Tham dự tọa đàm có các khách mời: Ông Phạm Thanh Học, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội; PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội; Bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội cựu Thanh niên xung phong Hà Nội; Nhà báo Phùng Huy Thịnh, Chủ tịch Hội Sinh viên chiến sĩ 6971;
về phía Thành đoàn Hà Nội có ông Nguyễn Tiến Hưng - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Phó Bí thư Thành đoàn Hà Nội;
Phát biểu khai mạc Chương trình, ông Nguyễn Mạnh Hưng, Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô cho biết: Mùa thu lịch sử cách đây 70 năm, nhân dân Hà Nội được sống trong không khí hào hùng, đón đoàn quân chiến thắng trở về, tiếp quản Thủ đô. Ngày 10/10/1954, Hà Nội được giải phóng, trở thành một mốc son chói lọi trong trang sử vẻ vang, đầy tự hào của thủ đô Hà Nội và cả nước. Ngày hôm nay, sau 70 năm, trong không khí mùa Thu Hà Nội, chúng ta cùng nhau ôn lại những ký ức hào hùng của Thủ đô năm xưa. Những câu chuyện, những hình ảnh về một Hà Nội xưa, về thế hệ cha anh kiên cường, bất khuất và vô cùng hào hoa chắc chắn sẽ để lại cho chúng ta nhiều cảm xúc; để từ đó, chúng ta thêm tự hào, thêm yêu Hà Nội, mảnh đất thiêng, lắng hồn núi sông ngàn năm.
Theo Tổng biên tập báo Tuổi trẻ Thủ đô, chương trình không chỉ là dịp để ôn lại truyền thống lịch sử mà còn là cơ hội để chúng ta nhìn lại chặng đường đã đi qua và hướng tới tương lai. “Hà Nội hôm nay đã đổi mới, phát triển mạnh mẽ, trở thành một đô thị hiện đại, văn minh. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, chúng ta vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước cần phải vượt qua. Để xứng đáng với truyền thống hào hùng của cha anh, chúng ta, thế hệ trẻ hôm nay, không ngừng học tập, rèn luyện, phấn đấu, góp phần xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh”.
Tại chương trình, các nhân chứng, những nhà nghiên cứu văn hóa... đã chia sẻ những câu chuyện, ký ức về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc.
Ông Phạm Thanh Học, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đánh giá, sự kiện giải phóng Thủ đô năm 1954 là sự kiện đặc biệt của Thủ đô và cả nước, được cả thế giới ngưỡng mộ. Sự kiện đã để lại cho chúng ta nhiều bài học có giá trị. Trong đó, việc tiếp quản Thủ đô tiêu biểu cho vai trò đi đầu của Thủ đô với cả nước. Với tinh thần khát vọng giữ nước, tinh thần “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, chúng ta đã làm nên một chiến thắng vĩ đại. Đây cũng là điểm kết thúc của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược của đất nước, dân tộc.
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh, Thủ đô Hà Nội đã trải qua nhiều khó khăn trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ trường kỳ. Nhưng, vượt lên đau thương, mất mát, Hà Nội vẫn vươn lên, khẳng định vai trò là trái tim của cả nước, trung tâm lớn về chính trị, văn hoá, kinh tế… Hà Nội của ngày hôm nay, sau 70 năm giải phóng, đã có được một quy mô, tầm vóc lớn... như bây giờ.
Bà Dương Thị Vịn, nguyên Phó Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong thành phố Hà Nội lại đem tới Chương trình những ký ức hào hùng của một thời hoa lửa. Ngày 9/8/1964, sau khi Thành đoàn Hà Nội phát động phong trào “Ba sẵn sàng” (Sẵn sàng chiến đấu; sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang; sẵn sàng đi bất cứ nơi đâu, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần), đông đảo thanh niên Hà Nội đã sục sôi lên đường nhập ngũ. Ai cũng mang theo khát vọng được cống hiến sức lực của mình để đánh bại đế quốc Mỹ, giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Khi đó mới 21 tuổi, là Bí thư Chi đoàn khối 49 (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) bà Vịn cùng lúc nhận được 2 tờ giấy lên đường đi thanh niên xung phong và đi học ở nước ngoài. Chính bố bà là người đã động viên bà vào chiến trường, vì theo bố của bà: “Học lúc nào cũng được, còn bây giờ đang là lúc Tổ quốc cần con”. Và với tinh thần ấy, bà Vịn cùng lớp lớp thanh niên đã lao mình vào lửa đạn, sống, cống hiến hết tuổi xuân của mình cho Tổ quốc.
Đó còn là câu chuyện, tiếng hát “át tiếng bom” của chàng thanh niên, nhà báo chiến trường Phùng Huy Thịnh ngày nào. Ngồi tại buổi tọa đàm của những ngày tháng 9 năm 2024 mà ông như được trở về với những tháng 9 của năm 1971, khi ông đang là sinh viên năm thứ 2 Đại học Tổng hợp đã xếp bút nghiên lên đường đi cứu nước. Ông đã chiến đấu trong Đại đội Trinh sát pháo binh thuộc Sư đoàn 325 bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Sự khốc liệt của chiến tranh, khi đế quốc Mỹ trút bom như mưa xuống Quảng Trị không bao giờ khiến những người lính bộ đội cụ Hồ run sợ. Mùa xuân năm 1975, nhà báo Huy Thịnh theo các đơn vị thuộc Quân đoàn 2 trong chiến dịch giải phóng Huế, Ðà Nẵng; rồi vinh dự được ngồi trên xe của Thượng tá Lê Khả Phiêu tiến vào giải phóng Sài Gòn.
Còn PGS.TS Phạm Quang Long, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lại khiến nhiều người xúc động khi kể gia đình mình có tới 3 bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đó là bà nội ông có hai con liệt sỹ, em dâu của bà có chồng và con liệt sỹ. Và là mẹ ông có chồng và 1 con trai liệt sỹ. Ông Long đã lớn lên, và thấm dần những sự khốc liệt, mất mát của chiến tranh, khi những người bạn học và cô giáo của ông đang mang thai 6 tháng bị chết vì bom Mỹ ném trúng. Nhưng, đau đớn nhất là khi gia đình ông nhận tin anh trai ông hy sinh, mẹ ông vì nhớ thương con mà từ đó chỉ sống bằng ký ức.
Tuy nhiên, càng mất mát, khó khăn, ông và các thế hệ thanh niên thời ông đều càng có thêm nghị lực để tiếp tục theo đuổi lý tưởng cách mạng, sống có ích, hết mình vì Tổ quốc thân yêu.
Đúng như Ban tổ chức mong muốn, những câu chuyện kể xúc động của các nhân chứng lịch sử... đã giúp thế hệ trẻ thêm biết ơn về sự hy sinh của lớp lớp cha anh trong quá khứ, trân trọng hơn giá trị của hòa bình, độc lập dân tộc. Chương trình cũng đã truyền cảm hứng, cổ vũ thế hệ hôm nay nỗ lực hơn nữa để “tiếp nối truyền thống”, góp sức xây dựng Thủ đô và đất nước văn minh, giàu đẹp, “tiến bước tương lai”.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhung-nguoi-truyen-lua-tai-toa-dam-tiep-noi-truyen-thong-vung-buoc-tuong-lai-a183586.html