Fed quyết định chỉ giảm lãi ở mức 0,25%
Các thành viên quyết định chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa “đồng thuận” quyết định giảm lãi suất thêm 0,25%, xuống 3,5%. Đây là lần thứ hai, ECB hạ lãi suất trong năm. Động thái này được giới phân tích đoán trước từ lâu, do khu vực sử dụng đồng tiền chung euro (Eurozone) chứng kiến đà tăng trưởng kinh tế chậm chạp và lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.
Sản lượng công nghiệp của hai nền kinh tế chủ chốt là Đức và Italy sụt giảm, gây lo lắng về suy thoái ở châu Âu. Trong khi đó, lạm phát của Eurozone trong tháng 8/2024 đã xuống 2,2% - mức thấp nhất trong 3 năm qua (tháng 7 là 2,6%). Do đó, việc ECB giảm lãi suất đã được đoán trước. Và họ sẽ còn phải giảm nữa.
Với việc ECB giảm lãi suất, Fed sẽ đứng trước câu hỏi phải giảm lãi suất 0,25% hay 0,5% trong cuộc họp sắp tới vào ngày 19 - 20/9. Thị trường đã gần như chắc chắn, Fed phải giảm lãi suất, nhưng 0,25% hay 0,5% thì vẫn còn nhiều tranh cãi. Dựa trên các dữ liệu giao dịch trên thị trường giao sau, giới đầu tư dự đoán, 72% khả năng là Fed giảm lãi suất ở mức 0,25% và 28% là Fed giảm 0,5%.
Số liệu trên cho thấy, các nhà đầu tư dự đoán khả năng Fed cắt lãi suất 0,25% cao hơn nhiều. Điều này không có gì bất ngờ khi các số liệu về thị trường lao động và lạm phát cho phép Fed chưa cần phải gấp rút cắt lãi suất đến 0,5%.
Các quan chức cấp cao tại Fed đã ám chỉ rằng lãi suất sẽ được cắt giảm trong tháng này, khi lạm phát giảm xuống mức mục tiêu dài hạn là 2% của ngân hàng trung ương và thị trường lao động tiếp tục hạ nhiệt.
Các nhà hoạch định chính sách trong cuộc họp diễn ra hai ngày 17 và 18-9 tới có thể sẽ tập trung vào việc nên tăng lãi suất thêm 25 hay 50 điểm cơ bản. Tuy nhiên, bất kỳ đợt cắt giảm lãi suất nào thì đây cũng sẽ là lần đầu tiên Fed thực hiện kể từ tháng 3-2020, khi cơ quan này cắt giảm lãi suất xuống gần bằng 0 để hỗ trợ nền kinh tế Mỹ vượt qua đại dịch Covid-19.
Báo cáo chính thức của Bộ Lao động Mỹ công bố hôm 11/9 cho thấy, Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 0,2% trong tháng 8/2024. Với mức tăng này, tỷ lệ lạm phát trong 12 tháng vừa qua tăng 2,5%, thấp hơn 0,4% so với số liệu tháng 7 và thấp hơn so với mức ước tính trung bình là 2,6%.
Tuy nhiên, chỉ số giá tiêu dùng lõi (nghĩa là loại trừ giá thực phẩm và năng lượng) đã tăng 0,3% trong tháng, cao hơn so với kỳ vọng chung khoảng 0,2%. Đây là thước đo lạm phát ưa thích của Fed. Điều đó nghĩa, lạm phát đi xuống như kỳ vọng, nhưng không nhanh hơn kỳ vọng của Fed và thị trường.
Một con số khác cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ đã giảm xuống còn 4,2%, củng cố góc nhìn là Fed không cần gấp rút cắt giảm lãi suất.
Với thực tế Fed dựa nhiều vào dữ liệu như hiện tại, thì nhận định trên có lẽ là đúng. Nhưng không có nghĩa là, những gì Fed làm không bị chỉ trích. Nhiều nhà kinh tế cho rằng, Fed quá phụ thuộc vào dữ liệu và không quyết đoán. Các dữ liệu về thị trường lao động trong nhiều tháng đã chỉ ra rằng, thị trường lao động của Mỹ đã suy yếu và nếu tiếp tục cắt giảm lãi suất một cách chậm chạp, Fed có thể chậm chân trong việc hỗ trợ nền kinh tế Mỹ đang mất dần động lực tăng trưởng.
Nhưng Fed dưới thời ông Powell là vậy và sẽ khó thay đổi, vì nhiều thành viên trong Hội đồng Chính sách tiền tệ (FOMC) giữ quan điểm thận trọng, thay vì chủ động đưa ra định hướng cho thị trường một cách rõ ràng.
Ngay cả những cựu quan chức Fed cũng tin rằng, sự thận trọng với mức giảm lãi suất 0,25% là hợp lý. Tháng 6/2024, Loretta Mester, cựu Chủ tịch Fed Cleveland cho biết: “Vẫn có những quan điểm ủng hộ cắt giảm 50 điểm cơ bản (nghĩa là 0,5%), nhưng thông điệp chính sách sau đó sẽ rất phức tạp và không có lý do thuyết phục nào để chấp nhận rủi ro đó”.
