Mẹ chồng gia trưởng

(PNTĐ) - Từ ngày về làm dâu, Ngân chưa bao giờ cảm nhận được chút tình cảm và quan tâm từ mẹ chồng. Lúc nào, bà cũng trách móc, soi mói, áp đặt con dâu làm theo ý mình một cách hết sức vô lý.

Ngày kia, cô chú trong hội hưu trí của mẹ về nhà mình liên hoan. Con thu xếp nghỉ làm để ở nhà chuẩn bị nấu nướng nhé. Mẹ không muốn thuê ngoài vì đồ ăn mình tự nấu vừa đảm bảo lại vừa rẻ. Bà Hiền nói mà không hề nhìn vào mắt con dâu.

- Nhưng mẹ ơi, đợt này công việc con đang bận lắm, chưa chắc sếp đã cho nghỉ đâu ạ. Ngân lúc này cảm thấy sức ép, giọng cô không giấu nổi vẻ bối rối.

- Hôm ấy là thứ Bảy rồi, có nghỉ thì cũng chỉ có nửa ngày. Làm gì đến mức khó khăn thế!. Bà Hiền nhấn mạnh mỗi chữ, ánh mắt đầy sự cương quyết.

Ngân cắn môi, gật đầu đồng ý dù trong lòng không cam tâm. Đó chỉ là một trong vô số lần bà Hiền - một người mẹ chồng gia trưởng sắp đặt mọi thứ và đẩy con dâu vào tình thế đã rồi. Nếu không làm theo ý bà, Ngân cũng chẳng thể sống thoải mái trước cái nhìn soi mói, lời nói khó chịu của mẹ chồng.

Mẹ chồng gia trưởng - ảnh 1
Ảnh minh họa

Vốn là người ưa hình thức, thích được mọi người xuýt xoa khen ngợi nên bà Hiền muốn bữa tiệc phải thật hoàn hảo. Bởi vậy, ngay từ buổi chiều tối hôm trước Ngân đã bận rộn để mua sắm thực phẩm, sơ chế nguyên liệu. Sáng hôm sau, cô dậy từ sớm tinh mơ, lúi húi trong bếp cả buổi để nấu nướng, bày biện sao cho đẹp mắt.

Bà Hiền tuyệt nhiên không động tay vào việc gì, dù là gọt củ khoai, nhặt mớ rau thơm. Thỉnh thoảng, bà chỉ vào ngó nghiêng, nếm nếm rồi chê “sao món nộm nhạt nhẽo thế, chưa đủ vị, còn đĩa tôm chiên trang trí lại đi, bông hoa bị lệch kìa”… Mỗi lần như thế Ngân lại “dạ vâng” làm theo ngay tắp tự, nhưng trong lòng cảm thấy bực bội vô cùng.

Để mọi người liên hoan một cách tự nhiên, bố chồng và hai đứa nhỏ sang nhà chị chồng chơi, chồng Ngân thì bận việc bên ngoài. Còn mỗi Ngân ở nhà nhưng mẹ chồng không được một lời nói với con dâu “con ăn đi cho khỏi đói”. Điều ngân tủi thân không phải vì miếng ăn mà là lời nói quan tâm của mẹ chồng.

Ngân lặng lẽ pha bát mì tôm, mang vào trong phòng ngủ ăn tạm rồi nghỉ ngơi, mặc cho ở bên ngoài buổi tiệc diễn ra vui vẻ, tiếng cười nói không ngớt. Đến chiều, một mình Ngân lại dọn dẹp đống bát đĩa ngổn ngang trên sàn. Trong khi đó, mẹ chồng ngồi ở ghế sofa cười nói: “Hôm nay ai cũng khen đồ ăn ngon, nhà cửa ngăn nắp, gọn gàng. Đấy trong nhà là phải có người giỏi quán xuyến, chỉ bảo như tôi thì đâu mới ra đấy được”.

Cuộc sống của Ngân ngày thêm mệt mỏi với những yêu cầu và đòi hỏi không ngớt từ mẹ chồng. Một hôm, bà Hiền kéo Ngân đi mua quà sinh nhật để tặng bạn. Bà chọn một chiếc túi xách gần 2 triệu đồng và đưa hóa đơn cho Ngân thanh toán.

Ngân ngỡ ngàng vì món quà quá sang trọng so với điều kiện của mẹ chồng thì bà Hiền giận dỗi và lên lớp về cách “giữ mặt” với bạn bè. “Ai thì mẹ không biết nhưng với bà Hoa thì phải là món quà xịn xịn chút. Bà ấy mới ở nước ngoài về, sao mà tuềnh toàng được, người ta cười vào mặt cho”. Bà Hiền cố tình nói rõ to giữa cửa hàng khiến Ngân xấu hổ, cô nhanh chóng trả tiền rồi ra về.

Mẹ chồng gia trưởng - ảnh 2
Ảnh minh họa

Mâu thuẫn giữa Ngân và mẹ chồng càng trở nên căng thẳng khi không may bé Bon bị ngã sứt trán, đúng vào hôm mẹ đẻ của Ngân lên thành phố ăn cưới nhà họ hàng rồi ghé chơi với cháu ngoại. Bà Hiền không kiểm soát được cảm xúc, đã lớn tiếng mắng mỏ con dâu, thậm chí còn nói cả bà thông gia với những lời lẽ không mấy hay ho. Lời lẽ cay nghiệt của bà Hiền như “giọt nước tràn ly” khiến Ngân vô cùng bức xúc. Lúc này cô quyết tâm bằng mọi cách phải ra ở riêng, để sống một cuộc sống tự do, thoải mái mà mình mong muốn.

