Họa sĩ 9X Chu Nhật Quang: Chàng trai đam mê sáng tác tranh sơn mài từ chất liệu “truyền thống”

(PNTĐ) - So với nhiều họa sĩ gạo cội, cái tên Chu Nhật Quang có lẽ vẫn còn khá mới mẻ. Nhưng nếu nhìn vào khối "tài sản" tranh sơn mài mà chàng họa sĩ 9X sáng tác được trong 3 năm qua, kể cả về số lượng hay chất lượng, hẳn sẽ khiến nhiều người trong nghề không khỏi ngỡ ngàng, gật gù tán dương.

Tin liên quan

“Không gian Tết Trung thu xưa” sắp được tái hiện tại quận Tây Hồ

Phụ nữ Thủ đô đạp xe hưởng ứng hành trình áo dài kết nối du lịch, di sản Hà Nội

9 đèn lồng Trung thu khổng lồ sẽ toả sáng tối nay tại Làng cổ Đường Lâm

Sáng tác tranh sơn mài là sáng tác “trong gian khổ”

Chu Nhật Quang sinh năm 1995, từng tốt nghiệp đại học chuyên ngành Thiết kế ứng dụng tại Mỹ. Sau khi trở về Việt Nam, anh quyết định theo đuổi đam mê vẽ tranh sơn mài.

Tôi có dịp may mắn được ngắm tranh do họa sĩ Chu Nhật Quang sáng tác tại xưởng sản xuất của anh, vào một buổi Hà Nội chớm thu, khi những ánh nắng tinh khiết đầu ngày xiên ngang kẽ lá, đua nhau rọi vào tận thềm nhà. Ngắm nắng, rồi ngắm tranh khiến tôi không khỏi suy tư, liệu có phải ánh nắng bên thềm ấy muốn “so” cùng thứ ánh nắng đang tỏa sắc giữa nền trời, trong một bức tranh mang tên “Đồng áng ở vùng cao” mà Quang đang hoàn thiện.

Họa sĩ 9X Chu Nhật Quang: Chàng trai đam mê sáng tác tranh sơn mài từ chất liệu “truyền thống” - ảnh 1
Họa sĩ Chu Nhật Quang say sưa hoàn thiện tác phẩm tranh sơn mài “Đồng áng ở vùng cao”.

Hẳn là rất khó để so sánh. Bởi ánh nắng trong tranh của Chu Nhật Quang không chỉ trong trẻo, mà còn mang một màu sắc mạnh mẽ. Nó được vẽ nên từ ký ức, và được chàng trai 9X lãng mạn hóa, thể hiện trong bối cảnh không gian hùng vĩ ở một góc ruộng bậc thang của Hà Giang.

Không chỉ nắng ấm, mà mỗi chi tiết trong bức tranh “Đồng áng ở vùng cao” đều rất có hồn, khiến người xem dường như cứ muốn đắm mình mãi vào cảnh vật, quyến luyến chẳng muốn rời. Bức tranh vẫn trong quá trình hoàn thiện, mà sức cuốn hút đã lớn như vậy; thì thật khó hình dung nếu được ngắm trọn vẹn 50 tác phẩm sơn mài do Chu Nhật Quang sáng tác, sự mê hoặc sẽ nhiều tới mức nào?

Sở dĩ con số được nhắc tới ở đây là 50, bởi theo “bật mí” của Quang, đó là số lượng tranh sơn mài anh dự kiến sẽ trưng bày vào tháng 10/2024, trong buổi triển lãm đầu tay của mình tại khuôn viên di tích Hoàng thành Thăng Long. Đến thời điểm này, Chu Nhật Quang đang gấp rút hoàn thiện những tác phẩm cuối cùng của mình.

50 bức tranh – nếu vẽ bằng bột màu, sơn dầu trên vải chắc chắn không quá khó khăn. Họa sĩ có thể mua khung toan, mua sơn màu pha sẵn… Trong quá trình sáng tác, tùy theo độ lớn bức tranh mà tiêu tốn khoảng thời gian nhanh hay chậm. Nếu ít chi tiết thì khoảng 1 ngày, nhiều chi tiết thì 1 tháng là hoàn thiện.

Nhưng tranh sơn mài không thế, để 1 bức tranh được hoàn thiện, riêng quy trình làm vóc sơn mài trên (gỗ), phải trải qua 10-11 công đoạn. Đầu tiên là “bồi vóc”, tức là bọc vải kín trên bề mặt, sau đó phủ sơn, rồi tiếp tục bọc vải, lại tiếp tục phủ sơn. Quá trình này diễn ra rất nhiều lần đảm bảo cho trong quá trình sử dụng vóc không bị nứt vỡ. 

Sau đó,  người thợ lại tiếp tục trải sơn đều trên mặt vóc, chờ sơn khô (1 ngày), dùng giấy giáp hoặc đá mài nhẵn bề mặt trước khi tiếp tục các công đoạn sau như: Sơn lót để tạo nền; sơn màu và sáng tác (vẽ hoặc chạm trổ các họa tiết trang trí trên bề mặt vóc, bằng các kỹ thuật như cẩn trứng, cẩn vỏ trai, hoặc khảm bạc, vàng); sơn phủ hoàn thiện. 

