Nhiều vụ việc bế tắc vì vướng “quyền nhân thân“?

(PNTĐ) - Tháng 3/2024, Báo Phụ nữ Thủ đô có bài viết “Bế tắc khi xác định cha cho con ngoài giá thú” phản ánh vụ việc bà N.Nh ở Hải Dương được sự ủy quyền của con gái gửi đơn kêu cứu giúp cháu ngoại tìm cha. Đến nay, sau 4 tháng, dù gia đình bà Nh đã gửi đơn ra tòa nhưng vụ việc vẫn chưa có tiến triển do bị đơn không hợp tác làm giám định ADN theo yêu cầu của Tòa án để xác định quan hệ huyết thống cha con.

Nhiều vụ việc bế tắc vì vướng “quyền nhân thân“? - ảnh 1
Nhiều vụ việc xác định cha cho con rơi vào bế tắc vì nguyên đơn không thể đưa ra bằng chứng về quan hệ huyết thống. 
Ảnh minh họa)

Bên yêu cầu, bên từ chối
Vụ việc có thể tóm tắt lại như sau: Theo đơn của bà Nh, con gái bà là N.M có quan hệ tình cảm với anh N hiện đang cư trú tại Hà Nội. Hai người đã có quan hệ tình dục với nhau dẫn tới chị M có thai. Theo bà, khi chị M báo tin có bầu, anh N đã đề nghị chị bỏ thai. Tuy nhiên, chị M vẫn quyết định giữ thai và sinh con trai là cháu N.B vào năm 2021.

Bà Nh phản ánh, anh N khi quan hệ với con gái bà đã có một vợ, hai con. Bà và con gái hoàn toàn không có ý định yêu cầu anh N ly hôn. Điều bà cần là anh N sẽ nhận là cha của cháu ngoại bà để cháu bà không bị mang tiếng là “con không có bố” (hiện nay, cháu ngoại bà đang lấy họ mẹ). 

Cuối tháng 10/2023, phía cơ quan cấp trên nơi anh N làm việc đã có văn bản yêu cầu anh N giám định ADN để xác định quan hệ huyết thống cha, mẹ, con giữa anh N, chị M với cháu B. Sau đó, hai mẹ con chị M đã bay từ miền Nam (hai mẹ con chị đang sinh sống, làm việc tại miền Nam) ra Hà Nội để thực hiện giám định ADN theo yêu cầu. Song, anh N lại không chấp hành. Vì vậy mà sự việc có nguy cơ rơi vào bế tắc. Mới đây, bà Nh đã gửi đơn tới tòa án với mong muốn bảo vệ quyền lợi cho cháu ngoại. Sau khi tiếp nhận đơn, Tòa án đã triệu tập hai bên giám định ADN. Tuy nhiên, một lần nữa chỉ có chị M chấp hành, còn bị đơn vẫn không có mặt. 

Tương tự một vụ việc khác được Viện Kiểm sát nhân dân tối cao viện dẫn, cho thấy đương sự trong vụ án hành chính là người đang nắm giữ đối tượng giám định nhưng cố tình không cung cấp đối tượng giám định, dẫn đến Tòa án không thể tiến hành thu thập căn cứ là kết luận giám định nên không có chứng cứ làm cơ sở giải quyết vụ án.

