Tái hiện nghệ thuật di sản
Đến với “Ngày hội Văn hóa vì hòa bình” diễn ra tại khu vực hồ Hoàn Kiếm sáng 6/10, du khách đã có cơ hội hòa mình vào nhiều lễ hội truyền thống của Thủ đô Hà Nội được tái hiện. Hoạt động này góp phần gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống của dân tộc, lan tỏa nét văn hóa độc đáo của mỗi địa phương trên địa bàn Thủ đô.
Hát múa Ải Lao phường Phúc Lợi (quận Long Biên, TP Hà Nội) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là loại hình văn hóa phi vật thể cổ được bảo tồn khá nguyên vẹn tại địa phương này cho đến ngày nay. Nét đặc sắc trong loại hình hát múa này là chỉ có một phường duy nhất và chỉ hát múa trong lễ hội mang ý nghĩa tâm linh, có giá trị lịch sử, văn hóa, ca ngợi anh hùng dân tộc và lòng yêu nước. Màn trình diễn múa Ải Lao - quận Long Biên đem đến cho người xem những cảm nhận vô cùng mới mẻ. Hát múa Ải Lao làng Hội Xá, phường Phúc Lợi, quận Long Biên gắn liền với hội Gióng làng Phù Đổng, huyện Gia Lâm.
Lễ hội Chử Đồng Tử ở làng Chử Xá, xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) mang giá trị văn hóa sâu sắc, là bức tranh về đời sống hết sức phong phú, sinh động của người Việt cổ vùng đồng bằng, trung du Bắc bộ.
Tại Lễ hội làng Chử Xá nhiều người biết đến điệu múa cổ truyền được lưu giữ từ nghìn đời nay: Lễ Chữ (Múa Chữ) Thiên - Hạ - Thái - Bình. Điệu múa Lễ Chữ có ý nghĩa để tạ ơn Đức Thánh Chử Đồng Tử, đồng thời, gửi gắm nguyện vọng của nhân dân, mong Đức Thánh phù hộ cho thiên hạ thái bình, ấm no, thịnh vượng và hạnh phúc. Đây được xem là một trong những điệu múa cổ còn lại, độc đáo của vùng đất Thăng Long.
Múa trống bồng được cho là một trong 20 điệu múa cổ của đất Thăng Long xưa còn tồn tại đến nay diễn ra tại Lễ hội làng Triều Khúc (Thanh Trì). Múa trống bồng làng Triều Khúc với hình ảnh ngộ nghĩnh, tinh nghịch của các chàng trai giả trang nữ, trong trang phục áo mớ ba mớ bảy, áo the đen, đầu chít khăn mỏ quạ với các động tác khoa rộng tay, nhấc chân cao, bước rộng, dáng hơi khệnh khạng, đặc biệt ánh mắt vẫn lúng liếng đong đưa. Đây là nét độc đáo của lễ hội truyền thống trên đất Thăng Long mà ít loại hình nghệ thuật nào trên đất nước ta có được.
Nổi tiếng xa gần với nghề nuôi rắn, nên khi nhắc đến làng Lệ Mật (Long Biên - Hà Nội) người ta thường gọi bằng một cái tên thân thuộc là “làng rắn”. Đặc sản là rắn thế nhưng Lệ Mật còn nức tiếng với một thứ đặc sản tinh thần đã được liệt vào hàng 1 trong 10 điệu múa cổ đất Thăng Long, đó là múa Giảo Long. Điệu múa Giảo Long của lễ hội làng Lệ Mật (quận Long Biên) tưởng nhớ tới công đức Thành hoàng làng - người đã có công diệt trừ Giảo Long cứu công chúa nhà Lý. Qua bao đời, điệu múa Giảo Long vẫn luôn thu hút và được người dân làng Lệ Mật cũng như du khách thập phương xa gần mong đợi vào mỗi dịp hội làng bởi vẫn luôn giữ được những nét tinh hoa và đẹp đẽ nhất của văn hóa làng xã, văn hóa truyền thống dân gian của làng quê Việt Nam.
Hội Gióng là lễ hội truyền thống hàng năm được tổ chức ở nhiều nơi thuộc vùng Hà Nội để tưởng niệm và ca ngợi chiến công của người anh hùng truyền thuyết Thánh Gióng, một trong tứ bất tử của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Có 2 hội Gióng tiêu biểu ở Hà Nội là hội Gióng Sóc Sơn ở đền Sóc xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn và hội Gióng Phù Đổng ở đền Phù Đổng, xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Giá trị nổi bật toàn cầu ở hội Gióng chính là một hiện tượng văn hóa được bảo lưu, trao truyền khá liên tục và toàn vẹn qua nhiều thế hệ. Hội Gióng Sóc Sơn diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/1 âm lịch. Lễ hội diễn ra tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội.
Hà Nội-Thành phố của các di sản
Thủ đô Hà Nội là “Thành phố di sản” với những trầm tích vô cùng phong phú, đa dạng, gồm 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt. Đặc biệt, Khu Di tích trung tâm Hoàng thành Thăng Long được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 2010. Các nhà khoa học khẳng định đây không chỉ là trung tâm quyền lực quan trọng nhất của Ðại Việt qua nhiều thế kỷ, mà còn khẳng định nền kiến trúc, mỹ thuật Việt Nam độc đáo, giàu bản sắc, có tính liên tục qua các thời kỳ.
Ông Christian Manhart - nguyên Trưởng đại diện UNESCO tại Việt Nam từng khẳng định, Hoàng thành Thăng Long minh chứng cho hơn 10 thế kỷ giao lưu và ảnh hưởng văn hóa khắp châu Á. Hiếm có di sản nào trên thế giới thể hiện tính liên tục lâu dài như Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long.
Ngoài Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội còn có Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, chùa Một Cột, đền Voi Phục, đền Bạch Mã, đền Quán Thánh, chùa Hương, làng cổ Đường Lâm…, được xem là những di sản nổi bật của Hà Nội không chỉ với kiến trúc độc đáo, bề dày lịch sử hàng trăm năm, thậm chí cả nghìn năm, mà những lễ hội tại di tích với nét nghệ thuật truyền thống còn mang đậm dấu ấn văn hóa Thăng Long.
Theo số liệu thống kê, Hà Nội có 1.206 lễ hội với các chủ đề, quy mô và hình thức khác nhau. Các lễ hội truyền thống mang dấu ấn văn hiến ngàn năm của Thủ đô, thể hiện rõ nét tinh thần, đặc trưng nguồn gốc văn hóa, lịch sử cũng như những khát vọng của người Việt và của người Thăng Long xưa. Trong những lễ hội lớn ở Hà Nội phải kể đến như: hội chùa Hương, hội gò Đống Đa, hội Gióng, hội Phù Đổng, hội chùa Thầy, hội đền Hai Bà Trưng, hội làng Lệ Mật…
Với những di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng, Hà Nội đã và luôn có những chính sách quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa - những trầm tích ông cha để lại từ ngàn năm.
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/tu-hao-thu-do-ha-noi-cai-noi-cua-di-san-nghe-thuat-truyen-thong-a185106.html