Họa sĩ 9X Chu Nhật Quang: Chàng trai đam mê sáng tác tranh sơn mài từ chất liệu “truyền thống” - ảnh 2
Mỗi bức tranh sơn mài trước khi hoàn thiện phải trải qua rất nhiều công đoạn, đòi hỏi sự kỳ công, kiên nhẫn của nghệ sĩ sáng tác.

Cuối cùng, sản phẩm sẽ được mài và đánh bóng cho đến khi đạt được độ bóng và mịn hoàn hảo trên bề mặt. Riêng quy trình làm vóc sơn mài thường diễn ra trong khoảng 30 ngày (với tranh khổ dưới 80cm), hoặc 2 tháng (với tranh có khổ trên 80cm-1,2m). Trên 1,2m sẽ lên tới 3-4 tháng. Với họa sĩ Chu Ngọc Quang, khi sáng tác tranh sơn mài anh cũng phải trải qua đầy đủ các công đoạn, quy trình như trên. Vì thế mỗi tác phẩm để hoàn thành phải mất ít nhất 4-6 tháng, lâu có thể lên đến vài năm. Ấy là chưa nói tới việc rủi ro trong quá trình mài tranh do tác động của thời tiết, độ ẩm...  

Hiện bức tranh có thời gian làm lâu nhất của Chu Nhật Quang đã bước sang năm thứ 3 và đang đi vào hoàn thiện (có kích thước 1m8 x 1m2). Cho nên hoạ sĩ theo đuổi vẽ tranh sơn mài truyền thống có thể kết luận là: “Sáng tác trong gian khổ”. Quang chia sẻ thêm: “Khi mài sẽ có 2 trường hợp, hoặc thành phẩm có màu đẹp hơn mong đợi, hoặc không đúng ý mình. Nếu không đúng ý thì họa sĩ phải tiếp tục làm lại các bước để… chờ mài. Trong thời gian sáng tác, đã nhiều lần mình phải lặp đi lặp lại những bước như thế”.

Như vậy đủ để thấy kho tàng 50 bức tranh sơn mài được Chu Nhật Quang sáng tác trong khoảng 3 năm là “ấn tượng” và “khủng” cỡ nào.

Mỗi tác phẩm là một bức tranh đậm nét nghệ thuật truyền thống

Sáng tác được khối lượng tranh khá lớn, nhưng điều khiến nhiều người ấn tượng khi chiêm ngưỡng tranh sơn mài của chàng họa sĩ 9X là ở cái “hồn”, thông điệp và những câu chuyện được truyền tải qua từng tác phẩm. Hầu hết câu chuyện, chủ đề ấy đều gắn với nghệ thuật truyền thống, vẻ đẹp của phong cảnh đất nước, con người Việt Nam. Điều đó dường như vừa mang tính tất yếu của sự kế thừa, nhưng cũng là nét tính cách đáng quý của một chàng trai ở thế hệ 9X.

Nói rằng tranh của Chu Nhật Quang có sự kế thừa là bởi trong suốt quá trình lớn lên, trưởng thành, anh luôn được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống. Ông nội Quang là NSND Chu Mạnh Chấn, một hoạ sĩ có niềm đam mê với việc khôi phục và bảo tồn di sản văn hoá làng quê Bắc Bộ thông qua nghệ thuật sơn mài. Bố của Chu Nhật Quang là NSƯT Chu Lượng - nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long, người luôn say mê với nghệ thuật rối nước.

Họa sĩ 9X Chu Nhật Quang: Chàng trai đam mê sáng tác tranh sơn mài từ chất liệu “truyền thống” - ảnh 3
Họa sĩ Chu Nhật Quang chia sẻ những kỷ niệm cũng như sự kỳ công của bức tranh "Nơi bắt đầu" do mình sáng tác.

“Ngay từ bé, mình đã thường xuyên qua khu vực làm việc của ông, được ông hướng dẫn những bước cơ bản trong sáng tác tranh sơn mài, như gắn trứng lên tấm vóc để làm tranh. Lớn hơn, khi bố công tác tại Nhà hát múa rối Thăng Long, mình lại được dẫn qua phía cánh gà, phía hậu trường của thủy đình sân khấu biểu diễn; rồi về các khu vực làng nghề đúc rối, thậm chí là các phường biểu diễn. Đấy là quá trình tiếp xúc liên tục của mình với nghệ thuật, đặc biệt là làm sơn mài. Nên tình yêu dành cho nghệ thuật của mình cứ thế ăn sâu, ngấm dần vào máu tự lúc nào chẳng hay” – Chu Nhật Quang chia sẻ.

