Chứng kiến đại dịch HIV/AIDS cướp đi sự sống của hàng triệu người, bà luôn đau đáu với suy nghĩ làm thế nào để đối phó với "căn bệnh thế kỷ" này, đặc biệt là ở các bé gái tuổi teen và phụ nữ trẻ khu vực châu Phi.
Từ khát khao đó, một loại thuốc có tên "Lenacapavir" đã ra đời. Thuốc được cung cấp cho hàng ngàn phụ nữ từ 16-25 tuổi ở Nam Phi và Uganda với khả năng bảo vệ lên tới 100%.
Tại Hội nghị AIDS Quốc tế (diễn ra hồi cuối tháng 7/2024) tại Munich (Đức), Giáo sư Bekker đã trình bày kết quả từ nghiên cứu PURPOSE-1 về phòng ngừa HIV bằng cách sử dụng thuốc "Lenacapavir" tiêm hai lần mỗi năm, cho thấy việc tiêm chủng hai lần mỗi năm bảo vệ hoàn toàn phụ nữ khỏi nhiễm HIV.
Bà đã nhận được những tràng pháo tay không ngớt sau khi trình bày kết quả thử nghiệm loại thuốc mới chống lại căn bệnh thế kỷ tại Hội nghị. Sau tràng pháo tay, bà bật khóc: "Tôi có những người thân không may mắn, họ đã chết vì HIV, cũng như rất nhiều người châu Phi và người dân trên khắp thế giới. Điều này đã thôi thúc tôi phải tiếp tục".
Linda-Gail Bekker sinh ra tại Zimbabwe và đã theo học ngành y tại Đại học Cape Town. Ban đầu, bà dự định trở thành một bác sĩ chăm sóc người già, nhưng sau khi thực tập tại KwaZulu-Natal (Nam Phi), chứng kiến người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em gái ở khu vực này phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là trong tiếp cận các dịch vụ y tế và phòng chống bệnh truyền nhiễm, bà đã quyết định nghiên cứu về HIV và bệnh lao. Bà sau đó làm việc tại Đại học Rockefeller về miễn dịch, điều này đã đặt nền móng cho sự nghiên cứu và cống hiến của bà trong lĩnh vực y học. Quyết định bước ngoặt được thúc đẩy bởi sự chứng kiến những người trẻ trong khu vực đang chết dần vì HIV/AIDS và cảm thấy bất lực bởi không thể giúp đỡ họ của bà.
Bà có thành tựu đầu tiên vào năm 2009 với giải thưởng Royal Society Pfizer về nghiên cứu dịch tễ học lao. Giáo sư Linda-Gail Bekker đã trích toàn bộ kinh phí từ giải thưởng để hỗ trợ nghiên cứu của bà tại Phòng khám Nyanga ở Cape Town (Nam Phi). Bà đặc biệt quan tâm đến việc tương tác với cộng đồng và các chương trình giáo dục hướng đến loại bỏ những sự kỳ thị đối với người bệnh HIV/AIDS và lao.
Đặc biệt, để tiếp cận người dân ở vùng khó khăn, bà đã phát triển chiếc xe tải y tế di động có tên "Tutu tester", ở đây có đầy đủ các thiết bị nhằm cung cấp những dịch vụ xét nghiệm kiểm tra việc mang thai, các căn bệnh huyết áp cao, tiểu đường, HIV/AIDS, lao và béo phì. Đây là một ví dụ rõ ràng về việc áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu y tế cơ bản của cộng đồng.
Bà cũng là người sáng lập chương trình "Lựa chọn phương pháp phòng ngừa HIV cho thanh thiếu niên ở Nam Phi" (CHAMPS) nhằm thay đổi thái độ của nam thanh niên đối với việc sử dụng bao cao su cũng như khuyến khích phụ nữ trẻ sử dụng phương pháp tránh thai và nghiên cứu về pre-exposure prophylaxis (PrEP) - điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV. Ngoài ra, bà còn thành lập Quỹ HIV Desmond Tutu, hỗ trợ sự phát triển của những người dân trong cộng đồng nghèo nhất ở Nam Phi.
Giáo sư Linda-Gail Bekker hy vọng những nỗ lực của mình không chỉ bảo vệ, mà còn có thể giúp phụ nữ trẻ có quyền tự chủ hơn trong cuộc sống và đời sống tình dục của mình, đồng thời có khả năng loại bỏ khả năng lây truyền vi-rus từ mẹ sang con, tiến tới kéo giảm số ca tử vong vì "căn bệnh thế kỷ". Những sáng kiến của bà, đặc biệt là với các loại thuốc như "Lenacapavir" hay phương pháp PrEP đã được các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực phòng ngừa HIV/AIDS mô tả là một "phép màu" đối với người bệnh.
Những cống hiến của Giáo sư Linda-Gail Bekker không chỉ giúp cải thiện sức khỏe của cộng đồng mà còn góp phần quan trọng trong việc đẩy mạnh phòng ngừa và điều trị HIV/AIDS trên toàn thế giới. Bà là một ví dụ xuất sắc về sự đam mê và cam kết trong lĩnh vực y học và nghiên cứu.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hanh-trinh-giup-cong-dong-chong-lai-can-benh-the-ky-a180584.html