Suýt chết dưới sông Ngàn Sâu
Trạm thủy văn Chu Lễ được xây dựng từ năm 1957, nằm nép mình cuối con dốc nhỏ đóng tại địa bàn thôn 9, xã Hương Thuỷ, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh). Trên Trạm là đồi cao, dưới là nhánh sông Ngàn Sâu quanh co, uốn lượn. Ngay sau khi tốt nghiệp Trường cán bộ Khí tượng thủy văn, năm 2005, chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1978) xin về công tác tại Trạm thủy văn Chu Lễ để có điều kiện ở gần chăm sóc bố mẹ.
Cái duyên nghề dự báo cứ như vậy theo chị cũng đã ngót nghét 19 năm. Đảm nhiệm từ vị trí nhân viên cho đến nay là Trạm trưởng trạm thủy văn Chu Lễ, chị Huyền luôn coi nghề dự báo là nghiệp. Bởi, ngoài niềm say mê với nghề, chị còn xác định được tầm quan trọng của những con số gửi đi.
19 năm công tác, bản thân chị Huyền chứng kiến vô số cơn bão lũ quét qua mảnh đất này. Những trận lũ năm 2007, 2010, 2016, đỉnh lũ lên đến cao trình 16,56m gần như "nhấn chìm" cả huyện Hương Khê, còn Trạm thủy văn Chu Lễ như ốc đảo tròng trành giữa mênh mông nước lũ. Và những cơn lũ đó cũng gắn liền với nhiều lần chết hụt của chị và đồng nghiệp.
Năm 2007, nước lũ ồ ạt kéo về, lên rất nhanh. Xã Hương Thủy bị chia cắt bởi 2 nhánh sông Ngàn Sâu lại chưa có cầu nên khi nước lũ bủa vây, Trạm thủy văn Chu Lễ cũng bị cô lập hoàn toàn. Lúc đó, chị Huyền đang mang bầu đứa con đầu lòng ở những tháng cuối. Tình hình cấp bách, Trạm chị nhận được chỉ đạo phải thực hiện 30 phút một "ốp" – (lần đo – PV).
Giữa mênh mông nước lũ, điện mất, chia cắt hoàn toàn, trạm chỉ có 3 chị em phụ nữ bám trụ. Công việc đòi hỏi khẩn trương nên các chị cùng nhau túc trực 24/24, ngày cũng như đêm, cứ 30 phút một lần lại ra sông đo, báo cáo liệu về cơ quan.
"Lúc đó, chị Lê Thị Nguyệt đang làm trạm trưởng. Mưa lũ tầm tã, không điện. Giữa đêm, 3 chị em mò mẫm soi đèn pin ra sông để đo mực nước. Trời tối, mặc áo mưa, nước chảy xiết khiến chị Nguyệt, chị Toàn (hiện đã nghỉ hưu) bị trượt chân ngã. May mắn mặc áo phao nên chúng tôi kịp bám vào nhau gắng sức néo vào bờ kịp thời. Cú trượt khiến nhiệt kế đo bị vỡ nhưng vẫn thật may vì chỉ thiếu chút nữa chúng tôi đều bị nước lũ cuốn trôi", chị Huyền nhớ lại trận lũ năm 2007.
Đối với chị Huyền, kí ức về lũ gắn liền với cảnh "di cư" của cả gia đình gồm bố mẹ già, cùng 3 con nhỏ. Đặc thù chồng chị là bộ đội công tác ở huyện Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) nên những lúc anh vắng nhà, đặc biệt trong mưa lũ, chị lại phải vừa chăm lo cho 2 bố mẹ cùng 3 con nhỏ lại vừa phải đảm bảo công việc chuyên môn khẩn trương liên tục.
"Mỗi khi dự báo mưa lũ, tôi lại chuẩn bị thức ăn, thuốc thang, xếp quần áo đưa cả nhà lên Trạm. Có như thế tôi mới yên tâm về bố mẹ và các con để tập trung đảm bảo được công việc", chị Huyền nói.
