Sáng tạo trang phục trên phim nhưng cần tôn trọng sự thật

(PNTĐ) - Các nhà làm phim cần thận trọng nghiên cứu phong tục tập quán, lối sống của dân tộc, và đặc biệt cần có sự tư vấn từ các chuyên gia am hiểu về văn hóa dân tộc để phản ánh đúng, tránh áp đặt, làm sai lệch bản sắc văn hóa dân tộc, ảnh hưởng văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt.

Tranh cãi phim giờ vàng về đề tài dân tộc thiểu số

Bộ phim “Đi giữa trời rực rỡ” về đề tài dân tộc thiểu số đang phát sóng khung giờ vàng trên VTV đang gây ra những tranh luận dữ dội trong cộng đồng. Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ Việt Nam, Trưởng ban đại diện nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc”, là người Dao, quê ở Nguyên Bình (Cao Bằng), nơi diễn ra bối cảnh quay chính của bộ phim, đã có nhiều bài viết trên trang cá nhân chỉ ra những chi tiết về trang phục, tập quán chưa phù hợp với văn hóa và tôn giáo của người Dao.

Theo đó, nhân vật nữ chính tên Pu (Thu Hà Ceri đóng) mặc lễ phục người Dao đỏ (tương tự áo dài lễ phục của người Kinh) đi chăn trâu là chưa đúng. Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng cho hay, người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, có sự phân biệt rành mạch giữa thường phục, lễ phục… Đồng bào dân tộc tại đây không bao giờ tùy tiện sử dụng lễ phục trong lao động và thường phục trong các lễ hội. Nhân vật Chải (Long Vũ đóng) đeo yếm nữ nhảy múa cũng là hình ảnh sai lệch.

“Người Dao có thường phục và lễ phục. Thường phục sử dụng trong lao động. Lễ phục sử dụng trong lễ tết, hội hè. Việc sử dụng lễ phục Dao đỏ trong hầu hết cảnh phim làm công chúng hiểu lầm trang phục trong đời sống người Dao, gây nên sự phản cảm trong tộc người nhiều đấy” - ông nhắn gửi tới đạo diễn phim “Đi giữa trời rực rỡ”.

Sáng tạo trang phục trên phim nhưng cần tôn trọng sự thật - ảnh 1
Trang phục của nhân vật Pu trong phim “Đi giữa trời rực rỡ” nhận được ý kiến phản hồi là chưa phù hợp với văn hóa của người Dao.

Chị Ma Thị Luyến, người Dao Tuyên Quang cư trú ở Tây Nguyên, cũng cho rằng phim có những “hạt sạn” lớn, sai hoàn toàn với cách người Dao thực hành văn hóa. “Dân tộc Dao có hơn 25 loại hình trang phục khác nhau của các nhóm dân tộc. Sự đa dạng ấy của người Dao xứng đáng được tôn vinh ở góc nhìn bản sắc, góc nhìn tích hợp các sáng tạo trong lịch sử của tiền nhân. Bản thân người Dao cũng như nhiều dân tộc khác, có sự phân biệt rành mạch giữa thường phục, lễ phục, chứ không bao giờ tuỳ tiện sử dụng lễ phục trong lao động và thường phục trong các kỳ lễ hội” - chị Luyến cho biết.

Trước những tranh cãi, đạo diễn Đỗ Thanh Sơn vẫn cho rằng, trang phục của nữ, hiện tại là đúng. Việc sử dụng những bộ đó cho lao động đã xin ý kiến của Sở Văn hóa Cao Bằng và có Phòng Văn hóa huyện Nguyên Bình hỗ trợ tư vấn, có bà con địa phương, và cố vấn đoàn làm phim trong lúc ghi hình. Trang phục của nhân vật nam chính Chải được đạo diễn lý giải do tính cách nhân vật Chải trong phim là người miền núi thích hiphop, thích flexing, phá cách kiểu nghịch ngợm, trẻ trâu, thích được tỏa sáng như những cô cậu “miền núi chất”. Việc Chải mặc yếm bởi anh bị mất mẹ từ nhỏ, luôn nhớ mẹ và luôn muốn giữ những kỷ vật của mẹ mình. “Yếm đó là của nữ, và cũng chính là của mẹ Chải. Sau này có những giải thích về chuyện đó” - đạo diễn nói.

Cách lý giải của đạo diễn phim không thuyết phục được khán giả, thậm chí càng thổi bùng lên tranh cãi trong cộng đồng. Cộng đồng người Dao và giới chuyên môn hiện vẫn đang tranh luận rất nhiều về bộ phim. Nhiều khán giả cho rằng nên dừng phát sóng bộ phim để chỉnh sửa cho phù hợp.

