Vì an ninh nông nghiệp
Với quan điểm không thể đốt bỏ khí-tài nguyên quý với thiệt hại dự kiến khoảng 40-45 triệu USD/năm ở thời giá năm 1998 và quyết tâm phải tự chủ về phân bón, vào năm 2000, Tổng công ty Dầu khí Việt Nam (Nay là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam-Petrovietnam) được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư xây dựng Nhà máy đạm Phú Mỹ tại Khu công nghiệp Phú Mỹ I, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng chính là nhà máy đầu tiên ở Việt Nam thuộc khâu sau của ngành dầu khí và được thực hiện theo phương thức hợp đồng EPCC với tổng mức đầu tư 445 triệu USD, công suất 740.000 tấn ure/năm, đáp ứng tương đương khoảng 50% nhu cầu phân đạm trong nước giai đoạn đó.
Ngày 21/4/2004, Hội đồng quản trị Tổng công ty Dầu khí Việt Nam đã ban hành Quyết định số 887/QĐ-HĐQT chính thức thành lập Nhà máy đạm Phú Mỹ nhằm chuẩn bị nhân sự cho việc tiếp nhận và vận hành Nhà máy từ Liên danh Nhà thầu Technip-Samsung. Kể từ đó, với tinh thần tiên phong, sáng tạo, nỗ lực dấn thân và cầu tiến, lực lượng cán bộ kỹ sư, công nhân kỹ thuật nhà máy đã nhanh chóng nắm bắt và làm chủ công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới của Nhà máy.
Và vào ngày 21/9/2004, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) đã tiếp nhận Nhà máy từ Tổ hợp liên danh nhà thầu quốc tế, chính thức đưa sản phẩm mang thương hiệu đạm Phú Mỹ ra thị trường. Đây là cột mốc quan trọng nhất trong sự hình thành và phát triển của Nhà máy và được chọn là ngày truyền thống của PVFCCo.
Truyền thống tiên phong, sáng tạo của cán bộ kỹ sư, chuyên gia nhà máy được duy trì và phát huy mạnh mẽ trong suốt 20 năm qua, đến nay, với sự quyết tâm và nỗ lực không ngừng, tập thể cán bộ, công nhân viên, người lao động PVFCCo/Nhà máy đạm Phú Mỹ đã bắt tay vào triển khai xây dựng và đưa vào vận hành thêm nhiều công trình mới, làm gia tăng đáng kể sản lượng và chủng loại sản phẩm phân bón.
Cũng chính nhờ truyền thống quý báu đó, từ chỗ chỉ có một sản phẩm duy nhất ban đầu là ure, đội ngũ chuyên gia, kỹ sư đã tìm tòi, nghiên cứu và phát triển thành công bộ sản phẩm phân bón Phú Mỹ gồm: Ure, NPK, kali, DAP, SA...
Trong những năm gần đây, PVFCCo cũng nghiên cứu đưa ra các sản phẩm mới, tiên phong trên thị trường như Đạm Phú Mỹ+Kebo, NPK Phú Mỹ+vi sinh, bộ sản phẩm dành riêng cho nông nghiệp đô thị-Phu My Garden… Các sản phẩm của đạm Phú Mỹ đã đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp tiên tiến của nông dân trên toàn quốc, đồng thời góp phần hình thành xu hướng mới trong nông nghiệp nước nhà-nông nghiệp an toàn, công nghệ cao, hiện đại, hiệu quả kinh tế cao, góp phần đẩy lùi nạn phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường và bảo vệ môi trường.
Suốt 20 năm qua, đạm Phú Mỹ đã kiên trì thực hiện sứ mệnh của mình, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong các cường quốc về xuất khẩu nông sản. Cả trong những lúc hoạt động sản xuất kinh doanh vô cùng khó khăn như sau đại dịch COVID-19, PVFCCo/Nhà máy đạm Phú Mỹ vẫn nỗ lực bảo đảm nguồn cung phân bón đủ và kịp thời cho nông dân trên toàn quốc, giữ vững thị trường trong nước, góp phần vào thành công chung của nông nghiệp nước nhà.
