Tại Hội thảo cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí về tác hại của thuốc lá và biện pháp kiểm soát tiêu dùng do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 13/8, bà Trần Thị Nhị Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, theo các nghiên cứu, trong thuốc lá có tới 69 chất gây ung thư và các bệnh không lây nhiễm khác.
Việt Nam đang là 1 trong 15 quốc gia có tỉ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc lá nhiều nhất thế giới và đứng thứ 3 trong Asean.
TS Angela Pratt, Trưởng đại diện tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam cũng cho biết, thuốc lá rất có hại cho sức khỏe và gây hơn 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên toàn thế giới.
Tại Việt Nam, mỗi năm có trên 40.000 ca tử vong vì các bệnh do thuốc lá gây ra. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 70.000 ca/năm vào 2030, gấp gần 4 lần số ca tử vong vì tai nạn giao thông đường bộ trên toàn quốc. Điều đáng nói là những ca tử vong này đều có thể phòng ngừa được.
Số liệu gần đây của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, mức tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam đang bắt đầu tăng trở lại. Từ năm 2022 đến năm 2023, tổng sản lượng sản xuất tăng hơn 10%.
Vì vậy, chúng ta cần hành động mạnh mẽ hơn để giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở Việt Nam và bảo vệ sức khỏe, cuộc sống của người dân.
Giải pháp hiệu quả để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá
Theo ý kiến đa số của các chuyên gia tại Hội thảo, việc tăng giá và thuế đối với thuốc lá là giải pháp rất hiệu quả để ngăn chặn việc hút thuốc lá ở thanh thiếu niên Việt Nam. Hiện nay giá thuốc lá ở nước ta rất rẻ - đây là một trong những thách thức lớn nhất mà Việt Nam đang phải đối mặt để giảm tỷ lệ người hút thuốc lá.
BS Nguyễn Tuấn Lâm, Văn phòng tổ chức WHO tại Việt Nam chia sẻ, thuế thuốc lá của Việt Nam hiện nay chỉ bằng 1/6 của Thái Lan. Số thu thuế từ thuốc lá cũng rất thấp, trong khi thị trường thuốc lá quá đa dạng, nhiều loại thuốc rẻ tiền, dẫn đến thanh thiếu niên và nhiều người dân dễ dàng tiếp cận, lựa chọn.
Bà Đinh Thị Thu Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cũng chia sẻ, ở nước ta mỗi năm, chi phí y tế do các bệnh liên quan đến thuốc lá chiếm tới 108 nghìn tỷ đồng, trong khi thu thuế từ thuốc lá chỉ là 17,6 nghìn tỷ, chưa bằng 1/5 chi phí y tế.
Vì vậy, đại diện Bộ Y tế khẳng định, tăng thuế thuốc lá là phù hợp để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá, phù hợp với khuyến cáo của WHO và thực trạng của Việt Nam.
Chuyên gia kinh tế Đào Thế Sơn chỉ ra rằng, ý kiến tăng thuế thuốc lá sẽ khiến nhiều người thất nghiệp chưa thỏa đáng. Thực tế, việc làm trong ngành thuốc lá rất nhỏ, chỉ từ 0,39% đến 0,42% tổng việc làm trong nền kinh tế. Một số nghiên cứu cũng cho thấy, lợi ích kinh tế của việc trồng thuốc lá không lớn và nông dân trồng thuốc lá có rủi ro cao về sức khoẻ.
Với quan điểm của ngành thuốc lá về việc tăng thuế sẽ làm gia tăng buôn lậu, ông Sơn phân tích, việc tăng thuế đối với thuốc lá cũng không ảnh hưởng đến sự gia tăng của thuốc lá nhập lậu vì thuốc lá nhập lậu chủ yếu một số nhãn hàng cụ thể (jet, hero, 555…) và có giá cao hơn thuốc lá trong nước từ 30-60%. Vì vậy, việc tăng thuế đối với sản xuất và tiêu thụ thuốc lá của Việt Nam là rất cần thiết.
Mặt khác, nếu các cơ quan chức năng tiếp tục làm tốt, làm quyết liệt trong công tác phòng, chống buôn lậu, thì việc tăng thuế đối với thuốc lá sẽ không ảnh hưởng đến việc nhập lậu thuốc lá.
HM
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/can-hanh-dong-manh-me-hon-de-giam-ty-le-su-dung-thuoc-la-o-viet-nam-a177461.html