Phát thải ngành F&B chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu

Không ít doanh nghiệp trong ngành F&B của Việt Nam đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để "xanh hoá", phát triển bền vững.

Vẫn "lạc quan" trước nhiều thách thức

Theo khảo sát từ tháng 7 - 8/2024 trong báo cáo mới nhất của Vietnam Report về ngành Thực phẩm - Đồ uống năm 2024, 62,5% doanh nghiệp kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm nay.

Điều đáng chú ý là "sự lạc quan" của các doanh nghiệp về triển vọng của thị trường F&B tăng mạnh, với tỉ lệ tăng từ 61,6% lên 87,6%. Con số này là hoàn toàn hợp lý khi các số liệu từ Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành F&B sẽ tăng trưởng 10,92% vào năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng.

Thêm vào đó, Nghị định 74/2024 quy định mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ tháng 7/2024 sẽ tiếp tục đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới khi bước vào mùa chi tiêu cuối năm.

Phát thải ngành F&B chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu- Ảnh 1.

Những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp F&B đang đối mặt (Ảnh: Vietnam Report).

Để đạt được “quả ngọt” như kỳ vọng, các doanh nghiệp đã và đang vững vàng vượt qua hàng loạt thách thức liên tiếp. So với thời điểm cách đây một năm, nỗi lo về sức mua yếu hay lạm phát gia tăng đã giảm nhiệt đáng kể, nhường chỗ cho lo ngại liên quan đến sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và lượng hàng tồn kho lớn.

"72,2% doanh nghiệp ngành F&B tham gia khảo sát cho rằng sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng là một trong những khó khăn lớn nhất trong năm nay" Vietnam Report nhận định.

Tỉ lệ này đã gia tăng mạnh từ 37,5% vào năm 2022 lên 75,0% vào năm 2024. Người tiêu dùng hiện nay không chỉ quan tâm đến giá cả hay chất lượng sản phẩm mà còn đặt nặng yếu tố bền vững, an toàn cho sức khỏe và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Họ có xu hướng ưu tiên các sản phẩm xanh, hữu cơ, và có nguồn gốc rõ ràng.

Phát thải ngành F&B chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu- Ảnh 2.

Thương mại điện tử và xu hướng mua sắm trực tuyến đã thay đổi cách tiếp cận sản phẩm của khách hàng.

Đồng thời, sự phổ biến của thương mại điện tử và xu hướng mua sắm trực tuyến cũng thay đổi cách thức tiếp cận sản phẩm buộc các doanh nghiệp phải đầu tư vào kênh bán hàng số hóa để duy trì lợi thế cạnh tranh.

Sự thay đổi liên tục trong sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi các doanh nghiệp phải linh hoạt, liên tục đổi mới và cập nhật chiến lược để đáp ứng kỳ vọng của thị trường.

Việt Nam còn nhiều tiềm năng cho doanh nghiệp F&BDoanh nghiệp F&B trong bức tranh chung về Net Zero

Bên cạnh sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, Vietnam Report thông tin: "44,4% doanh nghiệp trả lời khảo sát cho rằng lượng hàng tồn kho lớn đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp. Do những biến động khó lường của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã dự trữ hàng hóa với khối lượng lớn nhằm ứng phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và biến động tiêu dùng".

Điều này dẫn đến áp lực lớn về chi phí lưu kho, quản lý hàng tồn và đặc biệt là nguy cơ giảm giá trị sản phẩm khi hàng hóa tồn đọng quá lâu, nhất là đối với các mặt hàng có hạn sử dụng ngắn. Hơn nữa, lượng hàng tồn kho lớn còn khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sản xuất và đáp ứng linh hoạt với các xu hướng tiêu dùng mới.

Doanh nghiệp F&B nỗ lực "xanh hóa"

Tiềm năng tăng trưởng lớn, thế nhưng ngành F&B cũng là ngành tạo ra phát thải không nhỏ. 

Theo số liệu được chia sẻ từ hội thảo “Kiểm kê và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính cho doanh nghiệp sản xuất F&B”, phát thải từ ngành F&B chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu, con số này có thể tăng gần gấp đôi vào năm 2050. Nhận thức rõ những điều này, không ít doanh nghiệp trong ngành F&B của Việt Nam đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp để "xanh hoá", phát triển bền vững.

Theo kết quả khảo sát Doanh nghiệp F&B của Vietnam Report, 66,7% số doanh nghiệp F&B tham gia khảo sát cho rằng việc thực thi và đáp ứng tiêu chí đánh giá tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị (ESG) có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phát thải ngành F&B chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu- Ảnh 3.

Phát thải từ ngành F&B chiếm khoảng 26% lượng khí thải toàn cầu.

Kết quả khảo sát cũng chỉ ra: "Khoảng 71,2% số doanh nghiệp cho rằng việc triển khai chiến lược phát triển bền vững có thể nâng cao giá trị thương hiệu của mình. Khi các yếu tố thúc đẩy xanh hóa ngày càng tăng, 92,6% doanh nghiệp F&B khẳng định Phát triển bền vững có nằm trong trọng tâm chiến lược kinh doanh năm 2024".

Hiện tại, 83,3% doanh nghiệp cho biết đã và đang trong quá trình lập kế hoạch và triển khai cam kết ESG như một công cụ hữu hiệu để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Một tín hiệu tích cực là không chỉ về mặt nhận thức, thực tiễn cũng đang có những chuyển biến khả quan hơn khi lệ thực sự bắt tay hành động để triển khai một phần hoặc toàn diện cam kết ESG chiếm phần lớn trong số này (55%).

Thanh Loan

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/phat-thai-nganh-fb-chiem-khoang-26-luong-khi-thai-toan-cau-a182859.html