Vùng quê Hải Phòng gọi muối là “diêm” do kỵ tên húy thành hoàng làng

Đó là làng Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng. Vị thành hoàng làng được thờ tại Di tích cấp quốc gia Đình Kim Sơn là Đông Hải Đại vương Thiên quan Vũ Muối.

Vùng quê Hải Phòng có nhiều lễ hội nổi tiếng

Trò chuyện trong ngôi đình làng được tu bổ, tôn tạo khang trang, ông Đinh Văn Khỏe - Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, kể về những nét truyền thống văn hóa quý giá của quê hương với vẻ đầy say mê.

Theo ông Khỏe, xã Tân Trào có 3 lễ hội nổi tiếng khắp trong và ngoài huyện Kiến Thụy. Đó là các lễ hội: Rước lợn Ông Bồ ở thôn Kỳ Sơn, Rước cá sủ vàng ở thôn Ngọc Tỉnh và Vật cầu ở thôn Kim Sơn. Các lễ hội này diễn ra 3 năm một lần kế tiếp nhau.

Trong đó, Lễ hội Vật cầu được tổ chức tại sân đình Kim Sơn dịp đầu Xuân. Các họ trong thôn được chia thành 3 giáp: Đượng, Nam và Bắc. Mỗi giáp gồm 5 chàng trai chưa vợ, khỏe mạnh.

Vùng quê Hải Phòng gọi muối là “diêm” do kỵ tên húy thành hoàng làng- Ảnh 1.

Di tích quốc gia Đình Kim Sơn ở thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng - cái nôi của phong trào cách mạng vùng Duyên hải Bắc Bộ (Ảnh: Thái Phan).

Sới vật cầu có hình con nhạn. Lỗ cầu cái đào ở giữa sân chính rốn con nhạn. Quả cầu được làm từ củ chuối hột, cỡ bằng cái thúng khảo (đường kính 30 - 40cm), nặng khoảng 20kg. Quả cầu được bọc bằng giấy hồng điều có gắn hình tứ linh đặt trên mâm bồng trong kiệu.

Thi vật cầu gồm 3 hiệp, mỗi hiệp 3 phút. Khi giáp nào thắng cuộc (đưa cầu nhiều lần về sân nhà nhất), tiếng hò reo lại vang dậy như sấm. Kết thúc lễ hội, quả cầu được ném xuống hồ bán nguyệt trước cửa đình.

Cùng với Lễ hội Vật cầu, người dân thôn Kim Sơn, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng rất tự hào về ngôi đình làng thuộc vào hàng to đẹp nhất vùng. Đặc biệt, ngày 12/7/1945, tại đình Kim Sơn, Ủy ban Cách mạng lâm thời - chính quyền cách mạng đầu tiên của vùng Duyên hải Bắc bộ đã chính thức ra mắt. Đó là Ủy ban Cách mạng lâm thời huyện Kiến Thụy.

Từ tiếng trống "Kim Sơn kháng Nhật", phong trào cách mạng lan rộng ra khắp vùng Duyên hải Bắc bộ. Qua đó, góp phần vào thắng lợi của cuộc Tổng khởi nghĩa của dân tộc ta trong mùa thu tháng Tám lịch sử năm 1945.

Thành hoàng làng dạy dân làm muối

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Đinh Văn Khỏe - Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, cho biết, vị thành hoàng làng được thờ phụng tại đình Kim Sơn là Đông Hải Đại vương Thiên quan Vũ Muối (trong vùng còn lưu truyền truyền thuyết tên hiệu của ngài là Đông Hải Đại vương Thiên quan Mũ Muối).

Tương truyền ngài có công giúp người dân làng Kim Sơn khai hoang lấn biển, lập làng xóm trù phú, sầm uất. Để dân làng có kế sinh nhai ngoài đi biển, làm ruộng, ngài còn dạy nghề làm muối. Vì thế, khi ngài mất, dân làng lập đình thờ và suy tôn làm thành hoàng làng cũng như ông tổ nghề làm muối.

Để tránh tên húy của vị thành hoàng làng, xưa nay người dân Kim Sơn vẫn gọi muối là "diêm". Vì thế, khách phương xa đến chơi thường "giật mình" khi nghe câu chuyện bếp núc của các bà, các cô, như: "Hôm nay kho cá lỡ cho nhiều diêm nên mặn quá"…

Vùng quê Hải Phòng gọi muối là “diêm” do kỵ tên húy thành hoàng làng- Ảnh 2.

Ông Đinh Văn Khỏe - Bí thư Chi bộ thôn Kim Sơn, xã Tân Trào, huyện Kiến Thụy, Tp.Hải Phòng, bên phần khung chiếc máy bay của giặc Mỹ bị quân và dân ta bắn rơi (Ảnh: Thái Phan).

Theo các bậc cao niên trong vùng, đình Kim Sơn được xây dựng vào cuối thời Hậu Lê. Trải qua sự tàn phá của chiến tranh và thời gian, đình Kim Sơn bề thế trước kia không còn, chỉ còn 3 gian hậu cung. Sau đó, trải qua nhiều lần tu bổ, tôn tạo, đình mới có tầm vóc như hiện nay.

Hải Phòng: Sớm trùng tu “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng

Đình Kim Sơn bố cục theo kiểu chữ "Đinh" theo lối kiến trúc kiểu chồng diêm 2 tầng mái đao cong, lợp ngói mũi, bộ khung làm bằng gỗ lim xanh. Trong đình còn lưu giữ nhiều di vật, hiện vật hàng trăm năm tuổi.

Trong khuôn viên Di tích cấp quốc gia Đình Kim Sơn hiện trưng bày hiện vật gắn liền với cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta. Đó là phần khung chiếc máy bay của giặc Mỹ bị quân và dân ta bắn trúng và rơi xuống khu vực cánh đồng thôn Kim Sơn.

Với nhiều giá trị văn hóa, lịch sử quý giá, năm 2005, đình Kim Sơn được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích cấp quốc gia.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/vung-que-hai-phong-goi-muoi-la-diem-do-ky-ten-huy-thanh-hoang-lang-a180346.html