Sắp xếp để người dân thực hiện TTHC thuận tiện với nơi sinh sống
Tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quản lý tổ chức bộ máy, biên chế TP. Hà Nội trong tuần qua, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Hà Minh Hải đã báo cáo về đề án thí điểm thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công Hà Nội nhằm thực hiện hiệu quả mô hình trung tâm phục vụ hành chính công, cơ chế một cửa, một cửa liên thông ở các cấp.
Theo đó, việc thí điểm mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công TP. Hà Nội vừa kế thừa, phát huy những kết quả, ưu điểm của việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC thông qua tổ chức hoạt động của Bộ phận một cửa các cấp trên địa bàn Hà Nội thời gian qua.
Thành phố sẽ nghiên cứu rà soát, sắp xếp, tái cấu trúc lại 677 Bộ phận một cửa (73 bộ phận một cửa sở, ngành, 30 bộ phận một cửa cấp huyện, 574 bộ phận một cửa cấp xã) đảm bảo tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại nhằm hoạt động hiệu lực, hiệu quả,
Việc sắp xếp, tái cấu trúc theo hướng "phi tập trung ở cấp Thành phố", lấy "cấp huyện làm trung tâm", hướng về cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát huy tối đa phương án phân cấp, uỷ quyền TTHC đã và đang tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả trong thời gian qua.
Đánh giá của UBND TP. Hà Nội khi xây dựng đề án có nhận định, mô hình Trung tâm phục vụ hành chính công góp phần khắc phục những bất cập, khó khăn của mô hình bộ phận một cửa "truyền thống, tháo gỡ các điểm "nghẽn" trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến.
Để xây dựng đề án này, TP. Hà nội đã nghiên cứu, tham khảo Bộ phận Một cửa, trung tâm dịch vụ công ở một số nước phát triển, có các chỉ số cao về chất lượng cung cấp dịch vụ công dẫn đầu thế giới, khu vực (như Trung tâm dịch công của Singapore, Ngôi nhà dịch vụ công của Pháp, Sở dịch vụ khách hàng hay Trung tâm dịch vụ công của Australia…) và nhận định: Việc thiết lập các điểm bộ phận một cửa đều hướng đến sự thuận lợi của người dân trong tiếp cận, thực hiện dịch vụ, giúp đầu tư, khai thác hiệu quả hơn.
Các nước đều đẩy mạnh số hóa, tái sử dụng dữ liệu (người dân chỉ xuất trình tài liệu 01 lần), thực hiện dịch vụ công trực tuyến thông qua chuyển đổi các quy trình truyền thống sang quy trình điện tử, người dân, doanh nghiệp có thể tiếp cận dịch vụ thuận tiện, dễ dàng, không phải đến trực tiếp cơ quan nhà nước. Thông qua việc số hóa dữ liệu giúp cải thiện quản lý thông tin và truy cập thông tin từ các hệ thống khác nhau được nhanh chóng, chính xác, hiệu quả giúp tối ưu hóa quy trình làm việc, giảm thiểu sai sót, tăng cường tính minh bạch và đáng tin cậy của hệ thống dịch vụ công.
Tiếp nhận hồ sơ TTHC "phi địa giới hành chính"
Theo UBND TP. Hà Nội, Trung tâm phục vụ hành chính "không làm thay" nhiệm vụ, thẩm quyền giải quyết TTHC của các sở, ngành, UBND các cấp, cơ quan, đơn vị liên quan; tăng cường phố hợp ngang, bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền.
Việc sắp xếp này nhằm bảo đảm tiếp nhận hồ sơ TTHC "phi địa giới hành chính"; người dân và doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc vòng bán kính không quá 05 km, hỗ trợ, tiếp nhận TTHC 24/7 trên môi trường điện tử, thời gian giao dịch trực tiếp không qua 15 phút/01 hồ sơ.
Tổ chức và hoạt động thí điểm của Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố được thực hiện trên cơ sở: "Quyết tâm đổi mới - thận trọng triển khai - khả thi, hiệu quả" với mục tiêu cao nhất phục vụ người dân - doanh nghiệp
Trong giai đoạn 01 (dự kiến từ ngày 01/10/2024 đến hết ngày 31/3/2025) sẽ thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công là cơ quan chuyên trách về cung cấp dịch vụ công thuộc UBND Thành phố. Trong giai đoạn 1 xác định rõ chỉ tập trung thành lập tổ chức bộ máy, xây dựng khung quản trị nội bộ; tổ chức các hoạt động quản lý nhà nước về kiểm soát TTHC, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, cải cách TTHC; chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho triển khai giai đoạn tiếp theo.
