Phạt tù tối đa 15 năm với người chưa thành niên phạm tội: Bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa

Về các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, đề nghị cho giữ quy định về 4 loại hình phạt để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng

Tiếp tục chương trình Phiên họp chuyên đề pháp luật, chiều 13/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho biết, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên. 

Về phạm vi điều chỉnh của Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, xuất phát từ đặc điểm của người chưa thành niên là người chưa trưởng thành về mọi mặt, đặc biệt là khi tham gia vào các quy trình tư pháp hình sự đều dễ bị tác động tiêu cực, nhất là khi phải đối diện với các biện pháp có tính chất cưỡng chế.

Đặc điểm này đòi hỏi Nhà nước khi thiết kế chính sách xử lý cần có cách tiếp cận chuyên biệt, khác với người trưởng thành.

Với mục đích xây dựng một đạo luật chuyên biệt và toàn diện về tư pháp người chưa thành niên, 2 vấn đề cốt lõi là hình phạt và thủ tục tố tụng hình sự cần phải được điều chỉnh trong Luật này.

Đây là 2 trong số 6 nhóm chính sách đã được Quốc hội quyết định khi bổ sung dự án Luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Tiếp thu ý kiến của đa số ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ phạm vi điều chỉnh như Điều 1 của dự thảo Luật.

Phạt tù tối đa 15 năm với người chưa thành niên phạm tội: Bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa- Ảnh 1.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga.

Liên quan đến biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ quy định của dự thảo Luật về giáo dục tại Trường giáo dưỡng là biện pháp xử lý chuyển hướng, đồng thời đã phối hợp rà soát kỹ lưỡng từng trường hợp được áp dụng biện pháp này để bảo đảm chặt chẽ.

Về các trường hợp không được áp dụng xử lý chuyển hướng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu rõ, dự thảo Luật tách một số tội từ các tội phạm nêu trên để cho phép hoặc là áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng giáo dục tại trường giáo dưỡng hoặc là áp dụng hình phạt.

Như vậy, quy định của dự thảo Luật tuy có sự thay đổi chính sách theo hướng nhân văn hơn với người chưa thành niên phạm tội, nhưng không làm ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội như một số ý kiến băn khoăn vì những tội này không được phép áp dụng xử lý chuyển hướng ngoài cộng đồng, chỉ có thể chấp hành tại Trường giáo dưỡng hoặc chấp hành hình phạt (giống như quy định của Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành).

Đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia, theo quy định của Bộ Luật Hình sự, người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về các tội xâm phạm an ninh quốc gia nên không đặt ra vấn đề xử lý chuyển hướng.

Do đó, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ quy định về các tội không được áp dụng xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật.

Đề cao tính hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên

Về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, Thường trực Ủy ban Tư pháp nhận thấy, dự thảo Luật quy định cả 03 cơ quan (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) đều có thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng tại mỗi giai đoạn tố tụng nhằm giúp người chưa thành niên có đủ điều kiện luật định sẽ sớm được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng.

Riêng đối với biện pháp giáo dục tại Trường giáo dưỡng cần tiếp tục giao duy nhất cho Tòa án quyết định vì đây là biện pháp nghiêm khắc nhất. Đồng thời thống nhất đề nghị cho giữ quy định về thẩm quyền áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng như dự thảo Luật.

Phạt tù tối đa 15 năm với người chưa thành niên phạm tội: Bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa- Ảnh 2.

Quang cảnh phiên họp.

Liên quan đến các hình phạt áp dụng đối với người chưa thành niên phạm tội, tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp và các cơ quan thống nhất đề nghị cho giữ quy định về 04 loại hình phạt để vừa bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa tội phạm, vừa đề cao tính hướng thiện trong xử lý người chưa thành niên.

Về mức phạt tù có thời hạn, dự thảo Luật giảm mức phạt tù tối đa đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi còn 9 năm, đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi còn 15 năm nhằm thể chế hóa yêu cầu của Đảng về "Coi trọng việc hoàn thiện chính sách hình sự...đề cao hiệu quả phòng ngừa và tính hướng thiện trong xử lý người phạm tội" và phù hợp với xu hướng chung của các nước trên thế giới, đồng thời vẫn bảo đảm tính răn đe, phòng ngừa.

Còn băn khoăn doanh nghiệp tư nhân được hành nghề công chứngCòn băn khoăn doanh nghiệp tư nhân được hành nghề công chứngĐỌC NGAY

Về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, tiếp thu ý kiến ĐBQH, Thường trực Ủy ban Tư pháp đã phối hợp với các cơ quan rà soát kỹ lưỡng và thấy rằng quy định như Điều 103 Bộ luật Hình sự về tổng hợp hình phạt là bất hợp lý, dẫn đến thiếu công bằng. 

Thường trực Ủy ban Tư pháp và Tòa án nhân dân Tối cao thống nhất đề nghị UBTVQH cho phép chỉnh lý quy định về tổng hợp hình phạt theo hướng: không quá 12 năm tù đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi và không quá 18 năm tù đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và áp dụng thống nhất với mọi tội phạm.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/phat-tu-toi-da-15-nam-voi-nguoi-chua-thanh-nien-pham-toi-bao-dam-tinh-ran-de-phong-ngua-a177354.html