Tin liên quan
Quận Tây Hồ diễn tập phương án ứng phó nguy cơ khó lường của mưa bão
Tăng cường các biện pháp đảm bảo nước sạch, an toàn vệ sinh sau bão số 3
Xuyên đêm canh đê, đội mưa giúp người dân phòng ngừa bão lũ
Sơ bộ về mức độ thiệt hại, ông Nguyễn Thanh Tịnh - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ cho biết: Khối lượng cây gãy đổ trên địa bàn quận theo phân cấp quản lý là 576 cây, trong đó 411 cây cắt tỉa và trồng lại được và 165 cây trồng mới. Chi phí dự kiến khoảng 2,7 tỷ đồng (trong đó: cắt tỉa trồng lại là 1,05 tỷ đồng; Trồng mới là 1,65 tỷ đồng).
Thiệt hại về cây trồng ước tính sơ bộ khoảng 161,1 ha, tương đương 132,18 tỷ đồng. Cụ thể: 35,5ha quất bị ngập, thiệt hại khoảng 37,05 tỷ đồng; 105ha đào bị ngập, thiệt hại khoảng 85,26 tỷ đồng; 20,6 ha hoa màu, thiệt hại khoảng 9,87 tỷ đồng.
Liên quan đến công tác di dời dân đến nơi an toàn, đến 10h00 ngày 13/9/2024, toàn quận còn 303 người đang sinh hoạt tại các điểm do quận, phường bố trí. Các phường chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, cung cấp bữa ăn; bố trí lực lượng, đảm bảo an ninh trật tự tại điểm sơ tán người dân.
Đối với các nội dung công việc khắc phục, xử lý sự cố do mưa bão, Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN quận phối hợp cùng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống thiên tai, BQLDA ĐTXD công trình giao thông Thành phố và các đơn vị có liên quan đã hoàn thành việc thực hiện lắp đặt thử cơ khí cửa phai tại 6 cửa khẩu, đảm bảo an toàn cho người và tài sản khi nước lũ dâng cao.
Công ty Điện lực Tây Hồ đã thực hiện tạm ngừng cấp điện khoảng 18.668 khách hàng (bắt đầu từ 18h00 ngày 11/9/2024) để đảm bảo an toàn trong mưa lũ. Ngay sau khi nước rút, sáng ngày 12/9/2024, Công ty tiến hành rà soát, kiểm tra hiện trường, các khu vực địa chất cao, khô ráo và đã tiến hành khôi phục điện cho 17.253 khách hàng.
Hiện vẫn còn 1.415 khách hàng tại các phường Tứ Liên, Yên Phụ, Quảng An bị mất điện do nước vẫn ngập, không đảm bảo an toàn để đóng điện. Ngày 13/9 tiếp tục cấp điện trở lại cho khoảng hơn 1.000 khách hàng tại các phường Tứ Liên, Yên Phụ, Quảng An.
Về tình hình ngập lụt tại các phường ven đê, đến 14h00 ngày 12/9, cơ bản nước đã rút khỏi các khu vực dân cư trên địa bàn quận, chỉ còn khu vực phố Tứ Liên thuộc địa bàn phường Tứ Liên vẫn còn bị ngập do mực nước tại mương thoát nước liên phường vẫn cao.
Trong chiều ngày 12/9, xí nghiệp thoát nước số 1 đã điều động xe bơm tiêu thoát nước ra sông Hồng hỗ trợ phường Tứ Liên chống úng ngập. Đến 23h45 ngày 12/9, UBND phường Tứ Liên đã mở cửa cống cuối ngõ 310 để thoát nước. 8h55 ngày 13/9, nước đã rút hết khỏi đường hạ tầng vườn quất.
Công an quận đã điều động 02 xe PCCC hỗ trợ phường Tứ Liên trong công tác vệ sinh môi trường, rửa trụ sở và rửa đường phố Tứ Liên; Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các nhà trường dọn dẹp, tổng vệ sinh môi trường, khắc phục cơ sở vật chất bị hư hỏng do mưa bão.
Đến thời điểm hiện tại có 45/50 trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn đã đón học sinh đến trường. Còn 05 trường: 03 trường mầm non, Tiểu học, THCS trên địa bàn phường Tứ Liên và 02 trường trên địa bàn phường Yên Phụ vẫn chưa đủ điều kiện cho học sinh trở lại trường.
Đặc biệt, nhân dịp Rằm Trung thu sắp đến, UBND quận Tây Hồ đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH phối hợp với các phòng, ban, UBND các phường tổ chức chương trình vui Tết Trung thu cho trẻ em đang sinh sống trong các khu tạm cư phòng chống mưa, lũ đêm 12/9 với chủ đề “Kết nối yêu thương” 2024.
"Thông qua chương trình này, chúng tôi mong muốn giúp các em nhỏ đang sinh sống tại các khu tạm cư vơi đi nỗi nhớ nhà, để các bậc phụ huynh, người nhà các em yên tâm công tác, toàn tâm toàn ý, tin tưởng và ủng hộ công tác phòng chống mưa, lũ mà tất cả lực lượng chức năng quận Tây Hồ đang thực hiện” - Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Tịnh chia sẻ.
Về một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, đồng chí Nguyễn Thanh Tịnh cho biết, BCH PCTT&TKCN quận và phường sẽ tiếp tục duy trì trực ban 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ, mực nước các sông để chủ động tham mưu triển khai các phương án ứng phó; tổ chức lực lượng tuần tra, canh gác bảo vệ đê điều theo quy định; triển khai phương án bảo vệ các khu vực trọng điểm đê điều xung yếu theo phương châm “4 tại chỗ".
UBND các phường chủ động thực hiện việc thu dọn cây gãy đổ trên địa bàn, tổng vệ sinh môi trường và tiến hành phun khử khuẩn tại các khu vực bị ngập sau khi nước đã rút. Phối hợp với Phòng Y tế, Trung tâm Y tế thực hiện công tác tổng vệ sinh môi trường trên địa bàn và phòng chống dịch bệnh sau bão, lưu ý các khu vực như các nguồn nước, các điểm tồn đọng rác… Tổ chức rà soát và có kế hoạch đưa người dân trở lại nhà.
UBND quận đã giao Phòng GD&ĐT tổ chức học bù cho các học sinh tại các trường phải nghỉ học do bị ngập lụt, đảm bảo đúng chương trình quy định; Phòng VHTT triển khai thực hiện công tác tuyên truyền tới nhân dân những việc cần làm sau bão lũ, đảm bảo ngắn gọn, hiệu quả; Ban QLHT khẩn trương cắt bỏ, thu dọn các cây xanh bị gãy đổ; trồng lại các cây bị nghiêng; tổ chức trồng mới cây xanh tại các vị trí không thể khắc phục.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/quan-tay-ho-don-luc-khac-phuc-hau-qua-sau-mua-lu-a182043.html