Mức tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt trên 6% là dự báo chung được đưa ra mới đây của cả Ngân hàng Thế giới (World Bank) và Ngân hàng UOB. Sự thống nhất trong cách nhìn về tiềm năng của nền kinh tế Việt Nam càng củng cố thêm niềm tin rằng nền kinh tế Việt Nam năm 2024 sẽ cán đích thành công.
Dẫu vậy, duy trì đà tăng trưởng trong những năm tiếp theo vẫn là một nhiệm vụ thách thức, đòi hòi nền kinh tế phải khai thác tốt hơn các động lực hiện hữu và tìm kiếm những động lực mới.
Tại các phiên họp Chính phủ gần đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần nhấn mạnh việc ưu tiên cho tăng trưởng càng cao càng tốt, đồng thời kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, chú trọng làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống gồm đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng và tập trung đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới.
Trong nhiều năm nay, chính sách trọng cầu vẫn được chú trọng và không thể phủ nhận, điều này đã góp phần không nhỏ tạo nên các kết quả kinh tế khả quan của Việt Nam so sánh với khu vực và thế giới.
Kích thích tổng cầu thông qua tăng đầu tư công hoàn thiện hạ tầng kinh tế xã hội cho một giai đoạn phát triển mới của nền kinh tế, ưu tiên cho khu vực xuất khẩu để tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết có thể được coi là những mũi tên nhắm trúng hai đích.
Tuy nhiên, nguồn lực công luôn có giới hạn. Tương tự, việc ưu tiên cho xuất khẩu mà hiện tại chủ yếu nằm ở khu vực đầu tư nước ngoài FDI sẽ tạo nên những khó khăn nhất định với sự phát triển của khối doanh nghiệp tư nhân trong nước. Nhiều ý kiến cho rằng đã đến lúc, nền kinh tế cần nhiều chính sách có tính chất trọng cung hơn, song song với các biện pháp kích thích cầu phù hợp.
Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước đã đưa ra lời giải cho nan đề này. Đầu tiên, khuyến khích tổng cầu luôn đi cùng với mục đích hỗ trợ nguồn cung.
Trong vấn đề đầu tư công, Chỉ thị đưa ra yêu cầu sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án đầu tư tạo năng lực sản xuất mới. Chỉ thị đặt ra vấn đề xem xét chính sách khuyến khích đối với các dự án đầu tư có sử dụng nguyên vật liệu, hàng hóa trong nước đã sản xuất được.
Để hỗ trợ cầu tiêu dùng nội địa, theo Chỉ thị số 29/CT-TTg, cần khuyến khích đầu tư vào các lĩnh vực sản xuất trong nước có thế mạnh và thị trường trong nước có nhu cầu; khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước.
Bộ Công thương được giao nhiệm vụ triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt…
Để tự chủ trong chuỗi cung ứng phục vụ sản xuất trong nước, Chỉ thị đề ra yêu cầu thúc đẩy thu hút đầu tư các dự án sản xuất hàng hóa thay thế nhập khẩu, tăng năng lực sản xuất và tạo thêm việc làm, từng bước giảm dần sự phụ thuộc vào nguyên, nhiên vật liệu cơ bản của nước ngoài.
Ngoài ra, các quan điểm thúc đẩy nguồn cung thông qua việc nâng cao năng lực, nội lực cho doanh nghiệp cũng được thể hiện trong Chỉ thị mới ban hành.
Chẳng hạn, Chỉ thị yêu cầu rà soát và có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp FDI; tổ chức kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và doanh nghiệp lớn toàn cầu; tháo gỡ khó khăn về mặt bằng phục vụ thu hút, mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp…
Bàn về vấn đề này, theo TS Bùi Trinh, Viện Quản trị và Công nghệ FSB, Đại học FPT, dù kích thích cầu cuối cùng có tác động nhất định tới tăng trưởng GDP nhưng muốn tối đa hóa điều này, phải có chính sách kích cầu đúng địa chỉ. Để hỗ trợ nguồn cung, cần hướng tới giảm chi phí thực cho doanh nghiệp và có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nội địa trong nghiên cứu phát triển.
"Các chính sách phải công khai, minh bạch, bình đẳng và bền vững. Những ngành có hệ số lan tỏa cao tới giá trị gia tăng và thu nhập cần được khuyến khích phát triển", TS Bùi Trinh lưu ý.
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) bày tỏ sự đồng tình với các quan điểm đề cập tới thương mại điện tử thể hiện trong Chỉ thị.
Theo ông Việt, để hàng hoá Việt Nam lên được sàn thương mại điện tử, cạnh tranh được với các sản phẩm ngoại nhập cùng loại và có chỗ đứng trong thương mại điện tử xuyên biên giới, thị trường sản xuất nội địa cần đi trước.
Chúng ta cần có cơ chế, chính sách bền vững, ổn định, công bằng và minh bạch để khuyến khích việc sản xuất các hàng hoá Việt Nam có thế mạnh ở quy mô công nghiệp để đạt được mức độ cạnh tranh nhất định về giá thành so với các sản phẩm ngoại nhập.
Bên cạnh đó, TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng, cần có những biện pháp giảm thiểu sự chênh lệch lớn về chi phí tuân thủ giữa hàng hóa do doanh nghiệp nội địa sản xuất với hàng hóa nhập khẩu theo con đường phi chính thức từ nước ngoài.
Một mặt, cần đưa chi phí sản xuất các mặt hàng có thế mạnh và cần ưu tiên tới mức hợp lý thông qua cắt giảm thuế, các chi phí xã hội, chi phí kiểm tra chuyên ngành, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực tín dụng, đất đai…, mặt khác, cần kiểm soát chặt chẽ hơn hàng hoá nhập khẩu, bảo đảm tuân thủ các nghĩa vụ thuế, phí… theo quy định của pháp luật.
Hoàng Hạnh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/trong-cau-hang-viet-de-thuc-day-tang-truong-a180075.html