Cụ thể, ông A khởi kiện vụ án hành chính liên quan đến việc yêu cầu hỗ trợ, bồi thường tiền khi nhà nước thu hồi đất của ông A. Trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án, ông A chết. Tòa án đưa những người thừa kế của ông A vào tiếp tục tham gia tố tụng trong vụ án. Ông B cho rằng ông là con riêng của ông A nên cũng có quyền tham gia tố tụng trong vụ án và được quyền hưởng di sản thừa kế của ông A là số tiền nhà nước hỗ trợ, bồi thường khi thu hồi đất của ông A. Để chứng minh mình là con của ông A, ông B yêu cầu Tòa án tiến hành cho giám định ADN của ông B và ông D (ông D là con ông A). Tòa án yêu cầu ông D cung cấp mẫu xét nghiệm (mẫu tóc, mẫu máu...) để tiến hành giám định ADN với ông B nhưng ông D từ chối không cung cấp mẫu xét nghiệm ADN cho Tòa án.
Kiến nghị có điều chỉnh trong trường hợp đặc biệt
Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, hành vi từ chối cung cấp mẫu giám định ADN cho Tòa án của ông D có thể được xem là hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ của Tòa án. Nếu không cưỡng chế ông D thì không thể tiến hành giám định được dẫn đến không có chứng cứ để Tòa án làm căn cứ giải quyết vụ án, còn tiến hành cưỡng chế ông D thì có thể làm ảnh hưởng đến quyền nhân thân của cá nhân ông D.

Lúc này phát sinh mâu thuẫn, xung đột giữa quyền dân sự của cá nhân được quy định trong Bộ luật Dân sự năm 2015, đó là cá nhân có quyền sống, quyền bất khả xâm phạm về tính mạng, thân thể, quyền được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, không ai bị tước đoạt tính mạng trái luật và nghĩa vụ cung cấp chứng cứ được quy định trong Luật Tố tụng hành chính năm 2015, đó là đương sự có nghĩa vụ chủ động giao nộp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án.

Trên thực tiễn từ trước tới nay, Tòa án có thể thực hiện được việc cưỡng chế để thu thập chứng cứ trong việc đo đạc, định giá, xem xét thẩm định tại chỗ (vì có cơ sở pháp lý để Tòa án thực hiện). Còn việc cưỡng chế con người để tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ADN trong vụ án hành chính thì chưa được thực hiện, mà Tòa án muốn thực hiện cũng không biết cưỡng chế như thế nào vì luật chưa quy định.

Vì vậy, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đề xuất khi có xung đột giữa hưởng quyền dân sự của đương sự theo Bộ luật Dân sự năm 2015 và nghĩa vụ của đương sự trong việc cung cấp tài liệu, chứng cứ theo Luật Tố tụng hành chính năm 2015 thì luật phải có quy định ưu tiên buộc đương sự phải thực hiện nghĩa vụ theo quy định của Luật Tố tụng hành chính vì mục đích là để Tòa án có căn cứ làm sáng tỏ sự việc, giải quyết vụ án hành chính được chính xác, khách quan.

Với vụ việc của tìm cha cho cháu ngoại của bà Nh, dưới góc độ pháp lý thì đây là quan hệ nhân thân, là một trong những vấn đề thuộc lĩnh vực dân sự. Hiện nay pháp luật không có quy định cụ thể về thủ tục cưỡng chế để xét nghiệm ADN nên việc xác định ADN của một người tương đối khó khăn nếu người đó không tự nguyện thực hiện do người đó có quyền nhân thân theo quy định của pháp luật. 

Bà Nh cho rằng, con gái và cháu ngoại bà là đối tượng phụ nữ, trẻ em cần được bảo vệ. Tuy nhiên bà băn khoăn khi quyền nhân thân, mặc dù được coi là một nguyên tắc quan trọng trong pháp luật nhưng lại đang gây khó khăn cho việc thực hiện quyền trẻ em. Cụ thể, với vụ việc của bà, quyền nhân thân đang được viện dẫn để bảo vệ quyền từ chối giám định ADN, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền của trẻ em được xác định cha mẹ. Trong khi đó, Tòa án không cưỡng chế giám định ADN. Điều này có thể khiến vụ án kéo dài và quyền trẻ em không được bảo vệ đầy đủ. Do đó, bà Nh mong muốn sẽ có quy định Tòa án có thể xem xét lại việc áp dụng quyền nhân thân trong các trường hợp cụ thể, đặc biệt, như xác định cha cho trẻ em.

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nhieu-vu-viec-be-tac-vi-vuong-quyen-nhan-than-a183601.html