Theo ông, những dấu ấn nổi bật của Việt Nam trong hợp tác với Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) là gì? Và sự đóng góp của Việt Nam có ý nghĩa như thế nào?
Giáo sư Klaus Schwab: Việt Nam luôn thể hiện sự năng động, tích cực trong đề xuất những ý tưởng mới và triển khai hợp tác thiết thực, để lại dấu ấn mạnh mẽ và nổi bật đối với WEF.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới là tổ chức quốc tế gắn kết hợp tác công - tư, nghĩa là hợp tác giữa doanh nghiệp, chính phủ và xã hội dân sự. Nhiều thách thức lớn trong thế giới của chúng ta, như chống biến đổi khí hậu, rất cần sự hợp tác giữa tất cả các bên liên quan. Và chúng tôi rất hân hạnh được làm việc với Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là việc tạo ra và ứng dụng công nghệ mới để sẵn sàng phục vụ cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.
Vì lý do này, chúng tôi rất tự hào khi Thủ tướng Chính phủ đã dự khai trương Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 (C4IR) tại TPHCM vào ngày 25/9, tham gia vào mạng lưới 19 Trung tâm Cách mạng công nghiệp 4.0 của WEF trên toàn cầu và thứ 2 tại Đông Nam Á. Sự kiện đánh dấu một cột mốc quan trọng trong quan hệ Việt Nam - WEF.
Với sự thành lập của Trung tâm, chúng tôi đảm bảo rằng có thể phối hợp, hỗ trợ Việt Nam về những kiến thức tốt nhất liên quan tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0; không chỉ sử dụng các ứng dụng mà còn phát triển chúng ở cấp độ toàn cầu với chính sách hợp tác cần thiết.
Ông đánh giá như thế nào về vị trí , vai trò của Việt Nam trong nền kinh tế quốc tế?
Giáo sư Klaus Schwab: Theo tôi, Việt Nam là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất. Với tốc độ tăng trưởng khoảng 7% theo số liệu gần đây, tính năng động đã "ăn sâu" vào nền kinh tế.
Tôi rất tin tưởng rằng Việt Nam có thể tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao, trong khoảng từ 6% - 7%. Sự tăng trưởng được thúc đẩy bởi áp dụng các công nghệ mới như số hóa, trí tuệ nhân tạo. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam có lợi thế vì Việt Nam có dân số trẻ, một nửa dân số dưới 32 tuổi và thế hệ trẻ thường nắm bắt các công nghệ mới nhanh hơn nhiều so với thế hệ cũ.
Sự kết hợp giữa dân số trẻ và công nghệ mới sẽ giúp Việt Nam tiếp tục là một trong những quốc gia lớn mạnh và phát triển nhanh nhất trên thế giới.
Vậy ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của Chính phủ thời gian qua để thúc đẩy tăng trưởng của nền kinh tế và tăng cường chuyển đổi số?
Giáo sư Klaus Schwab: Chính phủ Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và chuyển đổi số. Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội của Việt Nam sẽ giải quyết các vấn đề cần thiết một cách có hệ thống nhằm tạo cơ sở vững chắc cho sự tăng trưởng liên tục.
Tôi rất ấn tượng khi thấy Việt Nam nhận thức rõ ràng và sâu sắc sự cần thiết phải chuyển đổi sang nền kinh tế số. Chính phủ Việt Nam cũng đã và tạo nhiều không gian để tiếp tục lắng nghe những tham vấn. Ưu tiên tăng cường hợp tác giữa WEF với Việt Nam là mục tiêu hội nhập sâu hơn nữa của Việt Nam vào nền kinh tế toàn cầu. Chúng tôi đã thấy và luôn mong chờ hình ảnh "một phái đoàn Việt Nam mạnh mẽ" tại Davos; tiếp tục trao đổi một cách thiết thực và hữu ích để giải quyết nhiều thách thức có thể đến từ môi trường, công nghệ, hay việc phát triển kỹ năng.
Trân trọng cảm ơn Giáo sư./.
Minh Ngọc
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chu-tich-wef-tinh-nang-dong-da-an-sau-vao-nen-kinh-te-viet-nam-a185295.html