Một phụ nữ Huế, rất Huế, thế mà hôm qua, khi Thu mời tới xem phòng tranh chuẩn bị triển lãm thì tôi lạc vào một thế giới Tây Nguyên, hết sức Tây Nguyên, một Tây Nguyên của Thu, riêng Thu và đẫm Thu.
Trước đó tôi cũng đã nhiều lần xem tranh chị, đắm chìm vào thế giới cảm xúc hình tượng với những sắc màu và bố cục mang đậm dấu ấn Hồ Xuân Thu. Ăm ắp trong ấy là những nỗi lòng cảm thông, những cái nhìn chia sẻ của chị với những người đàn bà dân tộc nói riêng, phụ nữ nói chung.
Ở xứ Gia Lai này, đàn ông vẽ đã là cả một sự hy sinh lớn, vì vẽ xong chủ yếu là để... cất vào kho. Thế mà chị không những vẽ, mà còn xài sang, ấy là việc mấy năm nay chị chú tâm vào vẽ sơn mài. Vốn trước kia chị cũng vẽ sơn dầu, màu nước, nhưng khoảng mươi năm lại đây, chị toàn vẽ tranh sơn mài, một thể loại thuần Việt.
Có lẽ nhờ sơn mài mà chị mới thể hiện được hết mình chăng. Sơn mài là một ngành chơi tốn kém. Tốn cả thời gian và tiền bạc. Ví dụ nếu làm tranh cẩn trứng, cứ tỉ mẩn từng mẩu một cho hết bức tranh, chưa kể thời gian mài tranh là đã bao nhiêu thời gian rồi.
Rồi còn dùng vàng để hoà sắc cho tranh. Phần lớn tranh sơn mài đều dùng vàng để hòa màu. Ngay sơn ta và một số vật dụng riêng của sơn mài là phải gửi từ Hà Nội mới có... Chỉ nguyên những vật liệu ấy đã đủ "tiêu diệt" biết bao dự định tốt đẹp rồi, chưa cần tới ý tưởng với tài năng.
Tranh Hồ Xuân Thu chỉ chuyên vẽ về đàn bà. Đấy là một thế giới phụ nữ Tây Nguyên với nhiều cung bậc biểu cảm, nhiều trạng huống cảm xúc, nhiều tâm trạng, nhiều số phận. Trong đấy, những người đàn bà hiện lên đầy vị tha nhân hậu, nhưng cũng đầy chịu đựng, đầy nữ tính bên những công việc hàng ngày như lên nương, trong lễ hội, tắm, bên nhà mồ, ra suối...
Ngời ngợi trong ấy là những vẻ đẹp thuần phác, dung dị, vẻ đẹp nguyên bản hài hoà với mối quan hệ ngoại cảnh, một sự hỗ tương tuyệt vời để tôn nhau lên, để cùng bộc lộ hết mình. Vẫn những khuôn mặt ấy, lộn đi lộn lại, đặt trong các bố cục khác nhau, hoà sắc khác nhau, ta gặp một thân phận khác, một vẻ đẹp khác, lấp lánh dìu dịu mà thánh thiện và trong trẻo.
Dường như tranh của chị muốn tạc con người với tất cả những sắc thái biểu cảm vốn có của nó vào thời gian, vào cái đẹp trường tồn để lưu giữ nó, chuyển hoá nó vào thành năng lượng sống, năng lượng thẩm mỹ, mà nghệ thuật chính là cái lò sưởi để ủ nóng những ước mơ thánh thiện ấy. Chị có vẻ như đã nắm bắt được những khoảnh khắc cảm xúc của nhân vật và của chính mình.
Muốn thế, tác giả phải luôn luôn nuôi trong mình những cảm xúc thường trực trước cái đẹp của cuộc đời, biết lọc ra, chắt ra giữa cuộc đời ngổn ngang này những đốm lấp lánh của thế giới thẩm mỹ, những vẩy vàng để từ đó có những phôi vàng nghệ thuật.
Giờ, cũng vẫn những đàn bà Tây Nguyên ấy, nhưng hình như chị đã có cái nhìn khác, góc nhìn khác, hay chính xác, có những ngẫm, những nghĩ, những chiêm nghiệm khác về họ.
Chị lặn vào gam trầm, mấy chục bức tranh mới của chị đều gam trầm, nó tạo nên một sắc thái Tây Nguyên khác. Tây Nguyên như ưu tư hơn, như trầm ngâm hơn, như những câu hỏi trong chiều, như khoan vào ta những thắc thỏm.
Lâu nay ta hay thấy Tây Nguyên cả trong đời thật và tác phẩm hội họa ở các màu nguyên và đối lập, nhất là đỏ và đen. Các tác phẩm hội họa nổi tiếng lâu nay về Tây Nguyên là thế, như tranh của ông họa sĩ Xu Man người Bahnar và một số người khác.
Hồ Xuân Thu cũng từng thế, và giờ chị nhận ra Tây Nguyên còn một chiều khác, chiều của suy tư, của đời sống thường nhật, hàng ngày. Người ta hay nhắc tới Tây Nguyên lễ hội mà quên đi một Tây Nguyên đời thường. Ở đấy, những người đàn bà Tây Nguyên thỏa sức tung hoành trong cái thế giới của mình, thế giới vừa nghiêm ngặt nhưng cũng bao dung, kỹ càng nhưng khoáng hoạt, và bó gọn nhưng vẫn rộng mở.
Nó không còn là cái thấy, mà là cái lặn vào. Không còn là rờ rỡ mà là khắc khoải, là những ám ảnh. Nó không còn là cái chung, mà là sự riêng, rất riêng.
Xem tranh chị, tôi nhận ra một Tây Nguyên bình dị, Tây Nguyên đời thường, Tây Nguyên khoan dung và độ lượng, Tây Nguyên của nhân hậu mà vẫn phi thường.
Và vẫn rất đẹp.
Thì ra chị đang chuẩn bị có cuộc triển lãm tại thành phố Hồ Chí Minh, vẫn chuyên sơn mài, hình như chị là người đầu tiên triển lãm cá nhân sơn mài chuyên về Tây Nguyên, và cái tên triển lãm cũng ám ảnh: "Nghe kể chuyện làng mình". Chị coi Tây Nguyên như một cái làng, ở ngôi làng ấy, chị sống, chị chiêm ngẫm, chị thể hiện và chị tung hoành cùng các nhân vật của mình, có nhân vật trong đời thực, có nhân vật tưởng tượng, nhưng tất cả đều là Tây Nguyên, một Tây Nguyên không hề lẫn, Tây Nguyên của Thu. Một Tây Nguyên chị mới "ngộ" ra sau mấy chục năm lặn lội cùng nó.
Hình như, không chỉ Tây Nguyên, mà ở cả nước, không nhiều họa sĩ sống chết với nghề như chị.
Hỏi, tiền đâu để chơi, để vẽ rất tốn kém và còn tự tổ chức triển lãm nữa, giọng Huế rất nhẹ: Dạ, hết mình với nó thì nó sẽ... thương mình.
Cô học trò của chị, cũng là họa sĩ trẻ và có tài, tên Mai Uyên, mách với tôi giá của một số vật tư dùng để chơi sơn mài, tôi nghe và... lùng bùng lỗ tai.
Té ra, làm thơ là... rẻ nhất, nếu tính từ vật tư.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tay-nguyen-cua-thu-a180033.html