Nếu những giai đoạn trước, số trí thức nữ có trình độ cao rất ít, thì hiện nay, đội ngũ này đã hình thành và chiếm khoảng trên 16% tổng số cán bộ có học vị sau đại học, học hàm của cả nước. Tại một số cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, số cán bộ nữ chiếm từ trên 40%. Việt Nam là một trong những nước dẫn đầu thế giới về tỷ lệ nữ tham gia các hoạt động kinh tế và dẫn đầu khu vực châu Á về tỷ lệ nữ trong Quốc hội. Trong công tác lãnh đạo, quản lý, không ít nữ trí thức đã tham gia và giữ những cương vị quan trọng trong các cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng, Quốc hội và Nhà nước cũng như các tổ chức khác của hệ thống chính trị. Nhiều chị đã và đang nắm giữ những vị trí lãnh đạo, quản lý quan trọng tại các cơ sở giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ, trong các doanh nghiệp và các hiệp hội. Ở trên bất kỳ cương vị lãnh đạo, quản lý nào, đại đa số nữ trí thức đều phát huy tốt năng lực của mình và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Một bộ phận nữ trí thức có năng lực, trình độ tiệm cận với các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. Họ không chỉ có những cống hiến nổi bật ngoài xã hội mà còn hoàn thành tốt thiên chức của người mẹ, người vợ, nuôi dạy con cái, duy trì hạnh phúc gia đình. Hà Nội là trung tâm văn hóa, chính trị, khoa học của cả nước nên số lượng, chất lượng và sự đóng góp của đội ngũ nữ trí thức có những nét đặc biệt hơn.
Như một trong hai người kéo lá cờ đỏ sao vàng 5 cánh trong cuộc mít tinh ngày 2/9 năm 1945 tại Quảng trường Ba Đình là một nữ trí thức rất nổi tiếng sau này (GS.TS Lê Thi) và trong suốt 9 năm kháng chiến, nhiều nữ trí thức Hà Nội đã trực tiếp tham gia chiến đấu cùng các đồng đội nam “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đó là chưa kể đến các chị cống hiến thầm lặng, làm hậu phương vững chắc cho các đấng phu quân (phu nhân của Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên, phu nhân của GS Hồ Đắc Di, GS Tôn Thất Tùng, GS Đặng Văn Ngữ, GS Trần Đại Nghĩa...) đã rời bỏ cuộc sống nhung lụa, khăn gói cùng gia đình lên chiến khu Việt Bắc dãi nắng, dầm mưa, ngủ rừng, ngủ lán, ăn sắn, ăn khoai để vừa đảm bảo cho cuộc sống gia đình, lại vừa tham gia công tác mà cách mạng cần: Dạy học, cứu thương, giao liên, phụ mổ...
Số lượng nữ trí thức Hà Nội sau ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954) đã được bổ sung thêm từ nguồn đào tạo tại nước ngoài. Tại các trường đại học trong nước, số nữ trí thức này đã tham gia vào công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, làm hậu phương vững chắc cho tiền tuyến lớn miền Nam).
Khi cuộc chiến đấu ở miền Nam vào giai đoạn khốc liệt, nhiều chị đã xếp bút nghiên tạm biệt phòng thí nghiệm, giảng đường, viện nghiên cứu, bệnh viện, cơ quan... thậm chí từ chối những chuyến đi học tập, nghiên cứu ở nước ngoài để vào Nam chiến đấu. Nhiều nữ trí thức Hà Nội đã hy sinh trên chiến trường như nhà báo Dương Thị Xuân Quý, bác sĩ Đặng Thùy Trâm...
Phải khẳng định rằng, trong suốt 70 năm qua, từ ngày giải phóng Thủ đô, nữ trí thức Hà Nội luôn sánh vai cùng các “đấng nam nhi” trên mọi mặt trận để cống hiến và đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội.
Để góp phần cho đội ngũ nữ trí thức Hà Nội phát triển tương xứng với tiềm năng, cũng như yêu cầu khách quan của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Hội Nữ trí thức Thủ đô đã được thành lập vào năm 2012, sau hơn 12 năm hoạt động. Hội đã là mái nhà chung của hơn 300 nữ trí thức ở mọi lứa tuổi, với chuyên môn, ngành nghề khác nhau, từ nhiều cơ quan đóng trên địa bàn Hà Nội trong đó có các chị là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân... tham gia ở tất cả các vị trí khác nhau như lãnh đạo, quản lý, giảng dạy, nghiên cứu, đạo diễn, kiến trúc sư, nhà báo, CEO... Hội đã thực hiện nhiều đề tài (từ nhu cầu của thực tiễn Hà Nội) trên nhiều lĩnh vực như: Bình đẳng giới, an toàn thực phẩm, môi trường, nông thôn, y học, du lịch, nông nghiệp... phục vụ thiết thực cho sự phát triển của Thủ đô.
Đặc biệt, Hội đã tham gia tư vấn phản biện nhiều nội dung liên quan đến luật, cơ chế chính sách (nhất là các chính sách liên quan đến an sinh xã hội, đến phụ nữ, trẻ em, đến môi trường trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0).
Tuy vậy, sự đóng góp này vẫn còn rất khiêm tốn. Vì vậy, tôi mong muốn sẽ xây dựng được một hệ thống chính sách đối với nữ trí thức mang tính chiến lược đồng bộ. Cần mạnh dạn phát hiện để giới thiệu những nữ trí thức tiêu biểu có năng lực đảm nhiệm những vị trí lãnh đạo quản lý (thậm chí vượt cấp). Cần sớm thể chế Nghị quyết số 45-NQ/TƯ và thực hiện Luật Thủ đô, trong đó cần có chính sách xây dựng và phát triển đội ngũ nữ trí thức Thủ đô, đặc biệt quan tâm đến đội ngũ nữ trí thức là dân tộc thiểu số. Như vậy, chúng ta sẽ tiếp tục huy động sự đóng góp, phát huy tài năng, trí tuệ của các nữ trí thức trong công cuộc xây dựng và phát triển Thủ đô, thành phố hòa bình, sáng tạo.
GS.TS Bùi Thị An
Phó Chủ tịch Hội Nữ trí thức Việt Nam Chủ tịch Hội Nữ trí thức Hà Nội
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nu-tri-thuc-ha-noi-trong-xay-dung-va-phat-trien-thu-do-a179479.html