Đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng VCB khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng

(Chinhphu.vn) - Chiều 24/9, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung phiên họp.

Đầu tư vốn nhà nước tại Ngân hàng VCB khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng- Ảnh 1.

Việc đầu tư vón nhà nước tại giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực - Ảnh: VGP/LS

Giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực

Trình bày Tờ trình tại phiên họp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB là phù hợp với chủ trương được Quốc hội và Chính phủ phê duyệt tại Nghị quyết số 43/2022/QH15, Nghị quyết số 11/NQ-CP, phù hợp với Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; giúp cho VCB nâng cao năng lực tài chính để phấn đấu vươn ra khu vực nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực Châu Á; khẳng định vai trò sếu đầu đàn trong ngành tài chính ngân hàng theo định hướng của Đảng, Chính phủ.

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB nhằm đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định; giúp VCB có tiềm lực để thực thi các chính sách của Nhà nước và hỗ trợ nền kinh tế như chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ lãi suất và nghĩa vụ với NSNN. Bổ sung vốn nhà nước là điều kiện cần thiết để VCB có đủ nguồn lực hỗ trợ tái cơ cấu tổ chức tín dụng yếu kém được Chính phủ, NHNN giao, đảm bảo an toàn hệ thống, góp phần vào sự phát triển lành mạnh và ổn định của ngành ngân hàng, nền kinh tế.

Về hiệu quả kinh tế, xã hội, việc VCB mở rộng hoạt động tín dụng và các hoạt động kinh doanh khác đảm bảo duy trì và phát huy vai trò chủ lực của VCB trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong hỗ trợ nền kinh tế và doanh nghiệp như phát triển các lĩnh vực ưu tiên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; tạo nguồn lực hỗ trợ ngân hàng yếu kém, ổn định thị trường tiền tệ và góp phần ổn định nền kinh tế; tăng hiệu quả hoạt động và tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm.

Thẩm tra sơ bộ nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB với lý do như đã nêu trong Tờ trình số 421/TTr-CP và các tài liệu kèm theo nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. VCB là một trong các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ, có quy mô lớn, uy tín, tiên phong trong việc thực hiện các chính sách của Nhà nước và đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế- xã hội của đất nước.

Về mức vốn và nguồn đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB, Thường trực Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với đề xuất của Chính phủ, đồng thời, đề nghị báo cáo, làm rõ hơn số liệu lợi nhuận còn lại số lẻ của các năm 2016, 2017, 2018; việc sử dụng nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau trích lập các quỹ của các năm 2019, 2020 và dự kiến việc sử dụng nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế của các năm 2022, 2023.

Nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm an toàn, chuẩn mực quốc tế

Việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB sẽ giúp ngân hàng này nâng cao năng lực tài chính, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và hướng tới chuẩn mực quốc tế theo Hiệp ước Basel III vào năm 2026, mở rộng hoạt động tín dụng, tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội và tăng cường năng lực cạnh tranh, vươn tầm khu vực theo mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đồng thời, nâng cao khả năng nhận chuyển giao bắt buộc 01 ngân hàng thương mại yếu kém trong thời gian sắp tới.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, hồ sơ của Chính phủ đã bảo đảm yêu cầu quy định tại Điều 49 của Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội. Thường trực Ủy ban Kinh tế nhất trí với đề nghị của Chính phủ về việc đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, kiến nghị nội dung cụ thể đưa vào Nghị quyết chung của Kỳ họp để báo cáo Quốc hội quyết nghị, trong đó nêu rõ Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội về tính chính xác của số liệu và quy mô đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại VCB.

Cho ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn tán thành về sự cần thiết để đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng VCB nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu phát triển hoạt động, phát huy vai trò chủ lực, chủ đạo, quy mô, thị phần, khả năng điều tiết thị trường của ngân hàng.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, cần có đánh giá tác động kỹ lưỡng, thấu đáo đối với hiệu quả việc đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng VCB, trong đó cần lưu ý tác động tới các chính sách của ngân hàng, tới sự phát triển của ngành ngân hàng và hiệu quả kinh tế của vốn đầu tư. Việc đánh giá kỹ lưỡng hiệu quả kinh tế - xã hội sẽ góp phần tăng sức thuyết phục của đề xuất, đồng thời cần làm rõ sự phù hợp của nguồn lợi nhuận đề xuất với căn cứ là Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội cũng như Tờ trình của Chính phủ, làm rõ kế hoạch sử dụng vốn… Tán thành đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 8, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, báo cáo Quốc hội trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các cơ quan hữu quan.

Đề cập việc Bộ Chính trị đã có thông báo kết luận về Đề án cơ cấu lại hệ thống các ngân hàng, các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025; cho chủ trương xử lý 4 ngân hàng 0 đồng…, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc giữ vững hệ thống ngân hàng, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần theo dõi sát sao về huy động vốn, về vay để bảo đảm giảm tối đa nợ xấu. Ngân hàng thì có nợ xấu, nhưng nợ xấu trong tỷ lệ cho phép, không quá mức quy định của luật.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí sự cần thiết, mức vốn và phương án bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng VCB với các nội dung như trong Tờ trình của Chính phủ và các tài liệu kèm theo nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng, nghị quyết của Quốc hội nhằm nâng cao năng lực tài chính của ngân hàng, bảo đảm các tỷ lệ an toàn và hướng tới chuẩn mực quốc tế, mở rộng hoạt động tín dụng, tiếp tục phát huy vai trò chủ đạo trong thực hiện các chính sách của Nhà nước, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và từng bước vươn tầm khu vực theo mục tiêu đã đặt ra tại Chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng 2030.

Để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ bảo đảm có chất lượng và tăng tính thuyết phục khi báo cáo Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của cơ quan chủ trì thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ theo đúng thời hạn để tiếp tục xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội trong kỳ họp tới.

LS

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Cập nhật tính năng chuyển tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên VCB DigibankCập nhật tính năng chuyển tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 trên VCB Digibank
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Vietcombank ra mắt bộ giải pháp tài chính gia đình VCB FamilyVietcombank ra mắt bộ giải pháp tài chính gia đình VCB Family

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dau-tu-von-nha-nuoc-tai-ngan-hang-vcb-khang-dinh-vai-tro-seu-dau-dan-trong-nganh-tai-chinh-ngan-hang-a183376.html