Tình hình doanh nghiệp lạc quan hơn, niềm tin được củng cố, tăng cường

(Chinhphu.vn) - Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết thông tin trên tại buổi gặp mặt đại diện doanh nghiệp nhân ngày Doanh nhân Việt Nam do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì, diễn ra sáng 4/10.

Tình hình doanh nghiệp lạc quan hơn, niềm tin được củng cố, tăng cường- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Tỉ lệ doanh nghiệp được đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Theo Bộ trưởng, cả nước hiện có hơn 930.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14.400 hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường.

Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.

Trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng. Những kết quả đáng khích lệ này có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.

Theo khảo sát nhanh gần đây, tình hình doanh nghiệp đã lạc quan hơn nhiều, thể hiện niềm tin đã được củng cố, tăng cường. Tỉ lệ doanh nghiệp được đánh giá tích cực về kinh tế vĩ mô trong 12 tháng tới cao gấp 5 lần so với kỳ khảo sát trước.

Tình hình doanh nghiệp lạc quan hơn, niềm tin được củng cố, tăng cường- Ảnh 2.

Buổi gặp mặt do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Chưa khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển doanh nghiệp

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng nhìn nhận, sự phát triển của đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp vẫn còn hạn chế, tồn tại. Tiềm năng và dư địa phát triển vẫn chưa được khai thác hiệu quả.

Phân tích cụ thể, Bộ trưởng cho rằng phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, kỹ năng quản trị còn hạn chế; còn có tư duy kinh doanh "thời vụ", thiếu tầm nhìn chiến lược.

Số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.

Ngoài ra, một bộ phận doanh nhân có đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật.

Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự đáp ứng yêu cầu.

Tình hình doanh nghiệp lạc quan hơn, niềm tin được củng cố, tăng cường- Ảnh 3.

Đại diện các doanh nghiệp tham dự buổi gặp mặt - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Các doanh nghiệp lớn cần đi đầu, nêu gương trong việc khó, việc lớn

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, nước ta đang ở thời điểm rất quan trọng khi thế giới chứng kiến nhiều thay đổi lớn với sự ra đời của các ngành công nghiệp mới, thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn kéo theo sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư, sự điều chỉnh trong cấu trúc đầu tư thương mại. Điều này vừa đặt ra các nguy cơ, thách thức nhưng đồng thời cũng mang đến cho các quốc gia thời cơ, vận hội mới.

Bối cảnh mới đang đặt ra các yêu cầu mới cho định hướng phát triển của đất nước. Chúng ta không chỉ phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng mà phải là tăng trưởng xanh, bền vững, dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy được các động lực tăng trưởng mới đến từ kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số.

Từ đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT chia sẻ về một số định hướng và giải pháp để phát triển doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, đơn giản hoá các thủ tục hành chính; quan tâm, đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực chất, theo tinh thần Thủ tướng đã chỉ đạo: "đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải ra sản phẩm cụ thể".

Về phía các tổ chức hiệp hội doanh nghiệp, Bộ trưởng cho rằng cần chủ động nghiên cứu, đánh giá thách thức và thời cơ của ngành, lĩnh vực. Đồng thời chia sẻ, hướng dẫn, hỗ trợ tư vấn cho doanh nghiệp hội viên; đẩy mạnh liên kết doanh nghiệp, hỗ trợ kết nối đầu tư kinh doanh, giúp các doanh nghiệp vượt qua khó khăn, chủ động đón bắt cơ hội mới, xu thế mới.

Đặc biệt, đối với cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng đề nghị tiếp tục nỗ lực cùng Chính phủ thực hiện các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới, sáng tạo để phát triển kinh tế-xã hội.

Các doanh nghiệp lớn cần nêu gương đi đầu, tiên phong trong những việc lớn, việc khó, việc mới, giải quyết những bài toán ở tầm quốc gia để tạo lực cho phát triển kinh tế, tạo dư địa phát triển cho doanh nghiệp nhỏ và vừa ở những lĩnh vực khác.

Bên cạnh đó, các doanh nhân, doanh nghiệp cần chủ động đổi mới tư duy kinh doanh, nâng cao năng lực quản trị, năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh; tăng cường đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến.

Bộ trưởng cũng nhấn mạnh các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục phát huy tinh thần dân tộc, đoàn kết sức mạnh để cùng tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế. Nêu cao tinh thần hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam hướng tới giá trị, lợi ích chung từ nhiều phía; tăng cường trách nhiệm với cộng đồng, với xã hội, với quốc gia, dân tộc.

Anh Thơ


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tinh-hinh-doanh-nghiep-lac-quan-hon-niem-tin-duoc-cung-co-tang-cuong-a184618.html