Nhà nghiên cứu Dương Thị Thanh, cộng tác viên của Viện Nghiên cứu người Dao quốc tế, Đại học Nagakawa (Nhật Bản), cho rằng bộ phim đang có nhiều lỗi sai về mặt trang phục, lối sống, ngôn ngữ và tâm linh tín ngưỡng của người Dao.

Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho rằng: “Họ làm phim về một đề tài mà họ không hiểu gì, đây là bệnh trầm kha của những người làm phim thời nay. Thông điệp nào thì cũng phải dùng chất liệu đời sống, làm về dân tộc nào thì phải đúng dân tộc ấy”.

Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng còn đưa ra thêm nhiều tình tiết bất ổn trong phim như: Người phụ nữ đứng trước ban thờ thắp hương là điều cấm kỵ của người Dao; người Dao không có quan niệm phải có con trai để nối dõi tông đường, nếu không có con trai thì họ đổi họ cho con rể để thành con trai của mình; người Dao không đãi khách trong bếp; người Dao cũng không xưng hô "mày-tao" với cán bộ giống trên phim…

Sáng tạo trang phục trên phim nhưng cần tôn trọng sự thật - ảnh 2
Phim “Kiều” từng gây tranh cãi khi để nhân vật Thúy Kiều mặc y phục màu vàng “hoàng y”.

Cần có giới hạn của sự sáng tạo

Hiện nay, bên cạnh nội dung phim, khán giả rất quan tâm đến tạo hình, trang phục của diễn viên trên màn ảnh. Rất nhiều phim từng bị khán giả chỉ trích vì sai trang phục, “Đất rừng phương Nam” là một ví dụ. Ngay từ khi chưa ra rạp, nhiều cư dân mạng chỉ ra trang phục của một số nhân vật “Đất rừng phương Nam” không giống Việt Nam, có hơi hướng giống phim Hoa ngữ như Hoàng Phi Hồng hay Diệp Vấn. Chi tiết rõ rệt nhất trên quần áo bị khán giả chỉ ra là phần cúc áo, có thể thấy rõ sự tương đồng với trang phục các nhân vật phim Hoa ngữ.

Hay, bộ phim điện ảnh dã sử "Quỳnh hoa nhất dạ" cũng trở thành tâm điểm bàn luận khi vừa mới công bố hình ảnh thử trang phục của diễn viên người mẫu Thanh Hằng. Đảm nhiệm vai Thái hậu Dương Vân Nga - nhân vật chính của phim, bộ phụng bào mà Thanh Hằng mặc thử bị cho rằng mang hơi hướng triều Mãn Thanh, Trung Quốc. Nhiều người chỉ ra chiếc nút trên phụng bào rõ ràng "lai căng".

Phim "Kiều" của Mai Thu Huyền khi tung poster cũng bị khán giả chỉ trích rằng đoàn làm phim quá “to gan” khi để nàng Kiều mặc hoàng y - màu chỉ dành cho vua trong thời phong kiến. Phim "Tấm Cám - chuyện chưa kể" của Ngô Thanh Vân cũng bị chê trang phục của Cám và dì ghẻ quá tân thời, quá lộng lẫy, không phù hợp khi sử dụng chất liệu voan, áo yếm cách điệu và khăn vấn trang trí màu mè...

Giới làm phim thì cho rằng, phim ảnh không giống phim tài liệu, không phải là tư liệu nên không thể đưa thực tế 100% vào phim. Tất nhiên, phim ảnh cần làm mới, cần sáng tạo, nhưng cũng cần tôn trọng sự thật, phải có sự tìm hiểu kỹ, thận trọng, không thể tùy tiện làm ảnh hưởng giá trị tinh thần ban đầu của ông cha ta để lại. Trang phục cần phải chuẩn xác với thời kỳ lịch sử mà phim đề cập, đó là mong muốn chính đáng của khán giả.

Cũng như vấn đề làm phim đề tài dân tộc thiểu số đặt ra từ “Đi giữa trời rực rỡ”, các chuyên gia khẳng định văn hóa tộc người không phải là một vấn đề hời hợt, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ càng. Đừng nghĩ họ lạc hậu rồi áp đặt điểm nhìn của mình để nhìn văn hóa của họ, thiếu tôn trọng văn hóa của họ. Đoàn phim phải có sự tham vấn của các chuyên gia, nhà nghiên cứu am hiểu văn hóa của dân tộc đó, để truyền tải lên phim một cách chân thực nhất.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/sang-tao-trang-phuc-tren-phim-nhung-can-ton-trong-su-that-a178513.html