Cổ kính Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh

Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân) trải qua hơn nửa thiên niên kỷ vẫn lưu giữ gần như nguyên sơ những cảnh sắc và giá trị văn hóa lịch sử to lớn.

Bước qua cây cầu Bạch dẫn vào Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thọ Xuân, Thanh Hóa) – nơi có lịch sử hàng trăm năm – chúng ta như lạc vào quá khứ, đắm mình trong lịch sử hào hùng đã qua gần 600 năm của triều đại Hậu Lê.

Trong khuôn viên của Khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh hiện còn lưu giữ hệ thống lăng tẩm và các công trình cung đình cổ kính đậm nét kiến trúc Lê Sơ, kết hợp cùng phong cảnh thiên nhiên hoang sơ hòa quyện đầy vẻ huyền bí, linh thiêng.

Cổ kính Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh- Ảnh 1.

Du khách tại lối vào Ngọ Môn Khu di tích Lam Kinh.

Theo Ban quản lý khu di tích, Khu di tích lịch sử Lam Kinh được xây dựng vào năm 1433, sau khi vua Lê Thái Tổ băng hà. Khu đất rộng hơn 160ha này được các bậc tiền nhân lựa chọn dựa trên các quy chuẩn về phong thủy, được xây dựng theo thế 'tọa sơn hướng thủy'. Khu di tích Lam Kinh được núi Dấu, sông Chu, núi Chúa, rừng Phú Lâm và núi Hương, núi Hàm Rồng ôm trọn bốn bề. Với nét đẹp kiến trúc cung đình gần như vẫn còn nguyên vẹn cùng những câu chuyện tâm linh huyễn hoặc, Khu di tích lịch sử Lam Kinh lưu giữ được những giá trị lịch sử to lớn và trở thành điểm du lịch tâm linh nổi bật tại xứ Thanh.

Cổ kính Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh- Ảnh 2.

Khung ảnh bình dị, cổ xưa ở Khu di tích.

Theo chị Hoàng Thị Hiền, hướng dẫn viên của khu di tích, trải qua bao thăng trầm và biến động của dòng thời gian, không gian tại di tích lịch sử Lam Kinh vẫn toát lên vẻ đẹp uy quyền của một triều đại phong kiến thịnh trị. 

Di tích được xây theo hình chữ Vương, dài 314m, rộng 254m, tường thành hình cánh cung dày 1m ôm trọn các công trình trong thành. Phía ngoài được bao bọc bởi sông Ngọc - cầu Bạch uốn lượn vắt ngang đường chính dẫn vào Khu di tích Lam Kinh.

Bước qua cầu Bạch tới Ngọ Môn. Đây là công trình có quy mô bề thế với 3 gian, gian giữa rộng 4,6m và hai gian hông rộng chừng 3,5m cùng hai tượng nghê đá với niên đại hàng trăm năm đứng canh giữ, bảo vệ sự bình yên của ngôi đền. Tiếp phía sau là sân Rồng rộng hơn 3.500m2 với 3 lối đi dẫn vào chính điện. Đây cũng là địa điểm diễn ra các nghi thức tế lễ vào các dịp lớn trong năm. 

Trung tâm các kiến trúc phía ngoài là Chính điện. Đây là công trình được xây theo hình chữ Công với ba tòa nhà lớn được làm hoàn toàn từ gỗ và các hàng trụ khổng lồ chống đỡ. Công trình mang đậm vẻ đẹp kiến trúc nổi bật nhất của thời Lê Sơ lúc bấy giờ. 

Cổ kính Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh- Ảnh 3.

Chi tiết chạm khắc tại Chính điện Lam Kinh.

Ngay sau Chính điện là 9 tòa Thái miếu được bài trí trang nghiêm, linh thiêng với dáng hình cánh cung ôm lấy chính điện. Đây là nơi thờ các vua và thái hậu triều Hậu Lê, chủ yếu thời Lê Sơ với khung cảnh quanh năm nghi ngút khói hương, uy nghi và linh thiêng. 

Tuy nhiên, một trong những địa điểm linh thiêng, được nhiều du khách viếng thăm tại khu di tích Lam Kinh là hệ thống các lăng mộ các hoàng đế Hậu Lê. Trong đó, nổi bật nhất, giữ vai trò trung tâm là Vĩnh Lăng, nơi an nghỉ của Đức Thái tổ Cao Hoàng đế Lê Lợi. 

"Vĩnh Lăng được xây ở phía Tây Nam với địa thế lưng tựa núi, hai bên là núi cao bao bọc tạo thành thế 'hổ phục rồng chầu'. Lăng mộ vua Lê Thái Tổ được xây dựng bằng gạch vồn xếp khít mạch và không trát với kích thước các cạnh là 4,43m x 4,46m, cao 1,15m. Phía mặt trên lăng để cỏ mọc tự nhiên và hoàn toàn khác biệt với sự cầu kỳ, tốn kém của nhiều vị vua khác trong lịch sử phong kiến. Tuy vậy, công trình vẫn toát lên được vẻ tôn nghiêm, trang trọng của bậc đế vương", Chị Hiền cho biết.

