Lộ “lỗ hổng” trong quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội

(PNTĐ) - Vụ việc bạo hành trẻ em tại Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12, TPHCM) không chỉ gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc bảo vệ quyền lợi cho trẻ em tại các cơ sở chăm sóc trẻ em trên toàn quốc, mà còn cho thấy nhiều “lỗ hổng” trong quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội hiện nay.

Lộ “lỗ hổng” trong quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội - ảnh 1
Cơ sở Mái ấm Hoa Hồng, nơi xảy ra bạo hành trẻ em. Ảnh: Internet

“Bóng tối” trong mái ấm tình thương
Đã gần 1 tuần trôi qua nhưng những hình ảnh, video bạo hành các em nhỏ tại Mái ấm Hoa Hồng (Quận 12, TP Hồ Chí Minh) vẫn còn là nỗi kinh hoàng với nhiều người. Sau khi tiếp nhận tin báo của anh T.Đ.K (trú tại tỉnh Cà Mau) về sự việc “Hành hạ người khác” xảy ra tại Mái ấm Hoa Hồng, Công an TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Công an Quận 12, Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương xác minh, điều tra, xử lý, tham mưu đề xuất phương án đảm bảo an toàn cho các trẻ đang được nuôi dưỡng tại đây.

Theo kết quả điều tra, lực lượng chức năng ghi nhận cơ sở này đang nuôi dưỡng 86 trẻ em (vượt quá số lượng được cấp phép 47 trẻ); gồm: 15 trẻ sơ sinh; 36 trẻ từ 1-2 tuổi; 31 trẻ từ 3-5 tuổi; 3 trẻ từ 6-12 tuổi; 1 trẻ đang điều trị bệnh tại bệnh viện. Các trẻ ngay sau đó được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố bố trí vào các Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ em để chăm sóc. 

Căn cứ các tài liệu điều tra thu thập được, Công an TP Hồ Chí Minh cũng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Ngọc Cẩm và Diệp Ngọc Tuyền (đều là bảo mẫu của Mái ấm Hoa Hồng) cùng về tội “Hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ luật Hình sự. Công an cũng tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; rà soát, làm rõ những sơ hở, thiếu sót trong quá trình quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội để kiến nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan khẩn trương khắc phục, không để xảy ra vụ việc tương tự.

Câu chuyện 86 trẻ em bị bảo hành tại Mái ấm Hoa Hồng khiến dư luận đặt nhiều câu hỏi về công tác quản lý các trung tâm, cơ sở bảo trợ người khó khăn, khuyết tật, trong đó có trẻ em, người già là những đối tượng yếu thế đang được xã hội ưu tiên bảo vệ hiện nay. Tại sao một mái ấm được thành lập để nuôi dưỡng các trẻ em mồ côi, bị bỏ rơi… không thu phí, nhưng lại tồn tại ngang nhiên hành vi bạo hành trẻ em? Vì sao một “mái ấm tình thương” lẽ ra mang lại nhiều “ánh sáng” cho tương lai tốt đẹp của những đứa trẻ bất hạnh thì lại chứa đầy “bóng tối” đối với các em? Phải chăng công tác kiểm tra, giám sát từ các cơ quan chức năng, từ chính quyền cơ sở đối với các “mái ấm tình thương”, các trung tâm bảo trợ từ thiện vẫn còn lỏng lẻo và nhiều lỗ hổng? Và, chúng ta đang quá tin tưởng vào nghĩa cử cao đẹp của công tác từ thiện, vào sự hoạt động miễn phí với niềm tin “vĩnh cửu” rằng: “Đã có lòng tốt làm việc thiện thì không thể làm việc ác, vì thế cũng sẽ không có những sai phạm về khía cạnh đạo đức lẫn pháp luật?
“Lỗ hổng” trong quản lý
Nhưng sự thật, ở Mái ấm Hoa Hồng đã xảy ra điều đó. Công tác quản lý của chính quyền cơ sở đang có “lỗ hổng” khiến những đứa trẻ sống trong “mái ấm tình thương” nhưng lại giống như “địa ngục trần gian”. Trong gần 2 năm hoạt động kể từ ngày được thành lập (năm 2023), trên giấy phép hoạt động của Mái ấm Hoa Hồng, quy mô cơ sở không được nhận quá 39 trẻ. Tuy nhiên, tại thời điểm chính quyền Quận 12 kiểm tra, mái ấm này đang có mặt 86 trẻ. Dư luận đặt câu hỏi, tại sao số lượng trẻ vượt nhiều so với giấy phép như vậy, nhưng chính quyền vẫn không hay biết? Rõ ràng, đang tồn tại sự lỏng lẻo trong công tác kiểm tra của chính quyền ở đây, khiến cho tình trạng trẻ em bị bạo hành trong mái ấm này diễn ra nhưng “qua mặt” cơ quan chức năng. 

Lộ “lỗ hổng” trong quản lý các cơ sở bảo trợ xã hội - ảnh 2
Trẻ nhỏ được nuôi dưỡng tại Mái ấm Hoa Hồng tại thời điểm cơ quan chức năng kiểm tra.  Ảnh:

Thực tế lâu nay, các cơ sở trợ giúp xã hội đang nhận được sự quan tâm từ cộng đồng xã hội. Nơi đây hàng ngày, hoặc các dịp lễ, tết đón rất nhiều tấm lòng hảo tâm từ các cá nhân, mạnh thường quân, các tổ chức, đoàn thể đến hỗ trợ mang tính chất từ thiện. Đó là tấm lòng sẻ chia, là sự tương thân, tương ái, truyền thống văn hóa tốt đẹp thương người như thể thương thân đối với những hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn của người dân Việt. Vì thế, vẫn có những cơ sở trợ giúp xã hội giữ trẻ em khó khăn, cơ nhỡ lại để thu hút nguồn tài trợ từ cộng đồng. Họ không muốn chuyển “nguồn lợi” đi sang cơ sở khác. Còn chúng ta lại chỉ nhìn việc đó ở một góc độ nhân đạo, tốt đẹp và tin những người đang làm việc thiện ở đó. Chính vì vậy, góc khuất từ sự trục lợi ấy cứ vô tình bị che khuất.

