Cơ chế chưa hoàn thiện thì đừng bắt tội doanh nghiệp
Ngày 3/3, tại toạ đàm "Chính sách về đấu giá quyền sử dụng đất" do Tạp chí Nhà Đầu tư tổ chức, PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến, Trưởng khoa Pháp luật Kinh tế ĐH Luật Hà Nội đã có những chia sẻ về quan điểm của bản thân về chính sách đấu giá đất hiện nay.
Theo nhận định của vị chuyên gia, đất đai chính là nguồn lực để phát triển kinh tế đất nước. Nếu không sớm tìm ra cơ chế thích hợp để tận dụng, thì sẽ gặp khó khăn trong việc thực hiện mục tiêu, tham vọng phát triển kinh tế trong tương lai.
Ông Tuyến cho biết trong năm vừa qua, tỉ lệ đóng góp cho ngân sách nhà nước từ đấu giá đất đã tăng mạnh dao động trong khoảng 16 đến 17%. Bên cạnh đó, trong bối cảnh tài nguyên đất đai khan hiếm, nhu cầu sử dụng đất tăng, hình thức đấu giá tạo ra cơ chế bình đẳng cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận một cách công khai minh bạch.
Nhưng cùng với đó là tình trạng bỏ cọc của các nhà đầu tư, theo ông Nguyễn Quang Tuyến đây không phải là vấn đề hoàn toàn mới. Tuy nhiên, phải đến mãi sau câu chuyện bỏ cọc của Tân Hoàng Minh thì xã hội mới thực sự để ý đến vấn đề này.
Theo ông Tuyến về cơ bản, những nhà đầu tư này không hề vi phạm pháp luật.
Đồng quan điểm, TS. Phan Đức Hiếu, Uỷ viên thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng vấn đề ở đây không phải chỉ là đấu giá, vấn đề về đầu cơ theo nghĩa xấu nhưng đầu cơ theo nghĩa kinh doanh bình thường lại là điều tốt. Đây là hệ sinh thái của cả hệ thống pháp luật.
"Đầu tiên, thị trường trong cuộc đấu giá cần được bổ sung bởi các thị trường từ tài sản, hợp đồng dân sự,… Thế nào là thị trường? Thị trường là giá hợp người mua người bán, mức giá cao không vi phạm pháp luật.
Luật pháp về đấu giá tài sản chưa hoàn chỉnh thì đừng bắt tội nhà đầu tư, do vậy, cần hoàn chỉnh, hoàn thiện nó", vị này nhấn mạnh.
Cùng với đó, quy định pháp luật hiện nay có đủ chế tài để nhà đầu tư không bỏ cọc vì vậy hoạt động đấu giá không có gì sai, doanh nghiệp tham gia đấu giá cũng không vi phạm pháp luật.
Nhà đầu tư phải có trách nhiệm với xã hội
Theo ý kiến của các vị chuyên gia mặc dù bộ quy chế đã được lập ra nhưng các quy định còn nhiều hạn chế, chưa bám sát với thực tế. Trong thời gian sắp tới, cần tăng cường nghiên cứu, đồng thời đẩy mạnh các biện pháp phạt nghiêm khắc hơn về kinh tế.
Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm vừa qua cho thấy, một trong những kẽ hở để giá bị đẩy lên quá cao trong hoạt động đấu giá là do Luật Đấu giá 2016 quy định phải nộp tiền đặt trước với mức tối đa 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá, nhưng lại không quy định nhà đầu tư phải nộp thêm tiền đặt trước hay phải có văn bản cam kết nộp bổ sung tiền đặt trước, hoặc phải có văn bản bảo lãnh thanh toán của tổ chức tín dụng; chưa có quy định buộc nhà đầu tư chứng minh năng lực tài chính, để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán giá trị tài sản trúng đấu giá; chưa có quy định để chứng minh khả năng hoàn thành công việc của nhà đầu tư, để đảm bảo nghĩa vụ thực hiện dự án khi trúng đấu giá.
TS Trần Minh Sơn, Trưởng Văn phòng Chương trình Hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025, Bộ Tư pháp đã đưa ra 5 kiến nghị:
Thứ nhất, cần khẩn trương thực hiện công điện của Thủ tướng trong việc rà soát bất thường, các doanh nghiệp đấu giá thành công là điều tốt, nhưng với những hoạt động đấu giá bất thường thì cần nghiêm túc rà soát, đề nghị các cơ quan có liên quan kiểm soát chặt chẽ.
Thứ hai, yêu cầu công khai dữ liệu đất đai, từng miếng đất phải được định danh, cần đủ tình trạng pháp lý, giá đất đấu giá, giá đất thường xung quanh, khi giao dịch thì lưu giữ các lịch sử.
Thứ ba, cần phải sửa toàn diện các luật có liên quan (Luật đất đai, Luật đầu tư, Luật đấu thầu) để đảm bảo giá phản ánh đúng thị trường.
Thứ tư, trong thời gian tới, cần sớm thành lập một cơ quan thẩm định độc lập để xác định giá đất nhằm tránh được những bất cập hiện hữu và đảm bảo tính khách quan.
Thứ năm, cần có quy định cụ thể về năng lực tài chính của nhà đầu tư tham gia đấu giá, cần kiểm soát, nâng cao chất lượng đấu giá, nâng cao chất lượng trong quá trình tổ chức đấu giá nhằm phòng chống tiêu cực tham nhũng; những tài sản đặc biệt cần rà soát chặt chẽ, tránh hành vi thông đồng giữa các nhà đầu tư.
Cuối cùng, vị chuyên gia nhấn mạnh chỉ luật pháp thôi là không đủ, cần thúc đẩy môi trường, hành vi kinh doanh văn minh, khiến doanh nghiệp đảm bảo tính trách nhiệm với người tiêu dùng và xã hội.
Nguyễn Thị Hồng Nhung
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/dau-gia-quyen-su-dung-dat-khong-co-loi-loi-la-do-co-che-chinh-sach-a18549.html