Nhưng để Quang thật sự xác định và thấy tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống và tranh sơn mài thì phải tới mãi sau này. Chàng họa sĩ 9X bộc bạch: “Hồi còn đi du học, mình chưa có nhận thức đúng đắn về con đường sự nghiệp sẽ theo đuổi đến cùng. Nhưng thời điểm đại dịch Covid-19, được trở về quê hương sau một thời gian dài xa cách, nhờ có những khoảng lặng riêng, mình mới thực sự hiểu được và nhận ra những giá trị độc đáo đặc sắc mang tính đặc trưng của loại hình kỹ thuật sơn mài ở Việt Nam.

Đó cũng là động lực thôi thúc mình nghiêm túc theo đuổi con đường sáng tác tranh sơn mài. Đến bây giờ, khi đã có hướng đi, có mục đích và một tình yêu to lớn cho sáng tác tranh sơn mài, mình có thể ngồi ở xưởng tranh cả ngày không chán, chỉ sợ không có đủ thời gian”.

Đó có lẽ là lý do khiến nhiều người khi ngắm tranh sơn mài của Quang có nhận định rằng, so với nhiều họa sĩ gạo cội, độ “chín” và sự trải đời của anh có lẽ còn khiêm tốn. Nhưng trong tranh của Quang lại có những “trải nghiệm” sâu sắc, thâm trầm rất riêng, vừa thanh tao, quý phái lại rất đỗi giản dị. Điều này thể hiện khá rõ nét trong tác phẩm mang tên “Nơi bắt đầu” – bức tranh được họa sĩ Chu Nhật Quang tâm sự rằng anh rất “tâm đắc”.

Họa sĩ 9X Chu Nhật Quang: Chàng trai đam mê sáng tác tranh sơn mài từ chất liệu “truyền thống” - ảnh 4
Một số tác phẩm tranh sơn mài dự kiến sẽ được trưng bày tại triển lãm đầu tay của họa sĩ Chu Nhật Quang vào tháng 10/2024.

“Nơi bắt đầu” được Quang sáng tác trong khoảng 1 năm, là 1 trong những bức rất kỳ công. Điều kỳ công nhất chính là chất liệu màu của bức tranh hoàn toàn làm từ màu son truyền thống. Son này là vụn đá khoáng sản nghiền ra, sau đó sơ chế cho nhuyễn thành 1 màu rồi nghiền với nhựa cây sơn ta để tạo ra màu sơn son trầm, ấm. Thay vì chỉ dùng vài lớp thông thường, Chu Nhật Quang đã phủ lên tấm vóc 20 lớp son truyền thống như vậy; mà mỗi lớp son phải cần đến hàng tiếng để đạt hiệu ứng tốt nhất trước khi phủ lên lớp vóc. Và từ đầu tới cuối Quang sử dụng xuyên suốt chất liệu son để sáng tác.

Theo họa sĩ Chu Nhật Quang, sở dĩ lựa chọn gam màu độc đáo, truyền thống như vậy bởi bức tranh có nội dung cũng rất đặc biệt. Đó là một sự tái hiện của ký ức về hình ảnh chùa Thầy, về sân khấu Thủy đình biểu diễn rối nước nơi đây, và cũng là nơi đã giúp Quang “đánh thức” tình yêu nghệ thuật và tình yêu sơn mài. Đâu đó trong bức tranh người xem còn thấy được sự kế thừa, truyền thống giữa nhiều thế hệ làm nghệ thuật trong gia đình chàng họa sĩ 9X, là sự tiếp nối của lớp người đi trước với lớp người trẻ của hiện tại.

Thật đáng quý khi không riêng “Nơi bắt đầu”, bộ 50 tác phẩm tranh sơn mài do Chu Nhật Quang sáng tác, dự kiến sẽ triển lãm tại Hoàng Thành Thăng Long cũng mang giá trị, thông điệp như vậy. Chàng họa sĩ đầy nhiệt huyết, đam mê với sơn mài và nghệ thuật truyền thống bộc bạch: "Tại triển lãm đầu tay, qua các tác phẩm mình muốn gửi đi thông điệp cao nhất là tôn vinh giá trị văn hóa nước nhà như: Nét đẹp của cảnh quan làng quê, kiến trúc; nét đẹp của Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến; là dấu tích liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển của đất nước. Sau nữa, mình rất mong có thể ít nhiều góp phần truyền cảm hứng cho các thế hệ họa sĩ tiếp theo, cũng như thế hệ trẻ, để họ có sự tự hào về nền văn hóa truyền thống rất phong phú, lâu đời của Việt Nam”.

Với Quang, chàng họa sĩ cũng tự nhủ sẽ không ngừng tìm tòi về văn hóa, tập tục, di tích, danh lam thắng cảnh mang đậm bản sắc Việt Nam để có thể làm phong phú thêm cho các tác phẩm sơn mài trong tương lai.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/hoa-si-9x-chu-nhat-quang-chang-trai-dam-me-sang-tac-tranh-son-mai-tu-chat-lieu-truyen-thong-a182097.html