Cũng theo UBND TP. Hà Nội, trong quá trình lập đề án đã đánh giá tác động các mặt tích cực và tiêu cực về 8 nội dung: Hoạt động quản lý nhà nước; hiệu quả phục vụ người dân và doanh nghiệp; tổ chức bộ máy và biên chế; thái độ, hành vi của cán bộ công chức; phát triển kinh tế - xã hội; công tác triển khai mô hình, nền tảng chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trên môi trường số; tác động đến Phương án ủy quyền trong giải quyết TTHC của Thành phố; tác động và mối liên hệ với Đề án "Mô hình Bộ phận Một cửa hiện đại".
Trong đó, người dân, doanh nghiệp là đối tượng được thụ hưởng trước hết những lợi ích mà mô hình mới mang lại, cụ thể: Tiết kiệm thời gian và chi phí di duyển do việc phi tập trung ở cấp Thành phố, phân tải về 30 chi nhánh và các điểm; tối đa hóa phạm vi tiếp nhận TTHC tại một địa điểm theo hướng tiếp nhận hồ sơ không phụ thuộc vào địa giới hành chính bảo đảm mỗi người dân đều có thể tiếp cận với các dịch vụ công được cung cấp trong bán kính dưới 30 phút di chuyển hoặc trong vòng bán kính không quá 5 km, phù hợp với nơi sinh sống, học tập, công tác; quy trình hướng dẫn, tiếp nhận được tối ưu hóa, giảm tải tình trạng quá tải, giảm thời gian chờ đợi của người dân và doanh nghiệp.
Tổ chức Trung tâm phục vụ hành chính công tương đối độc lập với cơ quan giải quyết TTHC, hình thành cơ chế "giảm, tiến tới phi tiếp xúc trực tiếp" giữa người dân, doanh nghiệp với công chức, cơ quan có thẩm giải quyết TTHC, góp phần từng bước làm giảm phiền hà, sách nhiêu, tiêu cực, hạn chế tham nhũng vặt; đồng thời, gia tăng tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình giữa các cơ quan do cơ chế kiểm tra, giám sát chéo được thực hiện hường xuyên
Tăng cường khả năng, điều kiện tiếp cận dịch vụ: Với việc tổ chức hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến tại tất cả các chi nhánh, các điểm tiếp nhận sẽ góp phần tăng tỷ lệ giải quyết trực tuyến, giúp người dân tiếp cận dịch vụ 24/7. Việc phân bố các Chi nhánh, Điểm tiếp nhận theo tiêu chí "phù hợp, thuận tiện, gần dân" sẽ giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận hơn với các dịch vụ công.
Nâng cao tính chuyên nghiệp, độc lập trong tiếp nhận, số hóa, trả kết quả; bảo đảm sự linh hoạt trong bố trí cán bộ một cửa phù hợp với điều kiện, tình hình tiếp nhận, giải quyết TTHC của từng khu vực, tránh việc quá tải cục bộ.
Tuyển chọn nhân lực chất lượng cao để vận hành hiệu quả
Về đề án này, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến - Trưởng ban Chỉ đạo Quản lý tổ chức bộ máy biên chế TP. Hà Nội nhấn mạnh, đề án được xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng giải quyết TTHC phục vụ người dân và doanh nghiệp. Qua đó triển khai có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương và khẳng định vai trò tiên phong của Hà Nội trong việc thực hiện chuyển đổi số.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy đề nghị, trong quá trình thực hiện, cần tập trung rà soát để khi đi vào vận hành, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm không bị trùng lặp với chức năng của các sở; tuyển chọn nhân lực chất lượng cao, am hiểu về công nghệ thông tin để làm việc hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần xây dựng phương án cụ thể để khi Trung tâm phục vụ hành chính công khi chính thức vận hành, việc giải quyết thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp trong quá trình chuyển giao vẫn hiệu quả, không bị gián đoạn; mạnh dạn đề xuất đầu tư những công nghệ hiện đại nhất để Trung tâm phục vụ hành chính công Thành phố vận hành hiệu quả khi chính thức đi vào hoạt động.
Gia Huy
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ha-noi-to-chuc-lai-bo-phan-mot-cua-huong-ve-co-so-tang-phan-cap-uy-quyen-a180828.html