Thấy mẹ đẻ không khỏi xót xa khi con gái sống với mẹ chồng quá vất vả và tủi hờn, Ngân cầm đôi tay chai sần của mẹ an ủi: “Mẹ yên tâm, con sẽ cố gắng sớm ra ở riêng chứ không thể chịu đựng cảnh này mãi được. Trước con còn chần chừ vì không muốn đi thuê nhà, mỗi tháng hết 7-10 triệu, rồi lại bị nhà chồng nói “nhà cao cửa rộng không chịu ở lại ra ở trọ”. Còn mua nhà thì lại thiếu khá nhiều. Nhưng bây giờ thì có thiếu bao nhiêu con vẫn phải tính toán để ra ngoài sống cho bằng được”.

- Thế bọn con tiết kiệm được nhiều chưa? Định mua nhà hay chung cư? Còn thiếu bao nhiêu?

- Con tính mua căn hộ hai phòng ngủ khoảng 65m2 ở khu chung cư gần nơi hai đứa nhỏ học, giá cũng phải 2,5 tỷ. Vợ chồng con mới có 1,5 tỷ, vay ngân hàng thêm 1 tỷ thì trả lãi mỗi tháng căng quá nên cứ chần chừ.

Mẹ Ngân trầm ngâm một chút rồi nói tiếp: “Đợt trước bố mẹ được đền bù mảnh đất ở gần khu công nghiệp được một khoản kha khá. Cũng tính là chia cho hai anh em con, nhưng thằng Khánh làm ăn cũng tốt, mỗi tháng còn biếu tiền bố mẹ để ăn tiêu. Còn con thì mẹ nghĩ ở với nhà chồng, cũng không có gánh nặng kinh tế gì lớn, nên khoản tiền ấy vẫn để gửi tiết kiệm. Để mẹ về bàn với bố, cho con một phần để mua nhà, còn lại thì vẫn phải vay để hai vợ chồng phấn đấu cùng nhau mà trả dần. Có như thế thằng Tuân nó mới có trách nhiệm với gia đình”.

Nghe mẹ nói vậy, Ngân mừng lắm, dựa vào vai mẹ nũng nịu: “Đúng là chỉ có bố mẹ là thương con gái nhất. Mà con nghĩ rồi mẹ ạ, nếu con nói trước thì kiểu gì mẹ chồng cũng ngăn cản và gây khó dễ không cho mua nhà riêng đâu. Nên con sẽ bàn với anh Tuân làm mọi việc xong xuôi rồi mới nói. Anh ấy biết con cũng chịu ấm ức và khổ sở nhiều nên cũng tôn trọng quyết định của con”.

Mẹ chồng gia trưởng - ảnh 3
Ảnh minh họa

Ngày vợ chồng Ngân nói chuyện với bố mẹ chồng về chuyện ra ở riêng, ban đầu bà Hiền chẳng coi lời cô nói ra là thật. Bà cứ nghĩ cô chỉ đang mạnh miệng, chứ làm gì có đủ tiền để mua nhà. Thậm chí bà còn cho rằng “không ở ngôi nhà này thì làm gì có chỗ nào mà đi chứ”. Thế nhưng, khi Ngân đưa ra giấy tờ mua bán căn hộ, bà Hiền không khỏi sững sờ. Nhìn giá trị căn hộ, bà còn nói dỗi: “Anh chị giỏi lắm, việc lớn mà tự quyết định không bàn bạc với chúng tôi một lời. Không đủ tiền mua thì đừng có ngửa tay ra mà hỏi nhé!”.

- Dạ bọn con đã lo xong hết rồi ạ, chỉ vay có chút xíu nữa thôi. Bố mẹ cứ yên tâm. Con chọn chỗ này cũng ở gần nhà mình nên tiện đi lại, con sẽ cho bọn nhỏ thường xuyên về chơi, ăn cơm với ông bà.

- Được rồi, các con đã trưởng thành, cứ làm gì để cuộc sống thấy vui vẻ, thoải mái là được. Đây vẫn là ngôi nhà để các con, các cháu trở về. Bố chồng Ngân - một người ít nói nhưng rất tâm lý, mở lời động viên.

Nhìn con trai, con dâu háo hức dọn đồ chuyển đi, bà Hiền mới giật mình nhận ra có lẽ bản thân đã mắc rất nhiều sai lầm. Mọi sự cố chấp, khắt khe, soi mói trước đây của bà giờ chỉ còn là những hối tiếc muộn màng.

Trong không gian vắng lặng của ngôi nhà 4 tầng, bà Hiền mới thấu hiểu những giây phút cả gia đình quây quần bên mâm cơm thật sự rất đáng giá. Biết bao nhiêu lần bà Hiền cầm điện thoại, định gọi cho Ngân để nói điều gì đó, nhưng lại ngập ngừng. Có lẽ bà cần thêm thời gian mới có thể trải lòng với con dâu.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/me-chong-gia-truong-a182466.html