Trải qua 4 lần sửa đổi, bổ sung, Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đã góp phần xử lý các bất cập phát sinh trong từng giai đoạn.
Với lần sửa đổi tổng thể này, Luật Thuế TTĐB năm 2024 đã định nghĩa lại rõ hơn về đối tượng chịu thuế, đối tượng không chịu thuế và người nộp thuế. Đồng thời, dự thảo cũng đã mở rộng thêm đối tượng chịu thuế và tăng thuế suất với một số sản phẩm đồ uống được coi là có hại cho sức khỏe.
Hiện Bộ Tài chính đang đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam với hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế TTĐB, để ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng thừa cân, béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên, nhằm giảm thiểu rủi ro bệnh tật và gánh nặng y tế đối với bệnh không lây nhiễm.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến, dẫn chứng cho rằng chưa thực sự thuyết phục do chưa xác định được tác hại đối với sức khỏe của người tiêu dùng, nếu chỉ giảm tiêu thụ đồ uống giải khát có đường thì chưa thực sự giải quyết được bệnh thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Những thủ phạm gây thừa cân béo phì
Tại Hội thảo góp ý dự thảo luật thuế tiêu thu đặc biệt (sửa đổi) diễn ra sáng 20/9, ông Lương Xuân Dũng - đại diện Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho rằng, nước giải khát có đường không phải là nguồn cung cấp đường và calories duy nhất và cao nhất.
Do đó nước giải khát không phải là nguyên nhân duy nhất và chủ yếu dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì và các bệnh không lây nhiễm.
Ông Dũng nhìn nhận, mức tiêu thụ nước giải khát của Việt Nam không cao so với nhiều nước trong khu vực và thế giới. Thống kê cho thấy nhiều nước có mức tiêu thụ nước giải khát cao hơn Việt Nam nhưng cũng không áp thuế TTĐB lên nước giải khát.
Cụ thể, theo số liệu trong báo cáo của Bộ Y tế, năm 2020 Việt Nam tiêu thụ 3,3 tỷ lít nước giải khát, tức là tương đương với khoảng 34 lít/người/năm nếu tính trên số dân là 96 triệu người vào năm 2020.
Tại châu Á, nhiều nước có mức tiêu thụ bình quân đồ uống có đường trên 100 lít/người/năm như Nhật Bản và Hàn Quốc lần lượt là 169,28 lít/người/năm và 96,51 lít/người/ năm (theo số liệu dự báo của Statis năm 2023) nhưng đều không áp thuế TTĐB đối với đồ uống có đường.
Dù Nhật Bản không áp dụng thuế TTĐB đối với nước giải khát, nhưng lại là quốc gia có tỉ lệ thừa cân, béo phì thấp nhất trong khu vực và trên thế giới với tỉ lệ béo phì ở người lớn là 4,5%; tỉ lệ thừa cân và béo phì ở trẻ em lần lượt là 3,8 % và 4,1%.
Một dẫn chứng khác là mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người ở châu Âu là 243,9 lít/ người, tức là gấp gần 4,8 lần so với Việt Nam. Các quốc gia có mức tiêu thụ nước giải khát bình quân đầu người cao nhất ở châu Âu là Đức (336,3 lít/người), Hungary (310,3 lít/ người) và Bỉ (272,4 lít/người).
Làm rõ việc có nhiều nguyên nhân gây ra các bệnh không lây nhiễm, bao gồm cả bệnh thừa cân béo phì mà nước giải khát có đường không phải là nguyên nhân chính duy nhất, PGS.TS Nguyễn Thị Lâm – nguyên Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng Việt Nam đã nêu một số dẫn chứng.
Cụ thể, khi đã vào trong cơ thể thì protein, lipid, glucid đều có thể chuyển thành chất béo dự trữ. Do đó, không nên quan niệm rằng cứ tiêu thụ nhiều đường thì mới gây ra thừa cân béo phì.
Chuyên gia Nguyễn Thị Lâm cũng cho biết, so với nước giải khát có đường, thì những thực phẩm được trẻ em tiêu thụ nhiều hơn là ngũ cốc, chất đạm, chất béo, sữa và sản phẩm từ sữa. Lượng protein được học sinh các cấp tiêu thụ cũng đều vượt mức khuyến nghị.
Mặt khác, tỉ lệ thừa cân béo phì ở học sinh khu vực thành thị cao hơn nhiều so với học sinh ở khu vực nông thôn (lần lượt là 41,9% và 17,8%) nhưng tỉ lệ tiêu thụ nước giải khát có đường ở mức độ thường xuyên của trẻ em khu vực thành thị lại thấp hơn mức tiêu thụ của trẻ em ở khu vực nông thôn (lần lượt là 16,1% và 21,6%).
