Cây cỏ ngọt (Stevia rebaudiana) nổi bật với khả năng tạo ra vị ngọt mà không làm tăng đường huyết, nhờ chứa các hợp chất đặc biệt gọi là glycoside steviol. Đây là các hợp chất có nguồn gốc tự nhiên, bao gồm các loại như stevioside và rebaudioside A, có độ ngọt gấp 200-300 lần so với đường sucrose thông thường. Tuy nhiên, điểm đặc biệt là chúng không chứa calo và không gây tăng đường huyết khi tiêu thụ.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Glycoside steviol mang lại vị ngọt tự nhiên vì chúng tương tác với các thụ thể vị giác trên lưỡi, tạo ra cảm giác ngọt tương tự như đường. Tuy nhiên, khi vào cơ thể, chúng không bị phân hủy thành glucose như đường thông thường.
Thay vào đó, chúng được chuyển hóa chủ yếu tại ruột mà không tham gia vào quá trình tăng đường huyết. Điều này giúp người tiêu thụ cảm nhận được vị ngọt mà không cần lo lắng về việc tăng lượng đường trong máu.
Cỏ ngọt còn có khả năng hỗ trợ hạ đường huyết thông qua một số cơ chế khác. Đầu tiên, các nghiên cứu cho thấy, stevia có thể cải thiện độ nhạy insulin – một hormone giúp vận chuyển glucose từ máu vào tế bào để sử dụng làm năng lượng. Điều này giúp giảm lượng đường trong máu sau bữa ăn. Thứ hai, cỏ ngọt còn có thể làm chậm quá trình hấp thụ glucose từ ruột non vào máu, giúp ngăn ngừa tăng đường huyết đột ngột.
Bên cạnh đó, cỏ ngọt còn có một số lợi ích sức khỏe như:
Phòng ngừa tăng huyết áp
Các nhà khoa học về y học đã nghiên cứu dưới sự tác động của stevioside (hợp chất trong cỏ ngọt) tiêm vào tĩnh mạch ở chuột tăng huyết áp tự phát. Kết quả nhận về cho thấy tác dụng hạ huyết áp trên cả huyết áp tâm trương và huyết áp tâm thu. Điều này còn dựa trên liều lượng tiêm tĩnh mạch là 50, 100 hay 200 mg/kg. Tác dụng hạ huyết áp có thể kéo dài đến 60 phút với liều 200 mg/kg.
Bên cạnh đó, một số glycoside khác trong cỏ đường còn có lợi ích làm giãn mạch, tăng chức năng tiểu tiện. Đồng thời tạo điều kiện thải natri ra bên ngoài cơ thể, giảm huyết áp và bảo vệ tim mạch.
Hỗ trợ phòng chống ung thư vú
Báo Sức khỏe & Đời sống dẫn nguồn trang Medicalhealthguide cho biết, khoa Sinh học Phân tử và Công nghệ Sinh học, Đại học Kalyani, Ấn Độ đã thực hiện thí nghiệm xác định xem stevioside (hợp chất được tìm thấy trong cây cỏ ngọt) có hoạt tính chống ung thư hay không. Độc tính tế bào, cảm ứng quá trình apotosis và các con đường hoạt động giả định của nó đã được nghiên cứu trong các tế bào ung thư vú ở người.
Kết quả, stevioside là chất cảm ứng mạnh với quá trình chết rụng tế bào ung thư và có tác động đầy hứa hẹn đối với các yếu tố phiên mã liên quan đến căng thẳng.
Khả năng ngăn ngừa bệnh lao
Các dẫn xuất tổng hợp của hợp chất được tìm thấy trong cây cỏ ngọt đã được nghiên cứu xem nó có hoạt tính chống phân tử hay không. Kết quả, các hợp chất và các dẫn xuất tổng hợp của chúng ức chế sự phát triển của vi khuẩn lao mycobacterium tuberculosis.
Hỗ trợ giảm cân
Một trong những ưu điểm tuyệt vời của cỏ ngọt chính là hàm lượng calo gần như bằng 0. Điều này đồng nghĩa với việc bạn có thể thoải mái thưởng thức vị ngọt của nó mà không cần lo lắng về việc tăng cân.
Đối với những người đang trong quá trình giảm cân hoặc muốn duy trì một vóc dáng khỏe mạnh, cỏ ngọt thực sự là một lựa chọn hoàn hảo thay thế cho đường và các chất tạo ngọt nhân tạo khác.
Bạn không còn phải từ bỏ những món ăn, thức uống yêu thích chỉ vì sợ hấp thụ quá nhiều calo. Với cỏ ngọt, bạn có thể tự tin tận hưởng vị ngọt mà không phải đắn đo về ảnh hưởng đến cân nặng của mình.
Tốt cho sức khỏe tim mạch
Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng cỏ ngọt có khả năng hỗ trợ giảm huyết áp và cholesterol, hai yếu tố nguy cơ chính gây ra bệnh tim mạch. Điều này có được là do cỏ ngọt không chứa calo hay chất béo, đồng thời có thể có tác động tích cực đến việc điều hòa huyết áp.
Bằng cách thay thế đường bằng cỏ ngọt trong chế độ ăn uống hàng ngày, bạn không chỉ kiểm soát được lượng đường nạp vào cơ thể mà còn có thể giảm thiểu nguy cơ mắc các bệnh tim mạch nguy hiểm như đột quỵ, đau tim và các biến chứng khác.
Bảo vệ răng miệng
Một ưu điểm vượt trội của cỏ ngọt so với đường thông thường là khả năng bảo vệ sức khỏe răng miệng. Không giống như đường, cỏ ngọt không cung cấp thức ăn cho vi khuẩn gây sâu răng, vì vậy nó không góp phần vào quá trình hình thành các mảng bám và axit phá hủy men răng.
Thậm chí, một số nghiên cứu còn chỉ ra rằng các thành phần trong cỏ ngọt có thể ức chế sự phát triển của vi khuẩn streptococcus mutans, một trong những nguyên nhân chính gây sâu răng. Nhờ đó, việc sử dụng cỏ ngọt thay thế đường không chỉ giúp bạn kiểm soát lượng đường nạp vào cơ thể mà còn góp phần duy trì một hàm răng chắc khỏe và nụ cười rạng rỡ.
Cảnh giác với tác dụng phụ từ cỏ ngọt
Một số biểu hiện có thể gặp: Một số người có thể cảm thấy các tác dụng phụ sau khi uống cỏ ngọt như đầy hơi, buồn nôn, chóng mặt, tê và đau cơ.
Dị ứng: Cỏ ngọt có thể gây ra phản ứng dị ứng cho những người nhạy cảm với cỏ phấn hương, hoa cúc, cúc vạn thọ và cúc tần.
Hạ đường huyết và hạ huyết áp: Liều lượng cao của lá cỏ ngọt (ngoài mục đích làm ngọt) có thể có tác dụng phụ hạ đường huyết. Do đó, những trường hợp đang sử dụng thuốc điều trị tiểu đường cần thận trọng khi dùng.
Bên cạnh đó, liều lượng cao của lá cỏ ngọt còn có thể có tác dụng phụ hạ huyết áp khi dùng một lượng lớn. Chính vì vậy, cần thận trọng đối với những người đang dùng thuốc hạ huyết áp.
Minh Hoa (t/h)
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/loai-cay-cuc-ngot-nhung-lai-la-than-duoc-voi-nguoi-mac-tieu-duong-a183298.html