Việt Nam: Hành trình phát triển đáng tự hào

(PNTĐ) - Việt Nam, một quốc gia có lịch sử và văn hóa đa dạng, đã không ngừng khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của mình trên trường quốc tế. Những thành tựu đáng tự hào và sự phấn đấu không ngừng của Việt Nam đã thu hút sự chú ý và đánh giá cao từ cộng đồng quốc tế.

Kinh tế tiếp tục "cất cánh"

Nhân kỷ niệm 79 năm Ngày Quốc khánh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nhiều tổ chức và định chế tài chính lớn trên thế giới đã đưa ra những đánh giá tích cực về sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã trở thành hình mẫu của sự vươn lên rất mạnh mẽ. Từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã "vươn mình" trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực và đạt được nhiều thành tựu nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội và ngoại giao.

WB đặc biệt đánh giá cao những thành tựu của Việt Nam trong việc giảm nghèo và cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân, đồng thời đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2024 sẽ đạt 5,5% và tiếp tục nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Đồng quan điểm, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 5,8%, và trong trung hạn, IMF kỳ vọng Việt Nam có nhiều cơ hội từ số hóa, chuyển đổi xanh và tăng trưởng kinh tế dự báo đạt 6,5%.

IMF cũng đánh giá cao các chính sách kinh tế và công tác điều hành vĩ mô của Việt Nam trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang đối mặt với nhiều thách thức.

Với góc nhìn của mình, Cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và thậm chí đạt 7,0% vào năm 2025. Fitch Ratings và nhiều ngân hàng lớn như Standard Chartered và UOB đánh giá cao sự ổn định kinh tế và chính trị của Việt Nam, coi đây là những động lực cho nền kinh tế tiếp tục "cất cánh" trong những năm tới.

Việt Nam: Hành trình phát triển đáng tự hào - ảnh 1
Việt Nam tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc từ năm 2014. Ảnh: UN.

Nhiều thành tựu về con người

Không chỉ phát triển về kinh tế, Việt Nam còn đạt được nhiều thành tựu đáng kể trong lĩnh vực xã hội. Chỉ số Phát triển Con người (HDI) của Việt Nam đã tăng gần 50% từ năm 1990 đến 2022. Việt Nam hiện nằm trong nhóm các quốc gia có mức phát triển con người cao, với tuổi thọ trung bình và tỷ lệ nhập học đều tăng lên đáng kể.

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc phát triển xã hội. ADB ghi nhận những nỗ lực của Việt Nam khi đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và y tế, cũng như trong việc xoá đói, giảm nghèo và cải thiện điều kiện sống của người dân.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc kiểm soát dịch bệnh và nâng cao chất lượng y tế. Theo Tiến sĩ Angela Pratt-Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam: "WHO ghi nhận rằng Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em và nâng cao tuổi thọ trung bình của người dân".

Những thành tựu xã hội của Việt Nam cũng được truyền thông quốc tế ca ngợi. Tờ The Guardian (Anh) đã có nhiều bài viết ca ngợi những thành tựu xã hội của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục và y tế. Trong khi tờ Bloomberg (Mỹ) ca ngợi việc cải thiện chất lượng cuộc sống và giảm nghèo.

Theo Bloomberg, Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới áp dụng chuẩn nghèo đa chiều, bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản như việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt và vệ sinh, thông tin. Bloomberg bày tỏ ấn tượng khi tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng dân tộc thiểu số giảm từ 36,5% năm 2016 xuống còn 25,7% năm 2023 và đang tiếp tục giảm.

Ấn tượng với chính sách ngoại giao "cây tre"

Trên trường quốc tế, Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình thông qua chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa. Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 189 quốc gia và vùng lãnh thổ, xây dựng quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia lớn.

Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, khẳng định vai trò tích cực và trách nhiệm của mình trong cộng đồng quốc tế.

Bày tỏ ấn tượng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam, hãng thông tấn AP nhận định, chính sách ngoại giao "cây tre" đã giúp Việt Nam xây dựng được mối quan hệ đối tác chiến lược với nhiều quốc gia lớn, đồng thời bảo vệ vững chắc lợi ích quốc gia bên cạnh việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế và xã hội.

Reuters cũng đánh giá cao chính sách ngoại giao “cây tre” của Việt Nam, đặc biệt là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế. Reuters cho biết, chính sách ngoại giao “cây tre” của Việt Nam không chỉ là biểu tượng của sự mềm mại nhưng kiên cường, linh hoạt nhưng kiên định, mà còn là minh chứng cho sự thành công của Việt Nam trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với nhiều quốc gia và nâng cao vị thế của mình trên trường quốc tế.

Những thành tựu phát triển của Việt Nam trong những thập kỷ qua là minh chứng cho sự nỗ lực không ngừng của toàn dân tộc. Nhân dịp Quốc khánh 2/9, chúng ta càng tự hào hơn khi nhìn lại những bước tiến vượt bậc của đất nước và tin tưởng vào một tương lai tươi sáng hơn.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/viet-nam-hanh-trinh-phat-trien-dang-tu-hao-a180001.html