Đây là một nội dung được trao đổi tại Tọa đàm trực tuyến "DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan: Góc nhìn từ hai phía" do Tạp chí Hải quan tổ chức ngày 9/10, tại Hà Nội.
Chia sẻ những kết quả mà Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, ông Nguyễn Nhất Kha, Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan) cho biết, năm 2019, Tổng cục Hải quan đã tham mưu cho Bộ Tài chính Ban hành Thông tư số 81/2019/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan. Trong đó, cơ quan Hải quan đánh giá DN xuất nhập khẩu ở 5 mức tuân thủ, mức cao nhất DN ưu tiên (mức 1) và thấp nhất là DN không tuân thủ (mức 5).
Cơ quan Hải quan công bố công khai mức độ tuân thủ của DN trên Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan. Khi DN truy cập vào Cổng Thông tin điện tử Tổng cục Hải quan bằng mã số thuế có thể tra cứu mức độ tuân thủ của DN và biết được nguyên nhân dẫn đến mức tuân thủ đó.
Trong số 295 DN tham gia, có trên 80% DN duy trì được mức độ tuân thủ và tăng mức độ tuân thủ. Trong đó, có 118 DN nâng mức độ tuân thủ từ mức 3, 4, 5 lên mức 2, 3; 135 DN giữ nguyên mức độ tuân thủ (mức 2, 3).
Đối với những DN có mức độ tuân thủ thấp được nâng mức độ tuân thủ sẽ có tỉ lệ kiểm tra thấp hơn, dẫn đến thời gian thông quan hàng hóa nhanh hơn.
Đối với những DN giữ vững được mức độ tuân thủ (tuân thủ tốt) sẽ được cơ quan Hải quan ghi nhận phải đáp ứng ở các tiêu chí như tờ khai, kim ngạch càng lớn, tương tự như đối với DN ưu tiên cũng phải đáp ứng các tiêu chí về tờ khai, kim ngạch.
Ông Nguyễn Nhất Kha cho biết, Tổng cục Hải quan đã dự thảo quyết định triển khai chính thức chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan để xin ý kiến các cục hải quan tỉnh, thành phố; các hiệp hội DN; Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI)… Cơ quan Hải quan dự kiến có khoảng 600 DN tham gia triển khai Chương trình chính thức phải đáp ứng các tiêu chí đảm bảo các DN khi tham gia cũng nhận được những lợi ích.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng Ban Nghiên cứu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, cơ quan Hải quan cần xây dựng kế hoạch chi tiết, tổng thể với lộ trình cụ thể theo từng năm, mốc thời gian cụ thể.
Ngành hải quan cần phải đặt mục tiêu, tiêu chí rõ ràng, có các giải pháp kèm theo, với lộ trình cụ thể.
Đồng thời, ngành hải quan cần chú trọng thiết lập nền tảng để tương tác chung, cảnh báo chung, nêu ra những vấn đề giải đáp về lĩnh vực hải quan. Đây là công cụ hỗ trợ cho Chương trình này và hỗ trợ cho công việc quản lý của cơ quan Hải quan và cả DN.
Theo đại diện CIEM, muốn tuân thủ tốt pháp luật, DN phải chủ động, không chỉ ban lãnh đạo DN mà chính những cán bộ phụ trách phải trăn trở, trách nhiệm hơn trong quá trình thực hiện.
"Thông qua chương trình này, cơ quan Hải quan cần truyền tải những thông điệp quan trọng để các DN có thông tin, lan tỏa đến hải quan các địa phương, để các DN vừa và nhỏ được tiếp cận", đại diện CIEM nhất mạnh.
Đại diện một DN tham gia thí điểm, ông Dương Quốc Phi, Trưởng phòng Xuất nhập khẩu Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 cho biết, trước khi tham gia Chương trình thí điểm, DN thường xuyên bị động tuân thủ pháp luật hải quan, thường xuyên phụ thuộc vào sự hướng dẫn, "cầm tay chỉ việc" của cán bộ, công chức hải quan. Tuy nhiên, kể từ khi tham gia chương trình, bất cứ hoạt động của DN đều mang tính tự nguyện, chuyển từ bị động sang chủ động tuân thủ pháp luật. Từ đó có thể thấy, Chương trình thí điểm mang lại nhiều lợi ích cho DN về thời gian, chi phí.
Nếu DN có tỉ lệ tờ khai luồng xanh nhiều hơn thì hàng hóa được giải phóng nhanh. Đối với tờ khai luồng vàng, DN phải kiểm tra hồ sơ hải quan, DN sẽ mất thời gian hơn để giải phóng hàng hóa.
Còn với tờ khai luồng đỏ, ngoài phải kiểm tra hồ sơ, DN còn phải kiểm tra thực tế hàng hóa, thay vì DN đưa hàng hóa từ cửa khẩu về thẳng nhà máy sản xuất, thì DN phải đưa hàng hóa về trụ sở cơ quan Hải quan để kiểm tra dẫn đến phát sinh các chi phí, thời gian...
Đại diện DN cho rằng: Bản thân các DN phải tự chủ động trong việc tuân thủ pháp luật, từ đó mang lợi ích cho chính mình.
Ông Dương Quốc Phi đánh giá: Cơ quan Hải quan luôn cầu thị, lắng nghe DN. Bất kỳ một chính sách nào chuẩn bị được ban hành, cơ quan Hải quan đều lấy ý kiến rộng rãi trong cộng đồng DN và các ban, ngành liên quan.
Anh Minh
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dn-tiet-kiem-chi-phi-thoi-gian-nho-tuan-thu-phap-luat-hai-quan-a185408.html