Theo Nghị định 103/2017/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, giải thể và quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội, hiện có 6 loại hình cơ sở trợ giúp xã hội, đó là: Cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người cao tuổi; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc người khuyết tật; cơ sở bảo trợ xã hội chăm sóc và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; cơ sở bảo trợ xã hội tổng hợp thực hiện việc chăm sóc nhiều đối tượng bảo trợ xã hội hoặc đối tượng cần trợ giúp xã hội; trung tâm công tác xã hội thực hiện việc tư vấn, chăm sóc khẩn cấp hoặc hỗ trợ những điều kiện cần thiết khác cho đối tượng cần trợ giúp xã hội.

Ngoài ra, còn có cơ sở trợ giúp xã hội khác theo quy định của pháp luật là các cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập. Đây chính là các cơ sở nhận được nhiều tấm lòng vàng từ các nhà hảo tâm và cộng đồng xã hội bởi nghĩa cử cao đẹp. Nhưng cũng chính vì thế mà nảy sinh tồn tại hành vi trục lợi từ thiện và diễn ra các hành vi bạo hành trẻ em. 

Đánh giá về vụ việc, TS.LS Đặng Văn Cường, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam, Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp cho biết: “Hành vi bạo hành trẻ em là hành vi vi phạm pháp luật và rất đáng lên án. Người thực hiện hành vi bạo hành trẻ em lại là người có chức năng nhiệm vụ bảo vệ, giáo dục trẻ em, đang mang danh nghĩa thiện nguyện thì đó là hành vi rất đáng trách, đáng lên án và cần phải bị xem xét xử lý bằng chế tài nghiêm minh của pháp luật. Cơ quan chức năng cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong vai trò quản lý Nhà nước như có hoạt động quản lý, thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động của cơ sở bảo trợ xã hội ngoài công lập”.
Nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở
Vụ việc cho thấy đã đến lúc, chúng ta cần siết chặt lại các quy định cũng như công tác kiểm tra, giám sát, quản lý đối với các cơ sở bảo trợ xã hội công lập lẫn ngoài công lập. Cùng với đó là đầu tư phát triển đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, để thực hiện nghiệp vụ chuyên môn về công tác xã hội, giám sát các đối tượng được chăm sóc trong cộng đồng. Có như vậy, mới chấm dứt được hành vi trục lợi, cũng như ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi bạo hành trẻ em, đối tượng yếu thế sống trong các cơ sở bảo trợ xã hội. 

Tại phiên họp báo Chính phủ chiều ngày 7/9, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) Nguyễn Văn Hồi nhấn mạnh: “Vụ việc ở Mái ấm Hoa Hồng có liên quan đến công tác quản lý. Ngay việc hoạt động vượt công suất trên 100% nhưng thanh tra, kiểm tra chưa xử lý được, liên quan đến vấn đề buông lỏng quản lý. Qua vụ việc này, Bộ LĐTBXH sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát trên cả nước. Đặc biệt là cấp xã phải tăng cường kiểm tra, thanh tra tại cơ sở, cấp huyện tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra cấp huyện, cấp tỉnh cũng vậy. Cơ sở nào chưa có giấy phép hoạt động thì dừng. Cơ sở nào chưa hội tụ đủ các tiêu chí điều kiện thì khẩn trương hoàn thiện để tăng cường năng lực chăm sóc trẻ em. Đề nghị tăng cường công nghệ áp dụng trong việc giám sát thường xuyên, liên tục việc chăm sóc trẻ em tại các cơ sở, mái ấm.

Tăng cường thực hiện đúng quy định của Đảng, Nhà nước về quy định liên quan đến chăm sóc bảo vệ trẻ em, đặc biệt là quy định mới nhất của Nghị định số 110/2024/NĐ-CP Chính phủ mới ban hành về công tác xã hội. Trong này có một số nhóm quy định như hoạt động thiện nguyện, Nhà nước tạo các cơ hội cho các tổ chức, cá nhân có thể giúp đỡ người khó khăn nhưng phải bảo đảm đúng quy trình, quy định, không được bóc lột, lợi dụng, hành hạ, xâm hại các đối tượng… Bên cạnh đó, là các chính sách liên quan đến các cơ sở dịch vụ chuyên nghiệp phải tuân thủ các tiêu chí điều kiện và phải được phép hoạt động. 

Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Đặng Hoa Nam cho biết: Để không còn xảy ra những vụ việc đáng tiếc như trên, cần tăng cường giám sát, nâng cao trách nhiệm của chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở trong công tác bảo vệ, phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em... Phải giám sát thường xuyên đối với việc chăm sóc trẻ sơ sinh, trẻ mồ côi trong các cơ sở trợ giúp xã hội. Trước mắt, phải đáp ứng các yêu cầu của Luật Trẻ em năm 2016, trong đó quy định rõ, UBND cấp xã giao nhiệm vụ cụ thể về thực hiện quyền của trẻ em, bố trí người làm công tác bảo vệ trẻ em trong số các công chức cấp xã hoặc người hoạt động không chuyên trách thuộc quyền quản lý.

 

Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/lo-lo-hong-trong-quan-ly-cac-co-so-bao-tro-xa-hoi-a185847.html