Giải bài toán bất cập về giá thành điện

(Chinhphu.vn) - Thực trạng và những bất cập về giá thành điện đã được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế, năng thượng đề cập khách quan, toàn diện tại Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp".

Giải bài toán bất cập về giá thành điện- Ảnh 1.

Các chuyên gia, nhà quản lý tham dự Tọa đàm"Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chức ngày 10/10- Ảnh:VGP

Chiều 10/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm "Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp" với sự tham dự của các nhà quản lý, đại biểu quốc hội, chuyên gia kinh tế, năng lượng.

Trong bối cảnh đất nước ta còn nhiều khó khăn và để bảo đảm sự hài hòa về mục tiêu kinh tế gắn liền với thực hiện các mục tiêu xã hội, thời gian qua, việc tính toán chi phí giá thành đối với điện vẫn chưa được đầy đủ, dẫn đến giá bán điện còn có sự méo mó, chưa được hạch toán đầy đủ giữa chi phí đầu vào và giá thành bán ra. Thực tế là giá điện bán ra còn thấp hơn so với giá thành sản xuất.

Giải bài toán bất cập về giá thành điện- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) - Ảnh: VGP

Nguồn điện giá rẻ giảm trong khi nguồn điện giá đắt tăng cao

Dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết: Việc tính toán giá điện thực hiện theo Quyết định 05 ngày 26/3/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Theo quy định này, Bộ Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp cùng Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện của EVN căn cứ theo báo cáo chi phí sản xuất kinh doanh điện đã được kiểm toán và các báo cáo tài chính đã được các đơn vị kiểm toán độc lập kiểm toán.

Thực hiện quy định này, đoàn kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2023 của EVN được thành lập gồm đại diện các Bộ, ngành: Công Thương, Tài chính, LĐTBXH, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và các hiệp hội liên quan như như Hội Bảo vệ người tiêu dùng, VCCI... và các đoàn kiểm tra liên ngành gồm rất nhiều chuyên gia giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực điện lực đã tham gia, kiểm tra thực tế tại EVN và các đơn vị thành viên, các tổng công ty điện lực, Tổng công ty truyền tải điện quốc gia... để bảo đảm kiểm tra khách quan, minh bạch.

Báo cáo của EVN và quá trình kiểm tra cho thấy, năm vừa qua, giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất điện gồm giá than, dầu, khí, tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do biến động của tình hình thế giới và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino khiến cơ cấu nguồn điện biến động theo hướng bất lợi. Tức là nguồn cho điện giá rẻ như thủy điện giảm trong khi nguồn điện có giá đắt như điện than, điện dầu tăng cao.

"Cùng với đó, nhu cầu điện của Việt Nam tăng cao, xấp xỉ 10-11%. Ngoài các nguồn điện rẻ đã sử dụng hết, chúng ta tiếp tục sử dụng nguồn tăng thêm có giá cao hơn. Tất cả những yếu tố đó dẫn tới chi phí phát điện tăng cao", Phó Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực chỉ rõ.

Trong bối cảnh này, theo đại diện Cục Điều tiết Điện lực, EVN cùng các đơn vị thành viên đã thực hiện một số giải pháp để tiết kiệm, tiết giảm, tối ưu hóa chi phí, như tiết kiệm 10-15% các chi phí định mức thường xuyên, tiết giảm 20-50% chi phí sửa chữa lớn.

EVN và các đơn vị thành viên cũng đã phát động tiết kiệm điện tại tất cả các cơ quan đơn vị trực thuộc, tuy nhiên, do cấu trúc giá thành tăng quá cao nên dẫn tới chi phí sản xuất điện của EVN tăng cao.

Giải bài toán bất cập về giá thành điện- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tham dự Tọa đàm qua hình thức trực tuyến - Ảnh: VGP

Những bất cập lớn nhất về giá điện

Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nêu vấn đề: Giả sử các bên sản xuất điện, phân phối, bán lẻ điện đã nỗ lực hết sức để tiết giảm chi phí nhằm có mức giá điện hợp lý nhất, nhưng giá bán điện vẫn thấp hơn giá thành sản xuất, giá thành phân phối thì rõ ràng đây là một bất cập.

Theo phân tích của ông Phan Đức Hiếu, bất cập thể hiện rõ ở một số điểm. Cụ thể đối với điện, chúng ta không chỉ nói về giá cả, giá thành mà cả vấn đề an ninh năng lượng, ổn định trong cung ứng điện rất quan trọng.

"Nếu như giá bán điện thấp hơn giá sản xuất và nhà sản xuất vẫn bán bằng chi phí sản xuất thì thiệt hại dồn lên nhà phân phối. Như vậy, không công bằng đối với nhà phân phối", ông Hiếu thẳng thắn chỉ rõ

Theo vị Đại biểu Quốc hội này, trong nỗ lực của nhà phân phối nhằm giảm giá mua điện thì lại ảnh hưởng đến nhà sản xuất điện và về lâu dài, không thúc đẩy sản xuất điện, ảnh hưởng đến an ninh, ổn định cung ứng điện. Thực tiễn thời gian qua, có thời điểm, không ổn định nguồn cung điện thì thiệt hại chung cho nền kinh tế, cho người dân, doanh nghiệp.

