Lễ kỷ niệm mở đầu bằng chương trình nghệ thuật chào mừng đặc biệt kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).
Với chủ đề "Thủ đô 70 năm - Bản Hùng ca", chương trình nghệ thuật chào mừng 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô gồm 3 chương.
Chương I có chủ đề "Ký ức tự hào", gồm 5 phân cảnh: "Hà Nội - Những ngày mùa đông 1946"; "Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến"; "Lá cờ Đảng"; "Người Hà Nội" và "Giải phóng Điện Biên - Tiến về Hà Nội", tái hiện sống động không khí hào hùng của Thủ đô sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công. Ngày 2-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình, khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa.
Thời điểm Hà Nội trước tháng 12-1946, những vụ khiêu khích của giặc Pháp với các tốp tự vệ thành Hoàng Diệu ngày càng công nhiên. Trong khi đó, những vụ gây rối của phần tử phản động trong và ngoài nước khiến tình hình mỗi lúc một cam go. Tình thế cấp bách buộc Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta không còn lựa chọn nào khác hơn là đứng lên cầm vũ khí chiến đấu, phát động cuộc kháng chiến toàn quốc để bảo vệ độc lập dân tộc.
Hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những chàng trai, cô gái Thủ đô hào hoa, thanh lịch đã bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ. Nhiều thanh niên, thiếu niên đã anh dũng ngã xuống, giữ trọn vẹn lời thề của người Hà Nội: "Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh".
Chương II có chủ đề "Khúc tráng ca" tái hiện sinh động khí phách, sự kiên cường của quân và dân Hà Nội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhất là chiến dịch Hà Nội 12 ngày đêm tháng 12-1972. Tinh thần và khí phách của quân và dân Thủ đô một lần nữa làm lay động trái tim toàn nhân loại. Dưới làn mưa bom, dù mất mát, đau thương nhưng người Hà Nội vẫn điềm tĩnh, dũng cảm, quật cường. Quân dân Thủ đô "hiệp đồng tác chiến" cùng các quân, binh chủng dệt nên lưới đạn phòng không sáng trời, "rồng lửa Thăng Long" vút lên quật đổ pháo đài bay B52.
Với 3 phân cảnh: "Hà Nội ngày, tháng, năm"; "Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" và "Bài ca Hà Nội", Chương II tái hiện sinh động cuộc chiến đấu kiên cường của quân và dân Thủ đô Hà Nội. Qua đó, tái hiện hình ảnh người Hà Nội anh hùng và lãng mạn đã trở thành biểu tượng, lương tri và phẩm giá con người. Hình ảnh cô gái làng hoa Ngọc Hà bên xác máy bay B52 Mỹ là một trong những biểu tượng về Hà Nội trữ tình và chiến thắng của "một thời đạn bom, một thời hòa bình".
Chương III có chủ đề "Thủ đô 70 năm xây dựng và phát triển", tái hiện những giai đoạn phát triển đầy tự hào của Thủ đô xuyên suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước đầy kiêu hãnh.
Với 3 phân cảnh: "Hà Nội, Niềm tin và Hy vọng"; "Hà Nội - Việt Nam - Khát vọng hòa bình" và "Việt Nam ơi mùa xuân đến rồi", Chương III thể hiện mong ước của mỗi người dân Việt Nam đều mang trong tim khát vọng hòa bình, mong ước cuộc sống bình yên, hạnh phúc sẽ trường tồn trên dải đất chữ S thiêng liêng. Cùng cả nước, người Hà Nội ra sức học tập, lao động sản xuất, chiến đấu… cống hiến cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, để cơ đồ đất nước ngày càng phồn vinh, có vị thế lớn trên trường quốc tế. Đồng thời, góp sức xây dựng và phát triển Thủ đô ngày càng " Văn hiến - Văn minh - Hiện đại".
Gia Huy
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/chuong-trinh-nghe-thuat-dac-biet-thu-do-70-nam-ban-hung-ca-a185544.html