Mô hình nào cho Văn phòng công chứng hoạt động hiệu quả?

(Chinhphu.vn) - Chiều 28/8, tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu thảo luận về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Các vấn đề lớn được thảo luận như mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, các loại giao dịch phải công chứng, các quy định nhằm khắc phục hạn chế, bất cập hiện hành...

Mô hình nào cho Văn phòng công chứng hoạt động hiệu quả?- Ảnh 1.

Mô hình hoạt động của Văn phòng công chứng được nhiều đại biểu tập trung thảo luận - Ảnh: VGP/LS

Mô hình nào cho Văn phòng công chứng hoạt động hiệu quả?

Trước đó, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024), Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Công chứng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tổng hợp, nghiên cứu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã được UBTVQH xem xét, cho ý kiến tại Phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 và được tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến chỉ đạo của UBTVQH để trình Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận, cho ý kiến.

Sau khi tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật có 79 điều (sửa đổi, bổ sung 70 điều; giữ nguyên 08 điều; bổ sung 01 điều 36a; do đó, số lượng điều tăng lên 01 điều so với dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội).

Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các đại biểu tập trung cho ý kiến vào 05 nhóm vấn đề lớn đã được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý, bao gồm: Công chứng bản dịch (sửa đổi khoản 1 Điều 2 của Luật Công chứng hiện hành); nghĩa vụ của công chứng viên gia nhập Hội công chứng viên; công chứng điện tử; cơ sở dữ liệu công chứng; trách nhiệm quản lý nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng.

Bên cạnh đó, cho ý kiến đối với 02 nhóm vấn đề lớn các cơ quan còn có ý kiến khác nhau, gồm: Quy định hay không quy định trong Luật Công chứng các loại giao dịch phải công chứng; về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 20).

Thảo luận tại Hội nghị, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật; đồng thời, góp ý vào một số vấn đề cụ thể khác trong dự thảo Luật. Theo đó, các đại biểu đánh giá cao tinh thần làm việc trách nhiệm, cầu thị của Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan theo chỉ đạo sâu sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, giải trình đầy đủ ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 7 để chỉnh lý dự thảo Luật.

Liên quan tới quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng, đại biểu Nguyễn Trường Giang (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là Doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh. Theo đại biểu, có thể nghiên cứu quy định theo hướng, loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện KT-XH khó khăn, đặc biệt khó khăn; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Việc bổ sung mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của Công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, việc bổ sung mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là tạo hướng mở cho việc thành lập văn phòng công chứng, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động công chứng, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn tổ chức công chứng khi thực hiện các giao dịch mà pháp luật yêu cầu phải công chứng, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.

Mặt khác, Luật hiện hành và dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng và Luật không giới hạn phạm vi, thẩm quyền công chứng của Công chứng viên theo địa hạt nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở. 

"Việc quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên như hiện nay dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, gây khó khăn trong thời gian qua, có địa phương số việc công chứng không nhiều, chỉ cần 01 công chứng viên hành nghề có thể đáp ứng được...", đại biểu nêu thực tế.

Đưa ra quan điểm về nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc (Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình) đề nghị nên sửa đổi quy định theo hướng cho phép Văn phòng công chứng được tổ chức theo 02 mô hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh.

Lý giải cho đề xuất nêu trên, đại biểu cho biết, theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cả hai loại hình doanh nghiệp là công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân tuy có sự khác nhau về số lượng thành viên làm chủ doanh nghiệp, nhưng có sự giống nhau là chủ doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Như vậy, về mặt mô hình cả 2 loại hình doanh nghiệp này đều có thể tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng bởi chế độ trách nhiệm vô hạn.

Cũng theo đại biểu tỉnh Hòa Bình, thực tiễn hiện nay, rất nhiều Phòng công chứng hoạt động chỉ có 1 công chứng viên duy nhất, vẫn đảm bảo hoạt động thường xuyên, đảm bảo nhu cầu của người dân.

Có cần thiết quy định cụ thể các loại giao dịch phải công chứng?

Đối với quy định về các loại giao dịch phải công chứng, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, Luật Công chứng là luật hình thức chỉ để tập trung quy định về trình tự, thủ tục công chứng, còn loại giao dịch nào thuộc đối tượng phải công chứng thì do luật nội dung điều chỉnh lĩnh vực đó quy định.

