Tin liên quan
Trao giải và khai mạc triển lãm Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Hà Nội mở rộng
Việt Nam: Hành trình phát triển đáng tự hào
“Lời Người để lại” khẳng định giá trị vượt thời đại của Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh
“Trung thu Làng cổ” mang đến không gian lễ hội truyền thống xen lẫn với các yếu tố hiện đại, hứa hẹn tạo nên sức hút không chỉ đối với người dân địa phương, mà còn thu hút khách du lịch từ khắp nơi.
Điểm nhấn của sự kiện là các chương trình diễu hành đèn Trung thu, diễn ra tối ngày 31/8, tại cổng làng Mông Phụ, với sự tham gia của 9 thôn trên địa bàn xã Đường Lâm.
Để tham gia sự kiện, mỗi thôn đã tự thiết kế một mô hình đèn lồng khổng lồ của mình, không chỉ là biểu tượng của Trung thu, mà còn gắn với những nét văn hóa, lịch sử của làng. Trong đó, mô hình đèn hình con trâu lắc đầu, do nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát của làng Mông Phụ chế tác, những ngày qua đã thu hút sự chú ý của đông đảo người dân và du khách.
Với mô hình đèn này, hình ảnh con trâu kết hợp với cổng làng truyền thống, được lắp động cơ để có thể cử động, thể hiện sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại.
“Chiếc đèn Trung thu con trâu được tạo ra từ cảm hứng với hình ảnh làng quê Việt Nam xưa. Con trâu và cổng làng là những biểu tượng gắn bó với cuộc sống nông nghiệp của người dân Đường Lâm. Sau 40 ngày làm việc, tôi và các cộng sự đã hoàn thiện mô hình này để tham gia dự thi trong dịp Trung thu", Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Chiếc đèn cao 3,5m, dài 3m, làm từ khung sắt và mica, được nghệ nhân đưa vào các yếu tố hiện đại để đầu trâu có thể lắc đều theo các hướng. Với kỹ thuật phức tạp, chiếc đèn không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật, mà còn mang tính kỹ thuật cao.
“Việc đưa động cơ vào đèn lồng là một thử thách lớn, nhưng tôi tin rằng yếu tố này sẽ tạo nên sự khác biệt, thu hút trẻ em và du khách”, Nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ thêm.
Ngoài mô hình con trâu, các thôn khác cũng tham gia với những mô hình đặc sắc như: Đèn voi của thôn Phụ Khang; Đèn hổ của thôn Cam Lâm. Đèn voi được làm từ tre nứa và giấy bồi, tái hiện hình ảnh voi chiến gắn liền với truyền thuyết vua Ngô Quyền. Trong khi đó, đèn hổ là biểu tượng của sức mạnh, được chế tác để tưởng nhớ đến vua Phùng Hưng – người đã đánh bại hổ dữ bảo vệ dân làng.
Hình ảnh người dân làng Đường Lâm gấp rút hoàn thiện đèn Trung thu khổng lồ:
Theo Báo Tin Tức
https://baotintuc.vn/anh/9-den-long-trung-thu-khong-lo-se-toa-sang-toi-nay-tai-lang-co-duong-lam-20240831000751189.htm
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/9-den-long-trung-thu-khong-lo-se-toa-sang-toi-nay-tai-lang-co-duong-lam-a179972.html