Bản anh hùng ca bất diệt

(PNTĐ) - Trong 12 ngày đêm chiến đấu mưu trí, dũng cảm, kiên cường, quân dân Hà Nội cùng với nhân dân miền Bắc đã làm nên kỳ tích "Điện Biên Phủ trên không", đập tan cuộc tập kích chiến lược bằng không quân có quy mô lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử chiến tranh của Mỹ; là đỉnh cao về ý chí, bản lĩnh và trí tuệ dân tộc Việt Nam. Đó là bản hùng ca bất diệt trong thời đại Hồ Chí Minh, đã kết tinh và tỏa sáng truyền thống giữ nước hàng nghìn năm.

Bản anh hùng ca bất diệt - ảnh 1
Ảnh minh họa

12 ngày đêm oanh liệt, quật cường
Từ 19 giờ 45 phút ngày 18/12/1972, Mỹ huy động toàn bộ lực lượng không quân chiến lược, chiến thuật ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gồm 200 máy bay B.52 và hàng ngàn máy bay các loại để mở chiến dịch tập kích chiến lược đánh phá liên tục, dữ dội hơn 200 điểm ở khắp nội, ngoại thành Hà Nội. Ngay từ đầu, chúng đã sử dụng vũ khí, khí tài điều khiển bằng tia la-de để công kích các mục tiêu như: Sân bay, các trận địa tên lửa, pháo phòng không của ta, hủy diệt các nhà ga, kho xăng, nhà máy và các khu dân cư; dùng sức mạnh của không lực nhằm đè bẹp ý chí chiến đấu và gây tâm lý khiếp đảm, đánh đòn quyết định vào Thủ đô, hòng buộc ta phải khuất phục và chấp nhận những điều kiện của chúng trên bàn đàm phán ở Hội nghị Pari.

Từ phút đầu cuộc chiến, cả bầu trời và mặt đất Thủ đô rung chuyển bởi tiếng bom, tiếng pháo, tên lửa, súng các cỡ, các loại của bộ đội tên lửa, không quân, pháo cao xạ và dân quân tự vệ. Ngay đêm đầu tiên, Hà Nội đã bắn rơi 1 máy bay B.52 và 2 máy bay F4, tạo niềm phấn khởi và khí thế chiến thắng tràn ngập trong lòng quân và dân Thủ đô. 3 ngày tiếp theo, giặc Mỹ tăng thêm các đợt không kích, điên cuồng đánh phá nhiều nơi ở các khu Hai Bà Trưng, Đống Đa và các huyện Thanh Trì, Từ Liêm, Đông Anh... Các khu vực như: An Dương, Yên Viên, Văn Điển, Đông Anh, Gia Lâm... bị tàn phá nặng nề.

 Đêm 20/12, các lực lượng phòng không bảo vệ Thủ đô đã có một trận thắng lớn, bắn rơi 5 máy bay B.52. Trước thất bại nặng nề, từ đêm 21/12, chúng phải chùn bước, giảm hẳn mật độ máy bay đánh vào Hà Nội. Ngày 22/12, chúng dội bom xuống Bệnh viện Bạch Mai, làm 28 người chết và bị thương. Cũng vào đêm 22, các khẩu đội súng máy cao xạ của tự vệ nhà máy gỗ, cơ khí Mai Động, cơ khí Lương Yên đã bắn rơi 1 máy bay F.111. 

Ngày 25/12 khi địch tạm ngừng ném bom, ta tổ chức rút kinh nghiệm, tăng cường lực lượng, sẵn sàng bước vào thử thách mới. Đợt ném bom thứ hai của Mỹ diễn ra từ ngày 26/12 vô cùng ác liệt và tàn khốc. Lực lượng máy bay được huy động nhiều và mức độ hủy diệt cũng gấp nhiều lần. Từng đoàn B.52 tập trung ném bom vào hàng chục mục tiêu, trong đó có nhiều khu dân cư đông đúc, điển hình là phố Khâm Thiên, giết hại 287 người.

Để trừng trị tội ác của giặc Mỹ, lực lượng phòng không Thủ đô đã bắn rơi thêm 5 máy bay B.52. Sau trận này tinh thần giặc lái rất hốt hoảng, chúng buộc phải giảm số lần xuất kích của B.52 và huy động các máy bay cường kích ném bom vào nhiều khu vực ở phía Nam Thành phố. Đêm 28 và 29/12, quân Mỹ chỉ cho một tốp nhỏ bay vào đánh phá Hà Nội nhưng cũng không thoát khỏi bị trừng trị, quân dân ta bắn rơi thêm 3 máy bay B.52 nữa. 

