rằng, Thanh tiêu xài hoang phí, không biết dành dùm tiền cho con. “Trong tủ của con mẹ thấy chất đống váy áo, con mặc cả năm cũng không rách mà lại còn mua thêm đồ mới. Ngày trước, mẹ đi làm chỉ có một hai bộ mặc từ năm này qua năm khác mà có bị ai đánh giá đâu. Chủ yếu con phải chứng minh năng lực của mình chứ không phải qua mấy bộ quần áo bề ngoài”, một lần, mẹ chồng nói với Thanh như vậy. Rồi bà còn phê bình vợ chồng Thanh sinh hoạt không điều độ, không biết giữ sức khỏe, cuối tuần thì ngủ vùi mà không chịu dạy tập luyện thể thao. Nghe mẹ chồng nói vậy, Thanh giữ im lặng nhưng trong lòng cô thì cồn lên những ấm ức. Mẹ chồng cô không hiểu rằng, vợ chồng cô đi làm giờ gặp nhiều áp lực và lắm mối lo. Hai vợ chồng cũng thường rơi vào tình trạng thiếu ngủ, mệt mỏi nên cũng có lúc sinh hoạt chưa thể điều độ như bố mẹ chồng cô mong muốn. Song, điều cô cần lắm là lời động viên, hỗ trợ từ bố mẹ chồng chứ không phải lúc nào cũng chỉ là chỉ trích, phê bình...
Làm gì để hòa hợp với nhà chồng
Nghiên cứu của Công ty luật Slater and Gordon (Mỹ) đã cho thấy, mối quan hệ với nhà chồng có tác động lớn tới cuộc sống của các cặp vợ chồng trẻ. Vậy, làm gì để các cô dâu có thể hòa hợp với nhà chồng? Dưới đây là một số gợi ý của các chuyên gia:
1.Bắt đầu bằng sự thấu hiểu
Đúng là không phải bố mẹ chồng nào cũng được như các nàng dâu mong muốn, thậm chí có bố mẹ chồng hơi khó tính, gia trưởng. Tuy nhiên, thay vì cứ ôm mối giận, dằn vặt rồi chán ghét bố mẹ chồng, các cô dâu hãy nghĩ tới việc thích nghi. Bắt đầu là sự nỗ lực thấu hiểu, vị tha và đặt mình vào vị trí của bố mẹ chồng. Chẳng hạn như khi bị bố mẹ chồng chê trách tiêu sài nhiều tiền cho việc ăn mặc, các cô dâu hãy nghĩ bố mẹ chồng từng sống ở thời khó khăn, phải dè xẻn từng đồng và đã quen với việc “ăn chắc mặc bền”. Bố mẹ chồng có phàn nàn cũng là vì muốn con cái tiết kiệm tiền để lo cho cuộc sống riêng chứ không có “ác ý” gì. Nghĩ được vậy con dâu sẽ thấy nhẹ lòng hơn và dễ cảm thông cho bố mẹ chồng.
Các cô dâu cũng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào những bố mẹ chồng hoàn hảo, hiểu rằng việc bố mẹ chồng có những ứng xử không đúng với mong muốn của bạn cũng là bình thường.
Khi duy trì được suy nghĩ tích cực với gia đình chồng thì bản thân cô dâu đó cũng có được năng lực tích cực để chăm lo cho cuộc sống, làm việc...
2.Kiên trì thay đổi và sẵn sàng chia sẻ
Khi gặp khúc mắc trong mối quan hệ với gia đình chồng, các cô dâu đừng tìm cách lảng tránh. Hãy cố gắng cởi mở, bày tỏ thiện ý muốn cùng bố mẹ chồng xây dựng đại gia đình đầm ấm, hòa thuận. Không có bố mẹ chồng nào lại trách mắng con dâu muốn toàn tâm toàn ý lo cho gia đình.
Khi xảy ra xung đột, trong lúc bố mẹ chồng đang nóng giận hay hiểu lầm mình, đừng vội thanh minh mà hãy đợi tới lúc tất cả cùng bình tĩnh để thưa chuyện. Hãy kiên trì và kéo bố mẹ chồng trở thành đồng minh chứ đừng biến bố mẹ chồng trở thành người ở “bên kia giới tuyến”. Cũng có thể nhờ chồng khéo léo thay mình giải thích cho bố mẹ chồng hiểu.
3.Mạnh dạn nói ra suy nghĩ
Trong một số trường hợp, bố mẹ chồng có thói quen can thiệp vào cuộc sống của con. Trước tiên, hãy tiếp nhận góp ý đó và suy nghĩ xem chúng có hợp lý không thay vì tỏ thái độ khó chịu, khăng khăng cho rằng chúng chỉ là sự áp đặt của bố mẹ chồng. Điều gì bố mẹ nói đúng thì hãy vui vẻ tiếp thu, nếu không thì cô dâu có thể thưa lại về quan điểm của mình để bố mẹ chồng thông cảm. Ngoài ra, các cô dâu cũng có thể thẳng thắng thiết lập một ranh giới về sự can thiệp đối với bố mẹ để cả hai cùng cảm thấy được tôn trọng.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/kho-nhu-song-chung-voi-nha-chong-a176804.html