Trong khuôn khổ Sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 (Techconnect & Innovation Vietnam 2024), ngày 30/9, Bộ KH&CN phối hợp UBND TP. Hà Nội tổ chức Diễn đàn "Chính sách quản lý công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội".
Thứ trưởng Bộ KH&CN Hoàng Minh cho biết, diễn đàn nhằm tạo ra một không gian đối thoại, thảo luận sâu rộng giữa các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo.
Đây là cơ hội để các đại biểu cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm, ý tưởng và tầm nhìn về các chính sách và chương trình hỗ trợ, thúc đẩy ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Theo Thứ trưởng Hoàng Minh, trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, công nghệ và đổi mới sáng tạo đã và đang trở thành động lực quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia.
Với Việt Nam, việc đẩy mạnh ứng dụng, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo không chỉ là một yêu cầu tất yếu mà còn là một nhiệm vụ chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đáp ứng yêu cầu của hội nhập sâu rộng.
Hiện nay, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách KHCN thúc đẩy phát triển và ứng dụng công nghệ xanh, giảm phát thải khí nhà kính hướng tới Net Zero bao gồm việc hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ tiên tiến, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân và cộng đồng cùng tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng bền vững và giảm thiểu tác động biến đổi khí hậu...
Thứ trưởng Hoàng Minh mong muốn các nhà khoa học, viện nghiên cứu, trường đại học kết nối với doanh nghiệp, cùng nhau tìm ra những giải pháp công nghệ thiết thực, góp phần giải quyết những thách thức trong quá trình sản xuất và kinh doanh và hướng tới Net Zero tại Việt Nam.
Chia sẻ về chính sách pháp luật hiện hành liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Linh (Vụ trưởng Vụ Đánh giá, Thẩm định và Giám định công nghệ, Bộ KH&CN) cho biết, thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã chú trọng đến công tác chuyển giao công nghệ và có những quyết nghị kịp thời đối với nội dung này.
Có thể kể đến Luật Chuyển giao công nghệ đã được ban hành và có hiệu lực từ năm 2017. Cùng với đó, nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan cũng đã được ban hành.
Đề xuất một số chính sách liên quan đến hoạt động chuyển giao công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Linh kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp để khắc phục tồn tại chính sách ưu đãi thuế thu nhập đối với hoạt động chuyển giao công nghệ trong 10 năm qua khi chính sách chưa thực sự đi vào cuộc sống.
Bên cạnh đó, tiếp tục hoàn thiện quy định ưu đãi đối với hoạt động chuyển giao công nghệ trong pháp luật hướng dẫn Luật Đất đai để đồng bộ với quy định về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư (dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao) và hình thức ưu đãi đầu tư về đất đai của Luật Đầu tư; đề nghị xem xét bổ sung quy định miễn, giảm tiền thuê đất theo quy định tại khoản 2 Điều 157 Luật Đất đai, trong đó có chính sách ưu đãi cho các dự án đầu tư có chuyển giao công nghệ khuyến khích chuyển giao.
Đối với hoạt động thẩm định công nghệ dự án đầu tư được quy định tại Luật Chuyển giao công nghệ, ông Nguyễn Hoàng Linh đề xuất cần bổ sung quy định về việc thẩm định công nghệ đối với dự án chỉ thuộc diện cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư. Đây có thể là "lỗ hổng" trong chính sách quản lý nhà nước về công nghệ trong thời gian qua…
Về hoạt động xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên theo quy định pháp luật về đầu tư, ông Nguyễn Hoàng Linh cho rằng, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định của Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư để khắc phục tình trạng còn có nhiều cách hiểu khác nhau hiện nay, dẫn đến vướng mắc trong việc xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.
Tại Diễn đàn, các ý kiến đã tập trung thảo luận về các chính sách quản lý công nghệ hiện tại, những khó khăn, đề xuất của doanh nghiệp trong tiếp cận, ứng dụng và phát triển công nghệ trên thực tế; cơ chế, chính sách về thẩm định và chuyển giao công nghệ theo pháp luật hiện hành và định hướng cải thiện khung pháp lý về hoạt động này.
Từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững, giúp các doanh nghiệp tiếp cận với các giải pháp công nghệ tiên tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động và gia tăng giá trị sản phẩm.
Techconnect & Innovation Vietnam 2024 là sự kiện quan trọng chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ KH&CN (1959-2024) và 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024), do Bộ KH&CN, UBND TP. Hà Nội đồng tổ chức.
Techconnect & Innovation Vietnam 2024 thu hút 2.500 đến 3.000 người tham dự trực tiếp và 7.000 đến 10.000 người tham dự trực tuyến, cùng 200 gian hàng cùng nhiều hoạt động tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội.
Đây là dịp để các tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế trình diễn, giới thiệu các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến được ứng dụng, chuyển giao, làm chủ. Đồng thời là diễn đàn để trao đổi thảo luận về việc hoàn thiện, thực thi hiệu quả các giải pháp, chính sách mới trong việc kết nối cung - cầu công nghệ, từ đó thúc đẩy ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và đổi mới sáng tạo, phát triển thị trường KHCN.
Hoàng Giang - Lê Ngọc
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/giup-cac-doanh-nghiep-tiep-can-voi-cac-giai-phap-cong-nghe-tien-tien-a184216.html