Đại biểu dẫn chứng, hiện nay, một số luật nội dung cũng đã thể hiện rõ nguyên tắc này như Luật Đất đai 2024 (tại khoản 3 Điều 27), Luật Nhà ở (tại Điều 164), Luật Kinh doanh bất động sản (tại khoản 4, 5, 6 Điều 44). Đồng thời, khi xây dựng các luật về nội dung mà có nội dung liên quan đến các giao dịch bắt buộc phải công chứng thì cơ quan trình có trách nhiệm rà soát xác định cụ thể các loại giao dịch nào buộc phải công chứng nhằm đảm bảo tính ổn định của Luật Công chứng và phù hợp với nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 8 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật…

Theo đại biểu, trường hợp nếu bổ sung vào dự thảo Luật này một điều quy định về các giao dịch phải công chứng trên cơ sở tổng hợp các quy định có liên quan của pháp luật hiện hành, đồng thời quy định mở về “các giao dịch khác mà pháp luật quy định phải công chứng” để dự liệu tình huống phát sinh yêu cầu mới về giao dịch bắt buộc phải công chứng vẫn chưa khắc phục được bất cập là phạm vi thực hiện công chứng vẫn đang được quy định cả trong Luật Công chứng và các văn bản khác. Do đó, việc quy định về phạm vi các giao dịch phải công chứng chỉ quy định trong các luật nội dung là phù hợp.

Cũng tại Hội nghị, các vị đại biểu Quốc hội còn góp ý vào nhiều nội dung khác của dự thảo Luật liên quan tới quy định về tạm đình chỉ hành nghề công chứng; về chuyển đổi, giải thể phòng công chứng; tuổi công chứng viên; địa điểm công chứng; công chứng điện tử;…

Về địa điểm công chứng, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh) cho rằng, việc quy định trường hợp về công chứng ngoài trụ sở khi có yêu cầu công chứng từ người già yếu, không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù là cần thiết và phù hợp. Tuy nhiên, đối với trường hợp “hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở” lại thiếu chặt chẽ và có thể dẫn đến việc chính sách pháp luật bị lợi dụng, tùy nghi áp dụng hoặc áp dụng thiếu thống nhất ở mỗi địa phương, đơn vị.

Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu để quy định rõ việc công chứng ngoài trụ sở khác với việc lấy chữ ký ngoài trụ sở do công chứng là cả một quy trình bao gồm: (tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, soạn thảo văn bản công chứng, lấy chữ ký của người yêu cầu công chứng, công chứng viên soạn thảo lời chứng, ký văn bản công chứng, đóng dấu, nộp tiền, xuất hóa đơn). 

Mô hình nào cho Văn phòng công chứng hoạt động hiệu quả?- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận - Ảnh: VGP/LS

Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, các ý kiến cơ bản nhất trí với các nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý của dự thảo Luật; đồng thời, các vị đại biểu cũng góp ý vào một số vấn đề cụ thể khác trong dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Ủy ban Pháp luật chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo và các cơ quan có liên quan tiếp thu đầy đủ, giải trình chi tiết ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội theo hướng tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật tạo thuận lợi nhất cho nhân dân, cơ quan tổ chức trong cả nước trong việc tiếp cận dịch vụ công chứng và dịch vụ chứng thực có liên quan trên khắp mọi miền phù hợp với điều kiện KT-XH từng vùng, miền; điều kiện phát triển. 

Đồng thời, khắc phục được hạn chế, tiêu cực, bất cập của luật hiện hành; chấn chỉnh những sơ hở vi phạm,.. thời gian vừa qua; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu, thực hiện số hóa nâng cao năng lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ; phát huy đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề công chứng;…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng lưu ý, đối với những vấn đề còn ý kiến khác nhau tiếp tục thiết kế 02 phương án. Trong đó, cần trình bày rõ ưu điểm, nhược điểm từng phương án để trình Quốc hội tiếp tục thảo luận và cần thiết tiến hành xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng văn bản trước khi biểu quyết thông qua.

Lê Sơn

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với Bộ Tư pháp về Luật Công chứng (sửa đổi)Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội làm việc với Bộ Tư pháp về Luật Công chứng (sửa đổi)
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Đề nghị xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi)Đề nghị xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/mo-hinh-nao-cho-van-phong-cong-chung-hoat-dong-hieu-qua-a179580.html