Cổ kính Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh- Ảnh 4.

Lăng mộ vua Lê Thái Tổ.

Ngoài ra, tại Khu di tích Lam Kinh còn lưu trữ nhiều di vật lịch sử quý giá, như bia Vĩnh Lăng - Lam Sơn Vĩnh Lăng Bi, bia Hoàng thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao - Khôn Nguyên Chí Đức Chi Lăng, bia vua Lê Thánh Tông - Đại Việt Lam Sơn Chiêu Lăng Bia và bia vua Lê Hiến Tông - Đại Việt Lam Sơn Dụ Lăng Bi...

Bên cạnh đó, trong khuôn viên khu di tích là quần thể nhiều loại thực vật có tuổi đời hàng trăm năm, trường tồn cùng lịch sử khu linh địa của triều Hậu Lê. Trong đó, có những câu chuyện huyền bí, ngẫu nhiên trùng hợp khó lý giải như chuyện cây đa thị, cây ổi cười hay cây lim hiến thân...

"Năm 2010, khi chính quyền địa phương chuẩn bị tiến hành công tác sửa sang, tôn tạo lại tòa chính điện, bỗng nhiên một cây Lim trong quần thể cây cổ thụ ở khu di tích, với tuổi đời hơn 600 năm đang xanh tốt, khỏe mạnh bất ngờ trút hết lá rồi khô cành. Đến khoảng nửa năm sau, khi cây chết cũng là lúc thiết kế thi công vừa hoàn thành.

Cổ kính Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh- Ảnh 5.

Vị trí "cây Lim hiến thân" tại khu di tích.

Với cảm nhận lâu năm tại khu đất này, một số người phụ trách ở khu di tích đã cho ướm thử đường kính của thân cây Lim với chân đế bằng đá, nguyên bản của tòa chính điện đang chuẩn bị được tu sửa cho kết quả vừa khít, với đường kính 80cm. Đồng thời, phần ngọn cây vừa với chân tảng cột quân, hai nhánh cây đủ làm một cột con và một thượng lương. Đủ hết một bộ cột Cái trong chính điện", chị Hiền cho biết khi tới khu vực nơi cây Lim hiến thân.

Với những giá trị lịch sử to lớn, những năm qua, khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh được quan tâm đầu tư từ các cấp chính quyền cũng như du khách.  

Theo Ban quản lý di tích, năm 2024 là dịp kỷ niệm 606 năm Khởi nghĩa Lam Sơn, 596 năm Vua Lê Thái Tổ đăng quang, 591 năm ngày mất của Anh hùng dân tộc Lê Lợi. Tuy nhiên, thực hiện việc ưu tiên nguồn lực tập trung cho công tác khắc phục hậu quả sau bão, lũ, tỉnh Thanh Hóa sẽ dừng tổ chức một số nội dung của Lễ hội Lam Kinh năm 2024. Mặc dù vậy, lượng du khách về dâng lễ trong dịp này vẫn tăng cao.

Cổ kính Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh- Ảnh 6.

Ngày càng có nhiều du khách tìm về khu Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh.

Theo đó, dịp Lễ tức 2 ngày 21-22/8 âm lịch vừa qua, khi di tích đón hơn 2.000 lượt khách. Tính chung 9 tháng đầu năm 2024, di tích đón và phục vụ 207.748 lượt khách (trong đó có 2.110 lượt khách quốc tế). Kết quả này gấp hơn 3 lần số lượng du khách cả năm 2021, cho thấy dấu hiệu tốt sự phục hồi và tăng trưởng tốt trong những năm vừa qua. 

Thực hiện công tác bảo tồn và thu hút du khách, thời gian qua, Ban quản lý tích cực thực hiện tuyên truyền quảng bá hình ảnh Khu di tích Quốc gia Đặc biệt Lam Kinh, áp dụng khoa học công nghệ trong hoạt động tuyên truyền. Đồng thời, thường xuyên thực hiện các hoạt động tu bổ nhằm bảo tồn giá trị lịch sử của khu di tích.

"Với sự quan tâm của các cấp chính quyền, Khu di tích đang được đầu tư thực hiện một số dự án tu bổ, phục hồi tôn tạo như duy tu, bảo dưỡng thường xuyên các công trình bằng gỗ tại các đền thờ: Lê Lai, Lê Lợi, 5 Toà Thái Miếu và tích cực chỉnh lý, phục chế hiện vật, sưu tầm, bảo quản hiện vật theo kế hoạch...

Bên cạnh đó, công tác phục vụ du khách được chú trọng quan tâm với việc hướng dẫn khách tận tình chu đáo, vệ sinh môi trường cảnh quan sạch sẽ,... Ngoài ra, Ban quan lý thực hiện nghiêm túc các hoạt động quản lý bền vững rừng Lam Kinh, giúp lưu giữ nguyên sơ nhất những giá trị lịch sử to lớn tại Khu di tích lịch sử Lam Kinh", lãnh đạo Ban quản lý khu di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh cho biết. 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/co-kinh-di-tich-quoc-gia-dac-biet-lam-kinh-a184294.html