Liên tục cải tiến, làm mới mình
Ttrải qua 2 thập kỷ hoạt động, gần bằng với tuổi đời của dự án, nhờ bàn tay, khối óc của đội ngũ quản lý, vận hành và bảo dưỡng sửa chữa mà nhà máy vẫn đảm bảo sản xuất an toàn, ổn định, liên tục và hiệu quả.
Theo số liệu thống kê, đến nay, nhà máy có tổng cộng gần 2.000 sáng kiến hợp lý hóa được áp dụng thành công với giá trị làm lợi tính được thành tiền là hơn 400 tỷ đồng. Nhờ những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật này mà một nhà máy "có tuổi" như Nhà máy đạm Phú Mỹ có thể vận hành vượt công suất thiết kế, hiện ở mức 115% công suất.
Theo tính toán của các chuyên gia, với phương thức vận hành và bảo dưỡng ngăn ngừa như hiện nay thì máy móc của nhà máy sẽ được duy trì luôn trong tình trạng tốt nhất và hoạt động hiệu quả nhất; từ đó giúp tiếp tục duy trì ổn định và có thể kéo dài vòng đời dự án thêm hàng chục năm nữa.
Trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng cao làm ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm thì việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất là vô cùng quan trọng nhằm đảm bảo sự phát triển ổn định của Nhà máy/PVFCCo.
Ông Nguyễn Văn Nhung, Phó Giám đốc phụ trách sản xuất của Nhà máy đạm Phú Mỹ cho biết, Nhà máy đã được thay thế một số thiết bị quan trọng nhằm giảm tiêu hao năng lượng như thiết bị xúc tác Kali fulmin sơ cấp, HTR, tháp tổng hợp mới. Đồng thời với xưởng URE, Nhà máy cũng có tháp tổng hợp và thay thế nắp đĩa thành nắp chóp, nhờ vậy đã nâng cao hiệu quả sản xuất, giảm tiêu hao năng lượng, làm tăng giá trị cạnh tranh...
Công tác chuyển đổi số tại nhà máy cũng được triển khai mạnh mẽ với mục tiêu xây dựng "Nhà máy thông minh". Trong những năm gần đây, Nhà máy đạm Phú Mỹ đã áp dụng nhiều sáng kiến số và xây dựng/nâng cấp những phần mềm như PMIS, System 1-Evo, akaBot... Và trong lộ trình tới, PVFCCo sẽ xây dựng nhiều phần mềm phù hợp với xu hướng thế giới và duy trì hoạt động ổn định, hiệu quả cho Đạm Phú Mỹ.
Có thể thấy, từ một quyết sách táo bạo, vượt qua tất cả những khó khăn và nghi ngại ban đầu về tính khả thi và hiệu quả, đến nay, Petrovietnam đã khẳng định quyết tâm xây dựng nhà máy sản xuất phân bón từ khí thiên nhiên là vô cùng đúng đắn. Nhà máy đạm Phú Mỹ xứng danh là "anh cả" của ngành hóa dầu, đóng góp quan trọng vào sự phát triển chung của Petrovietnam và là bệ phóng của nông nghiệp Việt suốt 20 năm qua.
Với nguồn lực tích lũy, cùng sự đồng lòng nhất trí và tinh thần nỗ lực hết mình của tập thể cán bộ công nhân viên, tin rằng những thành tích đã đạt được của Nhà máy đạm Phú Mỹ thời gian qua sẽ tiếp tục được phát huy cũng như luôn đồng hành, sát cánh với nông dân mang về những mùa vàng bội thu.
Linh Đan
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nha-may-dam-phu-my-20-nam-vi-nhung-vu-mua-boi-thu-a180533.html