​ Rà soát các cơ sở y học gia đình đã được cấp phép để đảm bảo sức khỏe, an toàn của nhân dân khi khám bệnh

(PNTĐ) - Sáng 4/9, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo nghị quyết của HĐND Thành phố ban hành danh mục khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trên địa bàn TP danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn TP Hà Nội. Đồng chí Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội chủ trì hội nghị.

Đại diện Sở Y tế Hà Nội cho biết, mô hình y học gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải  quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan và tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân, chi phí bảo hiểm y tế, sử dụng hiệu quả quỹ bảo hiểm y tế.

Mặc dù Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 16/2014/TT-BYT, sau đó là Thông tư 21/2019/TT- BYT để áp dụng thí điểm hoạt động y học gia đình. Tuy nhiên, hiện nay chưa có mô hình cụ thể để thực hiện, trong đó vướng mắc nhất là cơ chế xác định giá dịch vụ và thanh toán bảo hiểm y tế cho các dịch vụ bác sĩ gia đình, nguyên tắc phối hợp chuyển tuyến và trao đổi thông tin phù hợp giữa các phòng khám bác sĩ gia đình với hệ thống phòng khám, chữa bệnh trong quá trình quản lý bệnh nhân. Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2023 tại Khoản 2 Điều 81 quy định 6 nhiệm vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về y học gia đình, các nhiệm vụ là căn cứ để Bộ Y tế sẽ ban hành các danh mục kỹ thuật và giá dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay Bộ Y tế chưa có quy định giá dịch vụ dành riêng cho khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình…

​  Rà soát các cơ sở y học gia đình đã được cấp phép để đảm bảo sức khỏe, an toàn của nhân dân khi khám bệnh - ảnh 1Đồng chí Nguyễn Sỹ Trường, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội phát biểu tại hội nghị

Mục đích của việc ban hành nghị quyết nhằm góp phần quan trọng trong việc quản lý có hiệu quả, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân trên trên địa bàn Thành phố, giúp cho người bệnh phát hiện bệnh sớm, được chẩn đoán và điều trị kịp thời khi bệnh còn ở giai đoạn sớm mang lại hiệu quả điều trị cao, giảm bớt chi phí khám bệnh, chữa bệnh, giảm biến chứng cho người bệnh. Hướng tới thực hiện bao phủ chăm sóc sức khỏe, mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khỏe, được bảo đảm bình đẳng về quyền và nghĩa vụ và thụ hưởng các dịch vụ y tế. Góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong tình hình mới. Đảm bảo hoạt động cấp cứu, vận chuyển người bệnh được thực hiện với chất lượng chuyên môn tốt nhất, nhanh nhất, đáp ứng yêu cầu của người bệnh, người dân.

Tại hội nghị, nhiều ý kiến của các đại biểu, chuyên gia đóng góp cho dự thảo nghị quyết.

TS Bùi Thị An đánh giá cao ngành y tế Hà Nội đã triển khai nghị quyết ngay khi có Luật Thủ đô 2024. Đề nghị nội dung nghị quyết nên cho thêm danh mục, giá dịch vụ y tế. Việc khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế lớn là cần thiết nhưng không phải lúc nào cũng được kịp thời. Việc ban hành danh mục khám bệnh, chữa bệnh y học gia đình chưa được quỹ bảo hiểm y tế thanh toán trên địa bàn TP danh mục cấp cứu ngoại viện trên địa bàn TP Hà Nội là rất cần thiết và phù hợp với điều kiện, tạo điều kiện cho người dân được thăm khám kịp thời, giảm quá tải tại các bệnh viện. Nên có đánh giá tác động xã hội của nghị quyết này. Về xây dựng định mức thì cần sát thực tế và đề nghị xem them có nên bổ sung phần điều trị y học cổ truyền vào bảng danh mục này được  không. Nếu được thì cần những hạng mục nào.

​  Rà soát các cơ sở y học gia đình đã được cấp phép để đảm bảo sức khỏe, an toàn của nhân dân khi khám bệnh - ảnh 2
Các đại biểu đóng góp ý kiến

TS Bùi Thị An cho rằng, nhân dịp này cần rà soát lại chất lượng và việc cấp phép cho các mô hình hoạt động (đặc biệt là các bác sĩ được phép hoạt động) theo mô hình y học gia đình để đảm bảo quyền lợi cho người dân và phải tuyên truyền về mô hình y tế gia đình cho người dân hiểu thì mới đạt đượcmục tiêu của Nghị quyết: Chỉ đúng giá trị và đối tượng.