Trong 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, các lực lượng vũ trang Thủ đô đã bắn rơi 32 máy bay, trong đó có 25 chiếc B.52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 2 chiếc F.111 và 5 máy bay chiến thuật. Ngày 30/12/1972, Tổng thống Mỹ Nich-xơn buộc phải ra lệnh chấm dứt chiến dịch "Lai-nơ-bếch-cơ II" ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra và đề nghị gặp lại đoàn đại biểu Chính phủ ta tại Pari để bàn việc ký hiệp định.

Kỳ tích “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 của quân dân Thủ đô và miền Bắc đã trở thành huyền thoại, góp phần tạo bước ngoặt vô cùng quan trọng; có ý nghĩa quyết định của cuộc chiến tranh chống đế quốc Mỹ trên mặt trận ngoại giao, buộc chính phủ Mỹ phải ký kết Hiệp định Pari ngày 27/1/1973 và rút hết quân Mỹ về nước. Chấm dứt chiến tranh xâm lược, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, góp phần làm nên Đại thắng mùa Xuân năm 1975 lịch sử để thống nhất đất nước

Dốc sức người, sức của cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước
Vì độc lập, vì tự do, vì chủ nghĩa xã hội, Hà Nội đã dốc sức người, sức của cao nhất cho sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hàng vạn người con ưu tú của Hà Nội đã anh dũng hy sinh. Hà Nội mãi xứng đáng là Thủ đô anh hùng của nước Việt Nam anh hùng.

Bản anh hùng ca bất diệt - ảnh 2
Xác máy bay B-52 bị bắn hạ được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B52.

Nhiều năm liền Hà Nội cùng miền Bắc liên tục chi viện sức người, sức của cho miền Nam với nỗ lực cao độ. Ngành vận tải Hà Nội đã thực hiện tốt việc vận chuyển hàng hóa chi viện cho Quảng Trị. Nhiều cơ sở sản xuất liên tục làm ra những sản phẩm, hàng hóa phục vụ chiến trường; hệ thống giao thông Thủ đô đã phục vụ tốt việc đưa vũ khí và hàng hóa vào chiến trường; các nhà máy, xí nghiệp và hợp tác xã sản xuất quân trang cũng tập trung phần lớn kế hoạch sản xuất phục vụ bộ đội... Tất cả các ngành đều sôi nổi phục vụ tiền tuyến.

 Công an Thành phố đã cử hàng trăm sĩ quan cấp tốc vào tham gia quản lý Huế, Đà Nẵng mới giải phóng. Công ty xe khách Thống Nhất cử 130 cán bộ, lái xe đưa 60 xe đi miền Nam... Phong trào tòng quân của thanh niên Thủ đô sôi nổi chưa từng có. Thanh niên các khu phố và làng xã ngoại thành nô nức lên đường nhập ngũ "ra đi trong tiếng súng chiến thắng" . 

Năm 1975, có 8.212 người nhập ngũ, đạt 108% kế hoạch, đây là một trong những năm đạt kế hoạch cao nhất. Cùng với các binh đoàn hùng mạnh hành quân thần tốc trong chiến dịch Hồ Chí Minh, Hà Nội không những cung cấp, tiếp ứng vận tải, hỗ trợ hậu cần mà còn cung cấp đủ, kịp thời lực lượng của các ngành tham gia buổi hội quân ở Sài Gòn ngày toàn thắng. 

Từ năm 1965 - 1975, Hà Nội huy động thanh niên lên đường nhập ngũ. Trong 10 năm trực tiếp chiến đấu với giặc Mỹ, Hà Nội đã tiến hành 29 đợt tuyển quân, động viên hơn 8,6 vạn thanh niên, quân dự bị bổ sung cho các quân binh chủng, trực tiếp chi viện cho các chiến trường. So với chỉ tiêu được giao đạt 102,7% và so với dân số Thành phố chiếm tỷ lệ 7,04%. Hàng nghìn gia đình có từ 2 đến 7 người con đi bộ đội. 

Trong 10 năm 1965 - 1975, Hà Nội đã động viên và tăng cường lực lượng cho quân đội 5.107 đảng viên, 36.425 đoàn viên, 163 bác sĩ, 168 y sĩ, 362 kỹ sư, 137 trung cấp kỹ thuật và 3.354 thợ các loại; số học sinh cấp III và sinh viên đại học chiếm 35,1% quân số động viên của thành phố; 11.561 người con ưu tú của Thành phố đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp vẻ vang của đất nước (số liệt sĩ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ là 17.317 người; thương binh là 13.234 người, trong đó thương binh thời chống Mỹ là 6,970 người), Trong hàng vạn gia đình liệt sĩ, có hơn 700 gia đình có từ 2 đến 5 người con là liệt sĩ. 

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/ban-anh-hung-ca-bat-diet-a185297.html