"Về mặt lâu dài, câu chuyện này cần giải quyết một cách triệt để", ông Phan Đức Hiếu nhấn mạnh

Chia sẻ về những bất cập này, dưới góc nhìn của một chuyên gia về giá, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá cho rằng: Giá bán không bù đắp được chi phí thì gây ra nhiều hệ lụy.

TIN LIÊN QUANTính giá điện thế nào cho hợp lý?Tính đúng, tính đủ giá điện sẽ tạo ra nguồn lực lớn để đầu tưEVN trả lời ý kiến cử tri phía nam về giá điện và triển khai thị trường điệnĐề xuất điều chỉnh, bổ sung một số quy định mới về giá điện

Ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá -Ảnh:VGP

Đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên tham gia thị trường Điện

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Nhà nước điều tiết giá điện bằng các công cụ của thị trường. Đó là các loại thuế, các loại phí, các loại quỹ để điều tiết gián tiếp vào yếu tố hình thành giá điện để có một mức giá điện bảo đảm hài hòa được cái lợi ích của các bên tham gia thị trường điện, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào giá thành.

Ngoài việc bảo đảm tính đúng, tính đủ và Nhà nước điều tiết bằng các biện pháp gián tiếp, bằng công cụ thị trường thì giá điện cũng phải tách bạch phần chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ đối với người nghèo ra khỏi chính sách giá điện và giải quyết bằng chính sách khác như hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo thì bảo đảm giá điện sẽ minh bạch hơn.

"Những người thuộc diện chính sách xã hội vẫn được nhà nước quan tâm và chúng ta không bỏ rơi những đối tượng đó", ông Thỏa chỉ rõ.

Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Nguyễn Thế Hữu đồng tình với ý kiến cho rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào cũng phải đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước, người dân, doanh nghiệp và bảo đảm các vấn đề về an sinh xã hội khác, hỗ trợ người nghèo trong tiếp cận và sử dụng điện năng.

"Chính sách an sinh trong việc sử dụng điện đối với hộ nghèo và các hộ chính sách xã hội đã được áp dụng nhất quán trong nhiều năm nay chứ không phải vài năm trở lại đây mới nói", ông Nguyễn Thế Hữu khẳng định.

Đại diện Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương) cho biết các hộ nghèo, hộ chính sách xã hội được hỗ trợ tương đương 30 kWh điện hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Nỗ lực chung của cả ngành điện cũng như cơ quan có liên quan đảm bảo an ninh nguồn điện cũng chính là giải pháp căn cơ nhất để đảm bảo an sinh xã hội.

Giải bài toán bất cập về giá thành điện- Ảnh 9.

TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh- Ảnh:VGP

Phải cải cách giá điện

Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, kim chỉ nam để thực hiện việc này phải tuân thủ quyết định của Bộ Chính trị và Quyết định số 05/2024/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Ông Thỏa phân tích, nếu chúng ta tuân thủ các quyết định này thì giải quyết được rất nhiều vấn đề vì đã cho chúng ta định hướng theo thị trường, tức là đầu vào cứ tăng khoảng ngần này trong 3 tháng thì được điều chỉnh.

Vị chuyên gia này cũng lưu ý, giá điện bám sát sự biến động của thị trường, không hoàn toàn thả nổi theo cơ chế thị trường. Đây chính là cơ chế tính giá theo thị trường mà Nhà nước cho phép điều chỉnh làm sao ở mức độ hợp lý.

"Nguyên tắc xuyên suốt là phải bảo đảm bù đắp chi phí sản xuất, tính đúng, tính đủ, hợp lý, hợp lo ngành điện. Riêng thực hiện những điều này sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề", ông Thỏa nhấn mạnh

Về dài hạn, cần phải nhanh chóng sửa cơ chế chính sách giá điện trong Luật Điện lực với tầm nhìn dài hạn mới có thể xử lý được những yêu cầu đặt ra đối với một trong những vấn đề cốt lõi của ngành điện, đó chính là giá điện.

Đề cập thêm về vấn đề này,TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng căn cứ pháp lý chúng ta đã có, các chỉ đạo cụ thể của Nhà nước đã có, vấn đề ở đây là chúng ta vẫn chưa sử dụng các công cụ đã có trong tay vì vậy không nên nghĩ đến những điều mới. Trước mắt, những gì đã có cần làm trước, các động thái như sửa Luật Điện lực và đưa ra những cơ chế, chính sách mới, Chính phủ đều đã làm.

Theo TS Hà Đăng Sơn, chúng ta đang nhìn thấy lộ trình cải cách toàn bộ ngành điện lực với định hướng theo mục tiêu Net Zero và phát triển bền vững của Việt Nam.

"Để làm được những việc này, đầu tiên là phải cải cách giá điện, trong trường hợp đó chúng ta mới có được những định chế, nền tảng cơ bản để chuyển đổi, chuyển dịch năng lượng theo hướng đưa nhiều hơn nguồn điện "sạch, xanh" trong cơ cấu sản xuất điện", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và tăng trưởng xanh chỉ rõ.

Toàn Thắng


Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/giai-bai-toan-bat-cap-ve-gia-thanh-dien-a185553.html