Rủi ro rình rập
Trạm thủy văn Sơn Diệm (đóng trên địa bàn huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) là trạm cấp 1, hiện có 03 cán bộ, nhân viên. Trong đó, chị Lê Thị Hà - Trạm trưởng - có thâm nhiên công tác đã 27 năm, 2 người còn lại cũng ngót nghét hơn 10 năm có lẻ.
Trạm thực hiện công việc hằng ngày là: đo mực nước, nhiệt độ nước, lượng mưa, lưu lượng nước, chất lơ lửng… Chị Hà cho hay, công việc của anh em tại Trạm diễn ra thường xuyên liên tục bất kể ngày mưa hay nắng, đặc biệt vào mùa mưa lũ, anh em trực không được nghỉ giờ phút nào.
Ngày thường, Trạm thực hiện đo 4 ốp/ngày: 1-7-13-19. Tức là trong một ngày sẽ tiến hành đo theo các khung giờ: 1h sáng, 7h sáng, 13h và 19h. Vào những ngày mưa lũ, thời lượng đo liên tục, thường xuyên, cứ 01 tiếng/01 ốp.
Sông Ngàn Phố nằm ở thượng nguồn dễ xảy ra lũ ống lũ quét, đặc điểm địa hình miền núi nên nước lũ lên nhanh và xuống nhanh, nhân lực mỏng, khối lượng công việc nhiều khiến anh em cán bộ Trạm thủy văn Sơn Diệm nhiều lúc "trở tay không kịp". Tất cả công việc chuyên môn đều phải thực hiện ngoài trời, trên sông nước và bằng các dụng cụ thủ công chuyên biệt. Ngày mưa lũ, cứ 1 tiếng một lần, cả 3 anh em Trạm thủy văn Sơn Diệm lại tròng trành trên chiếc thuyền nhỏ được móc vào dây cáp, chèo ra giữa sông thực hiện quan trắc. Một người chèo thuyền, một người lái thuyền, một người thả cá sắt bằng tời để đo dưới đáy sông. Các thao tác của quan trắc viên phải vừa chính xác vừa thật nhanh.
Theo chị Hà, khó nhất là đo tốc độ dòng chảy để tính lưu lượng nước. Bình thường thì dưới 15 ngày đo 01 lần, nhưng những ngày mưa lũ thì tùy theo biên độ của mực nước để đo liên tục. Ngoài đo đạc, quan trắc, mọi người còn phải ghi, nhập số liệu, tính toán các con số chính xác về tình hình lũ trên sông và nhanh chóng gửi về Đài khí tượng thủy văn tỉnh, các đơn vị phòng chống thiên tai và phòng nông nghiệp huyện để các cơ quan hữu trách đánh giá tình hình, triển khai phương án phòng, chống.
"Trong những lúc mưa lũ nước sôi lửa bỏng, chúng tôi phải túc trực, đo liên tục để kịp cung cấp số liệu. Anh em đối mặt nhiều rủi ro nhưng trách nhiệm phải đảm đương", chị Hà cho hay.
Những ngày mưa lũ, dòng sông Ngàn Phố cuồn cuộn theo bùn đất, cây cối, những người quan trắc viên bé nhỏ giữa dòng nước thực hiện nhiệm vụ có thể đánh đổi cả tính mạng bất cứ lúc nào. Nhưng những con số đối với họ bấy giờ vô cùng quan trọng. Nó chính là chất liệu để cơ quan chức năng đưa ra những quyết sách cấp bách có thể "cứu" hàng trăm sinh mạng, cũng có thể cướp đi vô số người và tài sản của nhân dân.
Bài 3: Những đóng góp thầm lặng
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chuyen-nguoi-dem-gio-do-mua-bai-2-nghe-la-nghiep-a182421.html