Richard Clarida, cựu Phó chủ tịch Fed và hiện làm việc tại Pimco cho biết, việc cắt giảm 0,5% là không “nhất thiết đảm bảo 100% rằng, tin đó sẽ được đón nhận nồng nhiệt”. Trái lại, nó có thể khiến công chúng lo lắng về rủi ro suy thoái kiểu “Họ biết điều gì mà chúng ta không biết?”
Vì vậy, khả năng cắt giảm 0,25% vẫn là cao, dù có thể khiến hy vọng đạt được “hạ cánh mềm” của Fed gặp rủi ro.
Việc cắt giảm lãi suất tác động đến kinh tế toàn cầu như thế nào?
Chứng khoán châu Âu tăng và giá vàng tăng mạnh, có lúc lên đến 2.550 USD/ounce ngay sau tin ECB cắt lãi suất là một cuộc “diễn tập trước” cho việc Fed cắt lãi suất. Nói chung, khi lãi suất USD giảm, thì áp lực đối với hầu hết đồng tiền của các nước, đặc biệt là thị trường mới nổi được, giảm đi. Đó là điều chúng ta thấy trong vòng một tháng qua. So với giai đoạn căng thẳng mà đồng tiền các nước giảm so với USD, đặc biệt với khu vực châu Á, hầu hết đã lấy lại được phần nhiều những gì đã mất. Giai đoạn “gồng” tỷ giá đã giảm bớt. Ví dụ, trong trường hợp của Việt Nam, tỷ giá ngân hàng được cho là “trượt sâu”, “thủng” mốc 25.000 VND/USD.
Lãi suất Mỹ giảm cũng cho phép các ngân hàng trung ương ở các thị trường mới nổi dễ thở hơn, có thể nới lỏng chính sách tiền tệ hỗ trợ nền kinh tế mà không sợ mất kiểm soát về tỷ giá. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh kinh tế châu Âu và Trung Quốc đều đang tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến. Các nền kinh tế xuất khẩu sẽ chật vật nếu hai nền kinh tế lớn này tiếp tục gặp khó khăn, trong khi Mỹ cũng xuất hiện dấu hiệu suy yếu về thị trường lao động. Các nền kinh tế châu Á cần lãi suất Mỹ đi xuống để họ cũng có thể nới lỏng tiền tệ, hạ lãi suất, tăng tín dụng để kéo nền kinh tế đi lên.
Cũng có quan điểm rằng, sau khi Mỹ cắt giảm lãi suất, dòng tiền đầu tư ở Mỹ sẽ chuyển hướng trở lại khu vực các nền kinh tế mới nổi (trái với trạng thái rút ròng ra trong nửa đầu năm nay). Tuy nhiên, điều này là không chắc chắn. Việc ai sẽ là Tổng thống Mỹ, chính sách gây áp lực đối với kinh tế Trung Quốc, cũng như áp lực buộc các doanh nghiệp Mỹ phải đưa sản xuất về nước, chính sách đối với những nước có thặng dư thương mại lớn với Mỹ sẽ quyết định dòng tiền đầu tư.
Hơn nữa, một cuộc đua cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài giữa các nước trong khu vực ASEAN và sự trỗi dậy của Ấn Độ cũng làm cuộc đua thu hút đầu tư nước ngoài thêm phức tạp. Vì vậy, dòng vốn nước ngoài sẽ không chỉ nhìn vào lãi suất của Fed. Như một số phân tích, lãi suất USD chỉ đóng vai trò thứ yếu trong định hình dòng vốn thời gian tới, vì căn bản, nhiều nước cũng muốn cắt lãi suất. Chính sách công nghiệp của các quốc gia, rủi ro thương chiến và những áp lực địa chính trị mới là vấn đề cốt lõi. Xu thế đa dạng hóa kinh doanh ra nước ngoài của một số doanh nghiệp Trung Quốc cũng đóng một vài trò trong đó.
Vì vậy, lãi suất giảm ở Mỹ và châu Âu sẽ giúp các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam “dễ thở” hơn, nhưng không nên quá kỳ vọng vào tác động của nó đến dòng vốn đầu tư, vì hiện tại, có những yếu tố không thuần túy về kinh tế mới là nhân tố chính quyết định sự di chuyển của dòng vốn.
Ngược lại, giá vàng lại là một đối tượng hưởng lợi chính khi lãi suất trên toàn cầu đồng loạt giảm và USD không còn quá mạnh nữa. Giá vàng tăng mạnh và lập đỉnh cao mới trên cả thị trường giao ngay và giao sau. Giá vàng giao sau tháng 12/2024 chỉ còn cột mốc dự đoán 2.600 USD/ounce không xa và sẽ kích hoạt thêm nhiều lực mua vàng. Một trong những hiệu ứng không mong muốn của việc lãi suất toàn cầu giảm có thể là sự gia tăng của các lực đầu cơ vào các tài sản tài chính , bất động sản và vàng.
KHÁNH LINH (t/h)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/quyet-dinh-giam-lai-suat-cua-fed-co-lam-kinh-te-toan-cau-de-tho-a182221.html