Tại diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hải, Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh, tỉnh Bắc Giang cho biết ông tham gia chăn nuôi lợn từ năm 2016 và gặp không biết bao nhiêu khó khăn do dịch bệnh chăn nuôi rồi dịch COVID-19, thiên tai, giá bán quá thấp… Tuy nhiên ông luôn có ý trí quyết tâm xây dựng thành chuỗi từ chăn nuôi đến chế biến. Bởi trong sản xuất, để gia tăng giá trị cho sản xuất, sản phẩm phải gia tăng chế biến.
Hợp tác xã Bình Minh đã chế biến sâu và thành công. Năm 2024, doanh thu của đơn vị sẽ đạt 50-60 tỷ đồng. Tuy nhiên, hợp tác xã gặp vướng khi đất chăn nuôi có nhưng đất cho chế biến còn rất khó khăn.
Không chỉ riêng Hợp tác xã Bình Minh, ông Nguyễn Ngọc Hải cho biết, có rất nhiều hợp tác xã tham gia làm sản phẩm chế biến cũng vướng mắc như vậy. Trong đó, quy mô các hợp tác xã chỉ cần 500 - 1.000 m2 nhưng cũng không có để làm. Nếu như hiện nay, hợp tác xã xây dựng khu chế biến trong khu đất thổ cư sẽ không thể vay vốn chăn nuôi và chế biến.
Các hợp tác xã mong muốn có quy hoạch cụm công nghiệp chế biến để vừa thành quần thể vừa giúp cho các đơn vị xúc tiến thương mại tốt hơn. Các tỉnh, thành phố chú ý đến phát triển cụm công nghiệp dành cho chế biến nông sản, giúp nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến sản phẩm đạt hiệu quả hơn, ông Nguyễn Ngọc Hải mong muốn.
Nông dân Nguyễn Cường nuôi tôm ở xã Diễn Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An bày tỏ: "Cái khó của nhiều nông dân là bị vướng vào các bất cập trong vấn đề đất đai". Đơn cử như gia đình ông Cường, thuê đất 20 năm để nuôi tôm nên không đầu tư lâu dài. Thêm vào đó, hết hạn thuê đất mà ông vẫn chưa làm được thủ tục gia hạn cho thuê đất. Đây không chỉ là tình trạng của gia đình ông mà còn của nhiều nông dân sản xuất quy mô lớn. Ông Cường mong muốn Hội Nông dân, ngành nông nghiệp và địa phương quan tâm, tháo gỡ cho nông dân.
Qua hơn 20 năm nuôi cá chình, ông Nguyễn Hữu Ánh, Nông dân Việt Nam xuất sắc đến từ tỉnh Cà Mau nhận thấy thổ nhưỡng Cà Mau nuôi cá trình rất tốt, nhưng khó khăn là địa phương không cho chuyển mục đích, chuyển đổi đất nông nghiệp. Nhiều hộ dân muốn chuyển đổi sang nuôi cá chình không được.
Nông dân Nguyễn Thị Đoàn, Hợp tác xã sản xuất, mua bán và chế biến thủy sản Vương Đoàn, tỉnh Quảng Bình cũng chia sẻ, hợp tác xã chuyên về nuôi cá lóc, tôm thẻ chân trắng nhưng giá bán ra rất thấp và thị trường không ổn định. Nhưng nếu chế biến sản phẩm thì giá bán cao hơn.
Muốn chế biến thì phải có đất để mở cơ sở chế biến. Hợp tác xã đã có 3 sản phẩm OCOP, nhưng không có đất để mở cơ sở chế biến. Bà Nguyễn Thị Đoàn gửi gắm Bộ trưởng và Chủ tịch Hội Nông dân mong muốn được tháo gỡ về đất đai để mở cơ sở chế biến phát triển sản xuất.
Trước vấn đề đất đai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho biết, Luật Đất đai 2024 đã đưa vào thuật ngữ mới, đó là đất đa mục đích. Có nghĩa là đất nông nghiệp có thể nuôi thuỷ sản, có thể chăn nuôi hay làm du lịch. Có lẽ, các địa phương đang lúng túng chưa tiếp cận được. "Thuật ngữ đất đa mục đích sẽ cởi trói được vấn đề vướng mắc lâu nay trong quá trình chuyển đổi đất đai, từ vùng nuôi cá chình ở Cà Mau cho tới nuôi cá lóc ở Quảng Bình", Bộ trưởng Lê Minh Hoan thông tin.
Cơn bão số 3 đi qua đã để lại những thiệt hại chưa từng có với nông dân ở nhiều địa phương, mà có lẽ phải mất rất nhiều thời gian mới có thể phục hồi. Sau thiệt hại khủng khiếp do mưa lũ để lại cho ngành nông nghiệp, ông Hoàng Văn Liêm, Hợp tác xã dịch vụ tổng hợp Thiên An Yên Bái cũng như nhiều hợp tác xã đều nhận thấy, mức hỗ trợ nông dân bị thiệt hại theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh là quá thấp và không còn phù hợp với thực tế. Bên cạnh đó, vấn đề bảo hiểm nông nghiệp của một đất nước có nền nông nghiệp phát triển như Việt Nam chưa tương xứng.
Nhiều hợp tác xã cũng kiến nghị với các bộ, ngành tiếp tục tìm nguồn vốn và hỗ trợ cho nông dân vay; khoanh nợ, giãn nợ, hoãn trả đối với những khoản vay đã bị cơn bão làm thiệt hại; cho vay khoản vay mới với lãi suất ưu đãi nhất để bà con đầu tư xây dựng lại cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Minh Hoan chia sẻ, làm nông nghiệp là dũng cảm, rủi ro nhiều, thiên tại dịch bệnh lớn, nên rất cần thời gian và sự mạnh dạn. Nếu thiếu tinh thần hợp tác thì không bao giờ có hợp tác xã và không ai đi một mình mà đều thành công. Nếu sản xuất quy mô quá nhỏ thì không tránh được tác động của thị trường. Bộ trưởng Lê Minh Hoan mong muốn 63 hợp tác xã ở diễn đàn lan tỏa tinh thần hợp tác, tinh thần của người nông dân xuất sắc ra cộng đồng để thu hút bà con tham gia. Các doanh nghiệp cùng chung tay xây dựng hợp tác xã, giúp bà con được thụ hưởng những lợi ích khi tham gia hợp tác xã, đồng thời thúc đẩy kinh tế tập thể phát triển đúng hướng, lâu dài.
Ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết, một trong 3 nhiệm vụ đột phá được Đại hội đại biểu Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 thông qua trong nhiệm kỳ tới là tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Theo đó, Hội Nông dân các cấp sẽ tập trung tham gia hướng dẫn phát triển các mô hình kinh tế tập thể.
"Hiện nay, ngành nông nghiệp tồn tại điểm yếu như sản xuất quy mô nhỏ lẻ, manh mún; chất lượng hàng hóa nông sản chưa đồng đều; chưa có những vùng nguyên liệu lớn để phục vụ chế biến... Nhiệm vụ đột phá này sẽ hướng đến khắc phục những điểm yếu, tháo gỡ những nút thắt của ngành nông nghiệp", ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Đỗ Hương
Link nội dung: https://dulichgiaitri.vn/lang-nghe-chia-se-cua-nong-dan-a185932.html