Cung cấp thông tin sai sự thật về khai sinh, bị phạt thế nào?

Cung cấp thông tin sai sự thật về nội dung khai sinh là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị phạt nặng.

Điều 37, Chương III Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp; hành chính tư pháp; hôn nhân và gia đình; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã (Nghị định số 82/2020/NĐ-CP) quy định về hành vi vi phạm đăng ký khai sinh như sau:

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung giấy tờ do cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền cấp để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Cam đoan, làm chứng sai sự thật về việc sinh;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu sai sự thật về nội dung khai sinh;

c) Sử dụng giấy tờ của người khác để làm thủ tục đăng ký khai sinh.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật là giấy tờ, văn bản bị tẩy xoá, sửa chữa làm sai lệch nội dung đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Cung cấp thông tin sai sự thật về khai sinh, bị phạt thế nào?- Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Kiến nghị cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với giấy khai sinh đã cấp do có hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 Điều này; giấy tờ, văn bản bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung quy định tại khoản 1 Điều này.

Cha mẹ chưa đủ tuổi kết hôn, có đăng ký khai sinh cho con được không?

Bên cạnh đó, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 82/2020/NĐ-CP quy định về mức phạt tiền, thẩm quyền phạt tiền đối với cá nhân, tổ chức như sau:

4. Mức phạt tiền quy định tại các Chương II, III, IV, V, VI và VII Nghị định này được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, trừ các điều quy định tại khoản 5 Điều này. Trường hợp tổ chức có hành vi vi phạm hành chính như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

5. Mức phạt tiền quy định tại các Điều 7, 8, 9, 16, 17, 24, 26, 29, 33, 39, 50, 53, 63, 71, 72, 73, 74 và 80 Nghị định này là mức phạt tiền đối với hành vi vi phạm hành chính của tổ chức.

Theo các quy định nêu trên, người cung cấp thông tin sai sự thật về nội dung khai sinh có thể bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

Căn cứ vào Điều 4 luật Hộ tịch 2014, giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh.

Theo Điều 6 Nghị định 123 năm 2015 của Chính phủ, giấy khai sinh là giấy tờ hộ tịch gốc của cá nhân. Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về họ, chữ đệm, tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; dân tộc; quốc tịch; quê quán; quan hệ cha, mẹ, con phải phù hợp với giấy khai sinh của người đó.

Trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong giấy khai sinh thì thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong giấy khai sinh.

Giấy khai sinh là một tài liệu gốc có giá trị pháp lý cao nhất chứng minh nguồn gốc của một cá nhân. Giấy khai sinh cũng là căn cứ để thực hiện các quyền lợi như chăm sóc y tế, quyền được đi học, hỗ trợ pháp lý, quyền bầu cử, ứng cử... và được bảo vệ trước pháp luật với tư cách là công dân.

Minh Hoa (t/h)

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/cung-cap-thong-tin-sai-su-that-ve-khai-sinh-bi-phat-the-nao-a182785.html