Tại cuộc họp, ông Hoàng Gia Long, Phó chủ tịch tỉnh Hà Giang cho biết, là tỉnh miền núi, Hà Giang ít khi chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão, tuy nhiên địa phương không vì thế mà lơ là.
"Trước mắt, Hà Giang tập trung quản lý chặt các hồ thủy lợi, chủ động giám sát để kịp thời báo cáo tình hình thực tế, nhằm tận dụng thời điểm xả đáy, kịp thời ứng phó với hoàn lưu bão số 3", ông Long nhấn mạnh.
Vừa qua, một số địa phương thuộc vùng miền núi trung du đã bị sạt lở, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Do đó, song song với kế hoạch chuẩn bị, Hà Giang sẽ tăng cường thông tin, tuyên truyền đến người dân, nhất là vùng sâu, vùng xa.
Ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết, tỉnh với đặc thù có địa hình chia cắt, nếu xảy ra mưa lũ, các vùng thấp, trũng thường bị dồn nước. Bên cạnh đó, lũ quét ảnh hưởng rất lớn tới đời sống, sản xuất của người dân, giao thông chia cắt.
Nhận thức rõ điều đó, tỉnh đã chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản với phương châm "4 tại chỗ" để ứng phó với ảnh hưởng của bão số 3.
Theo ông Thạch, Cao Bằng sắp tổ chức Hội nghị quốc tế Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, nếu bị ảnh hưởng của bão sẽ rất lo lắng.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội thông tin, các lực lượng chức năng đang tích cực cắt, tỉa cây xanh, hạn chế nguy cơ gãy, đổ trong thời gian bảo dổ bộ vào thành phố. Hệ thống kênh, mương, cũng như các sông khu vực ngoại thành được yêu cầu nạo vét, lưu thông dòng chảy, giúp tiêu úng kịp thời.
Do có nhiều sông trên địa bàn, Hà Nội đã xây dựng kế hoạch ứng trực tại các sông chính như Nhuệ, Đáy, Đuống… kịp thời báo cáo thành phố nếu có sự cố.
Theo dự báo, từ đêm 6/9, Hà Nội có thể có mưa dông, gió mạnh trên diện rộng. Nguy cơ ngập lụt, bao gồm cả nội, ngoại thành là không nhỏ.
Đại diện tỉnh Thái Bình thông tin, tính đến 10 giờ ngày 5/9 toàn tỉnh có 995 tàu, 2.950 lao động đang hoạt động trên biển. Trong đó, số lượng tàu đang hoạt động ven biển là 223 tàu, hoạt động ngoài tỉnh 19 phương tiện với 139 lao động.
Lực lượng chức năng của tỉnh đã liên lạc được với tất cả các phương tiện, hướng dẫn về nơi tránh trú an toàn. Tỉnh dự kiến sẽ cấm biển từ 5 giờ sáng 6/9.
Về các cơ sở nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển, có 1.179 chòi canh và 1.128 đồng nuôi trồng thủy hải sản. Thái Bình dự kiến sẽ di dời toàn bộ lao động tại các địa điểm có nguy cơ tới nơi an toàn trước 18 giờ ngày 6/9.
Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích lúa mùa 74. 327ha, lúa đã trỗ 26.000ha, đây là diện tích có nguy cơ cao bị thiệt hại nếu bão đổ bộ.
Từ hôm qua (4/9), Hải Phòng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra đi thị sát các điểm xung yếu có thể bị ảnh hưởng bởi bão số 3. Bộ Chỉ huy quân sự thành phố, Công an thành phố bố trí sẵn sàng ứng trực, hỗ trợ người dân.
Trong sáng 4/9, lãnh đạo UBND TP Hải Phòng đã trực tiếp đến kiểm tra 2 tuyến đê tại huyện Vĩnh Bảo. Đến chiều 5/9, Hải Phòng cam kết, hệ thống đê điều đủ sức chống chịu với bão. Thành phố đặc biệt quan tâm đến nhóm tàu thuyền ở đảo Bạch Long Vĩ, trong đó có khoảng hơn 60 phương tiện ở xa bờ và đang di chuyển nhnah nhất có thể về nơi neo đậu an toàn.
Đặc thù của Hải Phòng là có nhiều kho bãi chứa container. Do đó, thành phố đã rà soát, kiểm tra các kho bãi ở những khu cảng thuộc quận Ngô Quyền, Hải An, yêu cầu chủ hàng hạ thấp độ cao, tránh việc container bị đổ, gây mất an toàn.
Về sản xuất nông nghiệp, Hải Phòng có diện tích không lớn (khoảng hơn 20.000ha) nên việc tiêu úng sau bão không đáng ngại với thành phố. Hiện Hải Phòng tập trung vào việc bảo đảm an toàn cho các cột điện, nhất là khu vực đảo, cũng như đề nghị các xe cỡ lớn hạn chế qua cầu lớn trong thời gian 2 ngày tới.
Đại diện tỉnh Quảng Ninh thông tin, phát huy tinh thần "3 trước, 4 tại chỗ", tỉnh đã thành lập 4 đoàn công tác đi các địa phương để chỉ đạo công tác ứng phó. Tỉnh huy động 2.663 cán bộ chiến sỹ tham gia công tác ứng phó bão, toàn bộ vật tư thiết yếu đã chuẩn bị đầy đủ. Về tàu thuyền khách du lịch, đến 10h ngày 5/9, còn 154 khách trên các tuyến đảo, hiện đã nắm được thông tin về bão. Tỉnh dự kiến cấm biển vào sáng mai (6/9).
Cũng theo vị đại diện, hiện toàn tỉnh còn 16 tàu đánh cá xa bờ, hiện đã nắm được thông tin về bão và đang trên đường trở vê bờ. Dự kiến đêm nay, các tàu sẽ về tới bờ.
Về các cơ sở nuôi trồng thủy hải sản, có 2.889 cơ sở với 3.000 lao động. Hôm nay đã đưa toàn bộ người già, phụ nữ, trẻ em lên khu vực an toàn. Dự kiến hoàn thành việc đưa người còn lại lên bờ vào chiều 6/9.
Các hồ chứa nước đang tiến hành xả nước để hạ mực nước xuống 80%, đảm bảo an toàn hồ đập trong trường hợp mực nước đổ về lớn. Về sản xuất nông nghiệp, toàn bộ diện tích lúa mùa vụ về cơ bản chưa thu hoạch được, nên sẽ tập trung vào giải pháp chống ngập để giảm thiệt hại ở mức thấp nhất nếu có trường hợp xấu xảy ra.
Lắng nghe ý kiến của cơ quan thường trực, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh, các bộ, ngành địa phương chỉ còn chưa đầy 1 ngày để chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó. Do đó, ngay từ bây giờ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan kêu gọi phải ưu tiên những việc giúp ích trực tiếp cho người dân, nhất là tại vùng tâm bão đi qua tại Quảng Ninh, Hải Phòng.
Theo người đứng đầu Bộ NN&PTNT, người dân cần cập nhật định kỳ thông tin về bão số 3. Riêng trong ngày thứ Bảy (7/9) sắp tới, lãnh đạo Bộ NN&PTNT đề nghị mọi người trong vùng hoàn lưu bão ở nhà, tránh ra đường.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cac-dia-phuong-san-sang-phuong-an-ung-pho-bao-so-3-a180492.html