Đề xuất chính sách giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất

(PNTĐ) - Sáng 23/8, tại Hà Nội, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo đề xuất chính sách đảm bảo an toàn, nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất. Dự và chủ trì hội nghị có bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; bà Nguyễn Thị Kim Chi, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tham dự hội thảo còn có các đại biểu là đại diện lãnh đạo các bộ, ngành; đại diện Hội LHPN các tỉnh/ thành phố Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên; đại diện ban quản lý KCN, KCX Hà Nội, đại diện giáo viên mầm non, các gia đình công nhân tại các KCN ở Hà Nội. 

Đây là hoạt động trong khuôn khổ Đề án 938 của Chính phủ nhằm góp phần thực hiện thành công chỉ tiêu của Đai hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII đã đề ra (nhiệm vụ đề xuất chính sách/ đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ). Đồng thời đây cũng là một trong những hoạt động mà Hội LHPN Việt Nam tập trung thực hiện để tham góp ý kiến, cung cấp các cơ ở thực tiễn để thúc đẩy việc ban hành Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp khu chế xuất từ 2024- 2030 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Đề xuất chính sách giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất - ảnh 1
Bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành TƯ Đảng, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam phát biểu tại hội thảo sáng 23/8

Tính đến 12/2022, Việt Nam có hơn 400 khu công nghiệp, trong đó có 4 khu chế xuất. Lao động nữ chiếm tới hơn 60% tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, trong đó đa số là lao động nữ di cư, kéo theo đó là một lực lượng lớn phụ nữ lao động trẻ tuổi di cư có con nhỏ ở những khu vực này. Việc gia tăng lao động trong các khu công nghiệp dẫn đến các nhu cầu trong đời sống tăng lên như nhu cầu nhà ở, trường học và các dịch vụ khác.

Phát biểu khai mạc tại hội nghị, bà Tôn Ngọc Hạnh, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành TƯ Hội LHPN Việt Nam cho biết: Vấn đề phát triển giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất không chỉ là muc tiêu của riêng ngành Giáo dục mà còn là mối quan tâm hàng đầu của Hội LHPN Việt Nam trong nhiều nhiệm kỳ qua. Đặc biệt, tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, TƯ Hội đã đề ra nhiệm vụ đề xuất chính sách/đề án hỗ trợ phụ nữ là lao động di cư có con dưới 36 tháng tuổi gửi trẻ, nội dung này đồng thời cũng là một trong những yêu cầu đầu ra Đề án 938 của Chính phủ.

Trước đó, trong các nhiệm kỳ 2012-2017, 2017-2022, Hội LHPN Việt Nam đã đề xuất và triển khai thực hiện Đề án 404 Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực khu CN, khu chế xuất đến năm 2020 với mục tiêu hỗ trợ kiện toàn, xây dựng và phát triển 500 nhóm trẻ độc lập, tư thục tại các địa bàn khu công nghiệp, khu chế xuất có đông lao động nữ. Qua 7 năm triển khai, các cấp Hội đã thành lập và duy trình hoạt động của 951 nhóm trẻ được hỗ trợ và phát triển.

Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh: Sau khi đề án kết thúc, hầu hết mô hình nhóm trẻ độc lập, tư thục chưa có tính bền vững vì thiếu chính sách hỗ trợ thực hiện lâu dài (chỉ riêng Hải Phòng đang tiếp tục duy trì). Từ thực tế đó, rất cần có giải pháp để tiếp tục hỗ trợ phát triển các nhóm trẻ độc lập tư thục tại khu vực khu công nghiệp, khu chế xuất như cách thức hỗ trợ của Đề án 404, trong đó tập trung vào đối tượng trẻ từ 6 tháng đến dưới 36 tháng tuổi. Việc Thủ tướng Chính phủ phân công cho Bộ GD ĐT chủ trì xây dựng Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 06 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất từ 2024 – 2030 là một thuận lợi lớn và là cơ hội để Hội LHPN Việt Nam tham gia ý kiến xây dựng, thúc đẩy ban hành Đề án phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ từ 06 đến 36 tháng tuổi là con công nhân tại địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất từ 2024 – 2030.