Nền kinh tế sẽ gánh chịu thiệt hại lên tới 880 tỷ đồng
Theo đại diện VBA, đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có thể sẽ khiến người tiêu dùng dịch chuyển sang sử dụng các loại đồ uống có đường khác được sản xuất thủ công hoặc nhập lậu vốn rất phổ biến trên thị trường.
Hơn nữa các loại đồ uống này thường có giá thành rẻ hơn do không phải chịu thuế TTĐB. Điều này dẫn đến mục tiêu chính sách đặt ra không đạt được trong khi đó sự phát triển của ngành công nghiệp đồ uống bị ảnh hưởng tiêu cực, và tạo điều kiện cho các mặt hàng đồ uống không chính thức, sản xuất thủ công hoặc nhập lậu phát triển, nhất là trong tình hình thu nhập giảm, lạm phát tăng cao như hiện nay.
Song, chính sách này ảnh hưởng không nhỏ đến sự phục hồi của các doanh nghiệp trong ngành, đặc biệt trong bối cảnh giá thành các nguyên liệu gia tăng và người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, doanh nghiệp cũng đồng thời chịu nhiều sức ép từ các nghĩa vụ tài chính phát sinh và các tác động ngoại cảnh như cơn bão Yagi vừa qua.
Trong khi đó, các doanh nghiệp cũng đã và đang đồng thời chịu nhiều sức ép từ các trách nhiệm tài chính mới theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường như: trách nhiệm tái chế và có thể phải thực hiện một số trách nhiệm khác như kiểm kê và giảm phát thải khí nhà kính cùng hàng loạt các loại phí môi trường đang dự kiến bổ sung mới như phí khí thải, phí nước thải với chi phí ước tính lên tới hàng trăm tỷ đồng.
Chính vì vậy, Chủ tịch VBA đề nghị xem xét bỏ điểm l khoản 1 Điều 2 của dự thảo Luật, theo đó không bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml, vào đối tượng chịu thuế TTĐB vì hiệu quả của chính sách thuế lên mục tiêu bảo vệ sức khỏe là không rõ ràng.
Trong khi chính sách thuế này có thể gây ra các tác động lớn đến sự phục hồi của ngành nước giải khát, ảnh hưởng chung đến lao động việc làm và nền kinh tế.
Ông Nguyễn Văn Phụng - nguyên Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế đánh giá, việc áp thuế TTĐB đối với nước giải khát có đường không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất kinh doanh thuộc ngành nước giải khát mà còn ảnh hưởng đến các ngành công nghiệp phụ trợ có liên quan như ngành mía đường, bán lẻ, bao bì, và hậu cần.
Vị chuyên gia này dẫn chứng báo cáo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đánh giá tác động kinh tế - xã hội của thuế TTĐB (thực hiện năm 2018, được cập nhật năm 2021) thì nếu bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB với mức thuế suất 10% sẽ dẫn tới thiệt hại đối với nền kinh tế là khoảng 880,4 tỷ đồng.
Trường hợp áp dụng đồng thời cả thuế TTĐB ở mức 10% và tăng thuế GTGT thêm 2% đối với mặt hàng nước giải khát thì tổng thiệt hại cho nền kinh tế sẽ tăng thêm 1.069,1 tỷ đồng.
Nếu tăng thuế GTGT thêm 1% thì cũng đã khiến sản lượng của ngành mía đường ước tính giảm 28.800 tấn; tương đương với doanh thu sụt giảm 302,4 tỷ đồng trong khi giá trị thuế GTGT thu được chỉ tăng thêm 217,4 tỷ đồng, nghĩa là thiệt hại gần 100 tỷ đồng cho nền kinh tế, ảnh hưởng đến kế sinh nhai của hơn 300.000 hộ gia đình trồng mía.
Xét tổng thể, giá trị tăng thêm của cả nền kinh tế (GVA) giảm 0,135%, GDP giảm 0,115%, thu nhập của người lao động từ sản xuất của cả nền kinh tế giảm 0,155%, thặng dư sản xuất giảm 0,083%, lao động giảm 0,092%; thu ngân sách qua thuế gián thu giảm khoảng từ 0,065% – 0,085%.
Hơn nữa, đối với thuế TTĐB, ngoài chức năng tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, còn có thêm chức năng điều tiết, định hướng tiêu dùng, nhưng các chức năng đó chỉ có thể phát huy được trong điều kiện quản lý tốt cùng với sự phối hợp, tự giác tuân thủ của người dân.
"Thuế không thể là chiếc chìa khóa vạn năng để mở mọi cánh cửa, để giải quyết mọi vấn đề theo mong muốn của chúng ta", ông Nguyễn Văn Phụng nói.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ban-khoan-ve-hieu-qua-viec-ap-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-do-uong-co-duong-a182860.html