Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, giảm tỉ lệ tai biến sản khoa

Các hoạt động chủ yếu trong Tuần lễ làm mẹ an toàn bao gồm truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh...

Giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh

Làm mẹ an toàn là một trong các nội dung quan trọng của công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em.

Mục tiêu của làm mẹ an toàn là nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh, nhằm giảm tỉ lệ tai biến sản khoa, giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh.

Các nội dung giáo dục sức khỏe về làm mẹ an toàn đã được Tổ chức Y tế thế giới và nhiều nước quan tâm, trở thành nội dung quan trọng của Chiến lược chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em trên toàn cầu.

Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2024 nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, đồng thời vận động các cấp chính quyền đoàn thể từ Trung ương đến địa phương quan tâm, chỉ đạo thực hiện các hoạt động chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ và trẻ em, Bộ Y tế đã có hướng dẫn các địa phương và các đơn vị liên quan triển khai Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2024 trên phạm vi toàn quốc.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, giảm tỉ lệ tai biến sản khoa- Ảnh 1.

Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2024 nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Cụ thể, Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm 2024 được tổ chức từ ngày 1/10 đến ngày 7/10/2024 với chủ đề: "Khám thai, sinh đẻ tại cơ sở y tế để an toàn cho mẹ, mạnh khỏe cho con".

Các hoạt động chủ yếu trong Tuần lễ làm mẹ an toàn bao gồm truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ kết hợp cung cấp dịch vụ hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Thông qua đó, thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách với công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em tại địa phương.

Bộ Y đề nghị Sở Y tế các tinh, thành phố xây dựng kế hoạch, chi đạo tổ chức thực hiện và giám sát các hoạt động của Tuần lễ làm mẹ an toàn năm 2024 phù hợp với tỉnh hình, đặc điểm của từng địa phương.

Kết thúc Tuần lễ làm mẹ an toàn, đề nghị Sở Y tế các tinh/ thành phố trực thuộc trung ương, các Đơn vị liên quan tiến hành tổng kết và gửi báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế (qua Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em).

Mục tiêu của Tuần lễ Làm mẹ an toàn năm nay là tăng cường khả năng tiếp cận của đồng bào dân tộc thiểu số đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho bà mẹ, trẻ em.

Qua đó, góp phần giảm sự khác biệt về các chỉ tiêu sức khỏe, dinh dưỡng, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, hướng tới đạt được các mục tiêu phát triển bền vững vào năm 2030.

Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn, tập trung vào nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ ở các vùng khó khăn.

Thu hút sự quan tâm của các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách, người cung cấp dịch vụ và sự quan tâm của cộng đồng nhằm tăng cường sự tham gia của họ vào các hoạt động truyền thông và cung cấp dịch vụ về làm mẹ an toàn.

Tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ về làm mẹ an toàn (chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ và trẻ sơ sinh), đặc biệt là cho những người dễ tổn thương, người có hành vi nguy cơ cao, người dân sống ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong "Tuần lễ Làm mẹ an toàn": Mỗi trạm y tế xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tổ chức được ít nhất một hoạt động truyền thông về làm mẹ an toàn;

Cung cấp thông tin về làm mẹ an toàn cho: 100% phụ nữ mang thai và phụ nữ sau sinh có mặt tại địa phương; Ít nhất 30% số phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của xã; Ít nhất 30% số gia đình, đặc biệt là người chồng của phụ nữ mang thai và sau sinh đang làm ăn, sinh sống tại xã.

Tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi giảm khá chậm

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, kết thúc giai đoạn 2016-2020, tỉ số tử vong mẹ trên toàn quốc đã tiếp tục giảm từ 58,3/100.000 xuống 45/100.000 trẻ đẻ sống. Phần lớn các chỉ số về chăm sóc trước, trong và sau sinh vẫn duy trì ở mức cao. Trên 80% số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén.

Tỉ lệ đẻ tại cơ sở y tế đạt mức bao phủ phổ cập và có đến 96% cuộc đẻ có nhân viên y tế đã được đào tạo đỡ. Các hoạt động chăm sóc trong tuần đầu sau sinh cũng bao phủ được hơn 75% số bà mẹ và trẻ sơ sinh.

Tuy nhiên, các chỉ số nêu trên vẫn còn sự khác biệt tương đối rõ rệt giữa các vùng miền với tỷ lệ thấp nhất là khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Nhìn chung, tốc độ cải thiện các chỉ số sức khỏe bà mẹ, trẻ em có xu hướng chậm lại so với những giai đoạn trước và sự khác biệt giữa các vùng/miền, các nhóm đối tượng chưa được thu hẹp một cách đáng kể.

Chăm sóc sức khỏe bà mẹ trước, trong và sau sinh vẫn luôn duy trì ở mức cao trên bình diện toàn quốc.

Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe, giảm tỉ lệ tai biến sản khoa- Ảnh 2.

Tuần lễ làm mẹ an toàn bao gồm truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong cộng đồng về chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Số liệu 9 tháng đầu năm 2024 cho thấy trên 87.67% số phụ nữ đẻ được khám thai ít nhất 4 lần trong 3 thời kỳ thai nghén; gần 96% cuộc đẻ có cán bộ y tế có kỹ năng đỡ. Tỉ lệ chăm sóc sau sinh trong tuần đầu duy trì ở mức trên 72%.

Theo con số ước tính mới nhất của Liên hiệp quốc, tỉ suất tử vong sơ sinh ở Việt Nam năm 2021 là 9,96‰, thấp hơn số ước tính cho các nước khu vực Đông Nam Á (12‰).

Tuy nhiên tốc độ giảm khá chậm so với năm 2015 (11,73‰) và với tỉ suất tử vong hiện tại, mỗi năm Việt Nam vẫn có tới khoảng 15.000 trẻ tử vong trong vòng 28 ngày đầu đời.

Nguyên nhân tử vong chính ở trẻ sơ sinh ở nước ta, cũng giống như ở các nước đang phát triển khác, chủ yếu vẫn là ngạt, đẻ non, nhẹ cân, hạ thân nhiệt, hạ đường huyết, dị tật và nhiễm khuẩn.

Cứu sống thành công thai phụ bị thoát vị hoành bẩm sinh hiếm gặp

Theo WHO, phần lớn tử vong ở trẻ sơ sinh do các nguyên nhân trên đều có thể phòng tránh được nếu như các can thiệp cứu sống trẻ sơ sinh được áp dụng có hiệu quả ở cả cộng đồng và cơ sở y tế.

Tử vong trẻ dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi đã giảm tương ứng từ 22,1‰ và 14,7‰ (2015) xuống 18,2‰ và 11,6‰ năm 2023. Tuy nhiên, với tốc độ giảm khá chậm trong 5 năm gần đây, chúng ta đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp tích cực, hiệu quả.

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/nang-cao-chat-luong-cham-soc-suc-khoe-giam-ti-le-tai-bien-san-khoa-a184032.html