Ông Đinh Hạnh - Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn Kinh tế cho rằng, dịch vụ khám chữa bệnh gia đình chưa được quỹ bảo hiểm thanh toán, nên ảnh hưởng đến việc chăm lo sức khỏe cho nhân dân. Vì vậy, nghị quyết này ban hành là rất cần thiết. Đối tượng cần quan tâm, đối tượng được hưởng là ai, tất cả người dân hay chỉ một số đối tượng. Danh mục dịch vụ tại dự thảo là 42 danh mục đề xuất của ngành y tế. Người dân quan tâm là họ được hưởng như thế nào.

TS Nguyễn Văn Dung, Chủ tịch Hội Đông y TP Hà Nội đóng góp một số ý kiến. Ông cho rằng, bệnh nhân lên tuyến trên thường kêu quá tải. Vì vậy, nghị quyết này ban hành sẽ giảm được điều đó. Thứ nữa là đáp ứng yêu cầu của mỗi người dân, mong muốn khám chữa bệnh tại nhà, đỡ phải vào viện người nhà theo. Khuyến khích mô hình y học gia đình phát triển. Trên thế giới mô hình này phát triển rất tốt. Tuy nhiên cần đánh giá nguồn lực về y học gia đình, triển khai việc y học gia đình như thế nào cần đề cập trong tờ trình để các đại biểu thấy được mô hình, mức độ, trang thiết bị cấp cứu ngoại viên trên địa bàn hiện như thế nào thì sẽ có bản báo cáo thuyết phục hơn.

Trong tờ trình nên đề cập tới công tác truyền thông để nâng cao hiệu quả của các mô hình y tế mới, công tác truyền thông, giáo dục cần được quan tâm để người dân hiểu và tham gia. Vấn đề tiếp theo là cần có đánh giá về công tác giao thông khi thực hiện dịch vụ y tế. Đề nghị bổ sung các dịch vụ về tư vấn, tâm lý tại nhà, đặc biệt đối với người già, người mắc bệnh mạn tính…

Ông Nguyễn Thành, Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 Hà Nội cảm ơn những đóng góp của các chuyên gia vào dự thảo. Ông chia sẻ, trong cấp cứu đặc thù là phải di chuyển, đối với cấp cứu ngoại viện dù là chuyên khoa gì vẫn phải tập trung vào hô hấp, đường thở, tuần hoàn… vì vậy, phân các chuyên khoa sâu như ở bệnh viện là chưa cần thiết. Hiện nay, 115 có 15 xe cứu thương, có nơi chưa có xe, khoảng cách xa mà người dân vẫn chờ thì vẫn phải đến… Vì vậy trong dự thảo nghị quyết cần tính đến quãng đường, khoảng cách km.

Kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Sỹ Trường đề nghị bổ sung và ghi rõ “các cơ sở khám, chữa bệnh y học gia đình trên địa bàn thành phố đã được đăng ký theo đúng quy định” để đảm bảo không có tình trạng cơ sở chui, hoạt động không phép. Đồng thời, Sở Y tế phải rà soát các cơ sở y học gia đình trên địa bàn thành phố đã được cấp phép để đảm bảo sức khỏe, an toàn của nhân dân khi đi khám bệnh.

Về các danh mục dịch vụ khám, chữa bệnh được quy định trong Nghị quyết, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cũng đề nghị, Sở Y tế tiếp tục nghiên cứu lấy ý kiến các đơn vị khác như: Hội Đông y, Hội Y học cổ truyền, các bác sĩ y học gia đình… để hoàn thiện hơn.

Về các danh mục cấp cứu ngoại viện, đề nghị Sở Y tế nghiên cứu các ý kiến của các chuyên gia, đối với các quãng đường quá xa không nên đưa vào danh mục bởi cấp cứu cần nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo an toàn, tính mạng đối với người bệnh...

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ra-soat-cac-co-so-y-hoc-gia-dinh-da-duoc-cap-phep-de-dam-bao-suc-khoe-an-toan-cua-nhan-dan-khi-kham-benh-a180355.html