Trên cơ sở đó, TƯ Hội LHPN Việt Nam đã ban hành kế hoạch 538/KHĐCT ngày 14 tháng 6 năm 2024 về việc Tổ chức các hoạt động đề xuất chính sách giáo dục và đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non từ 6 – 36 tháng tuổi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có nhiều phụ nữ lao động di cư. 

Đề xuất chính sách giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất - ảnh 2
Các đại biểu tham dự hội thảo sáng 23/8. Trước đó, vào ngày 5/7/2024, tại Hải Phòng, TƯ Hội đã phối hợp với Hội LHPN TP Hải Phòng tổ chức Hội thảo lấy ý kiến đóng góp về việc bảo đảm an toàn nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi
Hải Phòng là địa phương duy nhất của cả nước tiếp tục triển khai đề án 404 gắn với Đề án 1677 “Phát triển giáo dục mầm non giai đoạn 2021-2025” góp phần giảm sự quá tải cho một số trường mầm non công lập tại các quận, huyện có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất; tạo việc làm cho một số giáo viên mầm non được đào tạo nhưng chưa có việc làm; dần khép lại khoảng cách giữa các trường mầm non tư thục, các nhóm trẻ độc lập tư thục với mầm non công lập. Từ hội thảo tại Hải phòng, Hội LHPN Việt Nam đã nhận diện được 1 số khuyến nghị chính sách liên quan đến hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non dưới 36 tháng tuổi ở địa phương.

Bà Tôn Ngọc Hạnh, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam cho biết: Trên cơ sở các kết quả báo cáo rà soát, đánh giá thực trạng chính sách giáo dục mầm non và Hội thảo lấy ý kiến tại Hải Phòng  do TƯ Hội tổ chức vào tháng 7 vừa qua,  hy vọng rằng, tại hội thảo này,  sẽ có thêm nhiều căn cứ khoa học, thực tiễn để Bộ Giáo dục - Đào tạo tham mưu đề xuất thành công Đề án Phát triển cơ sở giáo dục mầm non và nâng cao chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ dưới 36 tháng tuổi tại địa bàn khu công nghiệp và nơi có nhiều lao động giai đoạn 2024-2030 mà TTg CP đang giao cho Bộ GD&ĐT chủ trì soạn thảo.

Tại hội nghị, các đại biểu đại diện các bộ, ngành, ban quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, giáo viên mầm non, gia đình công nhân người lao động..  đã chia sẻ kết quả nghiên cứu, đánh giá và những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm trong việc đảm bảo an toàn, chăm sóc giáo dục cho trẻ dưới 36 tháng tuổi tại các khu công nghiệp, khu chế xuất có đông phụ nữ lao động di cư; thực trạng, nhu cầu và khả năng đáp ứng của các cơ sở giáo dục mầm non, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non đang nhận nuôi dưỡng trẻ dưới 36 tháng tuổi ở trên địa bàn; các chính sách hỗ trợ, phát triển giáo dục mầm non đối với trẻ dưới 36 tháng tuổi và việc thực thi những chính sách này tại các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất...

Đề xuất chính sách giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất - ảnh 3
Đề xuất chính sách giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất - ảnh 4
Đại diện các bộ, ngành tham gia phát biểu tại hội thảo
Đề xuất chính sách giáo dục mầm non tại các khu công nghiệp, khu chế xuất - ảnh 5
Đại diện phụ huynh có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi đề nghị các cấp quan tâm đầu tư thêm về cơ sở vật chất, sân chơi cho trẻ em.

Bên cạnh đó, các đại biểu đã đề xuất các giải pháp, kiến nghị  góp phần xây dựng chính sách nâng cao chất lượng, đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non dưới  36 tháng tuổi tại khu công nghiệp, khu chế xuất. 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/de-xuat-chinh-sach-giao-duc-mam-non-tai-cac-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-a179039.html